Ngày 9-1-2014, Sở NN và PTNT tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014. Các đồng chí: Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các Ban Xây dựng Đảng của Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các ngành, đoàn thể; lãnh đạo các huyện, thành phố tới dự.
Năm 2013, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 4.792 tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2012. Diện tích gieo cấy lúa đạt 155.354ha, năng suất lúa đạt 118,06 tạ/ha, sản lượng lúa chất lượng cao ước đạt 400 nghìn tấn, chiếm 44% tổng sản lượng. Sản xuất rau màu thuận lợi, năng suất, sản lượng, giá bán của hầu hết các loại cây rau màu đều tương đương cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng trang trại, gia trại tập trung. Tổng đàn lợn 734.400 con, sản lượng lợn hơi xuất chuồng 126 nghìn tấn, tăng 3,5% so với năm 2012; đàn trâu, bò 40.808 con, sản lượng thịt 3.618 tấn, tăng 2,8%; đàn gia cầm 7.136.950 con, sản lượng thịt 15.357 tấn, tăng 6,9%. Tổng sản lượng thủy sản cả năm ước đạt 100,6 nghìn tấn, tăng 6,8% so với năm 2012. Sản lượng muối đạt 65 nghìn tấn. 92% dân số nông thôn dùng nước sạch và nước hợp vệ sinh. Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp - nông thôn được củng cố. Chương trình xây dựng NTM được triển khai tích cực; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đầu tư phát triển, phục vụ tốt sản xuất, đời sống, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Năm 2014, tỉnh tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ KHKT. Từng bước thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục tranh thủ sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội nông thôn, đẩy mạnh chương trình quốc gia về xây dựng NTM. Sở NN và PTNT phối hợp với các ngành, các địa phương rà soát, bổ sung và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và muối, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch thoát lũ toàn tỉnh đến năm 2020. Có kế hoạch quản lý, sử dụng linh hoạt và hiệu quả 75.120ha đất trồng lúa. Tập trung phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng chăn nuôi bền vững, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Làm tốt công tác quản lý sản xuất và cung ứng giống thủy sản; đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật; tập trung phát triển đa dạng các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Tiếp tục tổ chức tốt sản xuất trên biển, nâng cao năng lực và hiệu quả khai thác hải sản, phát triển hậu cần dịch vụ, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Giữ ổn định 640ha diện tích sản xuất muối. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư, ứng dụng tiến bộ KHKT, mở rộng cơ giới hóa trong sản xuất. Tiếp tục đổi mới tổ chức, quản lý trong các ngành sản xuất, phát triển mạnh kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác và HTX. Đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM.
Với những thành tích và đóng góp cho sự nghiệp NN và PTNT, ngành NN và PTNT tỉnh đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. 28 tập thể và 6 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh trao Cờ đơn vị thi đua xuất sắc của UBND tỉnh cho các đơn vị. Ảnh: Ngọc Ánh |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương Sở NN và PTNT, các cấp, các ngành và các địa phương đã giữ vững tốc độ tăng trưởng và phát triển NN và PTNT ổn định trên mọi lĩnh vực; đặc biệt là chủ động về công tác xây dựng, nâng cấp hệ thống đê điều; nâng cấp mở rộng hệ thống thủy lợi trong phòng chống biến đổi khí hậu. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh thành công lớn nhất của tỉnh là thực hiện chương trình xây dựng NTM, bảo đảm bài bản, khoa học, mang tính thực tiễn; huy động được sức mạnh toàn dân trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, việc triển khai các nội dung xây dựng NTM không đồng đều giữa các địa phương. Việc tiêu thụ nông sản cho nông dân còn khó khăn, lúng túng; còn ít doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; chưa quyết liệt trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Năm 2014, ngành NN và PTNT tỉnh cần thực hiện tốt các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Kiên trì mục tiêu xây dựng NTM theo phương pháp của các địa phương thực hiện tốt ngay trong tỉnh; chú trọng mục tiêu xây dựng NTM là cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của dân cư nông thôn. Ngành NN và PTNT tỉnh tranh thủ phối hợp với các cấp, các ngành xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành NN và PTNT tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Để thực hiện được điều này cần phải rà soát, bổ sung, quản lý thực hiện tốt các quy hoạch. Căn cứ vào kịch bản biến đổi khí hậu để xác định cơ cấu mùa vụ; lựa chọn bộ giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao đáp ứng yêu cầu của thị trường. Xây dựng và phát triển các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với HTX và doanh nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật công nghệ mới cho nông, ngư dân. Mở rộng áp dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất. Các sở, ngành, các địa phương tham mưu cho UBND tỉnh có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, công khai các thủ tục hành chính. Nâng cao ý thức, trách nhiệm và kỷ cương của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, của người đứng đầu trong quản lý điều hành, đặc biệt là trách nhiệm của giám đốc, thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp. Nâng cao trách nhiệm và thực hiện tốt quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ. UBND tỉnh giao Sở NN và PTNT phối hợp với các huyện làm điểm một số mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây lương thực, thực phẩm có giá trị cao và phải gắn với tiêu thụ sản phẩm; khi cần trồng lúa phải hoàn lại đất trồng lúa. Sản xuất vụ đông cần phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, lâu dài, phải gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng nhà máy nước sạch phục vụ cho nhân dân theo giá ban hành của tỉnh.
Ngày 8-1-2014, Sở Công thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2013, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2014. Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tới dự.
Năm 2013, mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại của tỉnh vẫn tăng trưởng cao. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định 1994) ước đạt 17.092 tỷ đồng, tăng 21,5% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,48%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 9,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 13,97%... Nhiều sản phẩm chủ yếu có tốc độ tăng trưởng khá là: bánh kẹo các loại tăng 10,2%, khăn các loại tăng 12,7%, quần áo may sẵn tăng 15,7%, thuốc viên các loại tăng 13,3%, thuốc nước các loại tăng 11%… Giá trị sản xuất công nghiệp các huyện, thành phố đều tăng trưởng cao hơn so với năm trước: Thành phố Nam Định tăng 26,8%, huyện Ý Yên tăng 24,6%, Nam Trực tăng 23,4%... Giá trị xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 413,8 triệu USD, tăng 8,14% so với năm 2012, vượt kế hoạch năm 3,46%. Giá trị hàng nhập khẩu ước đạt 323,7 triệu USD, tăng 7,83% so với năm 2012. Ngành Công thương đã chủ động phối hợp với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 127/ĐP tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại với tổng số 5.352 đợt, xử lý 2.758 vụ vi phạm, số tiền phạt vi phạm hành chính và hàng hóa thu giữ trị giá trên 70,7 tỷ đồng. Riêng Chi cục Quản lý thị trường đã thực hiện 2.958 đợt kiểm tra, xử lý 1.750 vụ vi phạm, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính và trị giá hàng hóa thu giữ là trên 3,7 tỷ đồng…
Năm 2014, ngành Công thương tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh… Thực hiện các biện pháp kích cầu để tăng tiêu thụ, giảm tồn kho, khẩn trương thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để khai thông thị trường. Chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng giảm tỷ lệ công nghiệp khai thác, tăng công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên các ngành: cơ khí chế tạo, dệt may, da giày, nhựa, điện tử… Đa dạng hóa sản phẩm, loại hình sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh… Năm 2014, toàn ngành phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 20.850 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2013; giá trị hàng xuất khẩu phấn đấu đạt 420-430 triệu USD, tăng 5% so với năm 2013. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 23.157 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2013…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương sự cố gắng của toàn ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ năm 2013, góp phần giúp các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2014 ngành Công thương cần tăng cường phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh triển khai xây dựng KCN Mỹ Thuận (Mỹ Lộc); triển khai thực hiện tốt các quy hoạch: phát triển ngành nghề TTCN, điện gió; phối hợp với các ngành xây dựng quy hoạch chi tiết Khu kinh tế Ninh Cơ; phối hợp với UBND các huyện triển khai rà soát, xây dựng kế hoạch phát triển các điểm công nghiệp. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các CCN. Quan tâm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ngành Công thương phối hợp với các ngành, doanh nghiệp chuẩn bị lượng hàng hóa đủ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ…
Ngày 7-1-2014, Ban Chỉ đạo đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 127) của tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2013, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2014.
Năm 2013, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được các ngành, các cấp trong tỉnh quan tâm chỉ đạo và thực hiện nên đã đạt được kết quả tích cực, góp phần giữ ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Các lực lượng chức năng đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về việc lưu thông hàng hoá, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra 5.352 lượt, xử lý 2.758 vụ vi phạm ở các lĩnh vực vận chuyển, buôn bán, tàng trữ hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng; vi phạm pháp luật về giá và vi phạm các điều kiện kinh doanh. Phạt hành chính và truy thu thuế 53 tỷ 428,9 triệu đồng, hàng hóa tịch thu trị giá 17 tỷ 329,2 triệu đồng. Trong đó, Công an tỉnh kiểm tra 168 lượt, xử lý 168 vụ, phạt vi phạm hành chính và thu giữ hàng hóa trị giá 2 tỷ 353,8 triệu đồng. Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) kiểm tra 2.958 lượt, xử lý 1.750 vụ, phạt vi phạm hành chính và hàng hoá tịch thu trị giá 3 tỷ 726 triệu đồng. Cục Thuế tỉnh kiểm tra 591 lượt, xử lý 591 vụ, phạt vi phạm hành chính và truy thu thuế là 47 tỷ 896 triệu đồng. Sở NN và PTNT đã kiểm tra 395 lượt, xử lý 40 vụ, phạt tiền và hàng hóa thu giữ trị giá 522,4 triệu đồng. Sở KH và CN đã kiểm tra 566 lượt, xử lý 56 vụ, phạt tiền 41 triệu đồng. Sở Y tế kiểm tra 322 lượt, xử lý 62 vụ vi phạm với số tiền phạt hành chính là 121,3 triệu đồng. Sở VH, TT và DL đã kiểm tra 280 lượt, xử lý 19 vụ, phạt tiền 34,75 triệu đồng. Sở TT và TT đã tổ chức 8 cuộc thanh tra, xử lý 14 vụ với số tiền phạt là 97,35 triệu đồng. Chi cục Hải quan Nam Định đã kiểm tra 33 lượt, xử lý 33 vụ, phạt hành chính 66 triệu đồng. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh kiểm tra 25 lượt, xử lý 25 vụ, phạt hành chính 1 tỷ 665,9 triệu đồng, tịch thu 98,8kg pháo nổ các loại, 812,887m3 dầu DO trị giá 14 tỷ 233,6 triệu đồng.
Năm 2014, Ban Chỉ đạo 127 tỉnh tập trung duy trì hoạt động theo quy chế đã ban hành. Chỉ đạo các ngành thành viên căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Các ngành liên quan tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra theo chuyên đề các mặt hàng như: xăng dầu, khí đốt hoá lỏng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp… Trong đó chú trọng kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ găm hàng, ổn định thị trường, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngày 8-1-2014, Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2014.
Năm 2013, Hội Cựu TNXP tỉnh không ngừng củng cố, kiện toàn tổ chức Hội, quan tâm phát triển hội viên, phát huy tốt vai trò nhân chứng lịch sử trong giải quyết chế độ chính sách cho người có công, triển khai nhiều hoạt động nghĩa tình đồng đội, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong thời gian qua, các cấp Hội đã tập hợp và vận động hội viên xây dựng Quỹ “Nghĩa tình đồng đội” để tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên hội viên bị ốm đau, tặng quà, chúc thọ, tặng sổ tiết kiệm, phối hợp xây Nhà Tình nghĩa, sửa chữa nhà cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở. Năm 2013, Hội Cựu TNXP tỉnh đã vận động xây mới và sửa chữa được 24 Nhà Tình nghĩa với tổng trị giá 418 triệu đồng; tặng 44 sổ tiết kiệm cho cựu TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; thăm hỏi, tặng quà cho 2.076 lượt hội viên với tổng số tiền hơn 366 triệu đồng… Phối hợp với Sở Nội vụ, Tỉnh Đoàn, Sở LĐ-TB và XH thẩm định, giải quyết chế độ chính sách cho 41 cựu TNXP cô đơn không nơi nương tựa được hưởng trợ cấp hằng tháng; 1.463 người được hưởng trợ cấp một lần và 734 thân nhân TNXP từ trần được hưởng trợ cấp… Với những kết quả đạt được, Hội Cựu TNXP tỉnh đã được Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam tặng Cờ đơn vị xuất sắc toàn quốc; 38 cá nhân được tặng Huy hiệu cựu TNXP làm theo lời Bác.
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, năm 2014, Hội Cựu TNXP các cấp trong tỉnh vận động hội viên tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc tại cơ sở; tổ chức tốt hoạt động nghĩa tình đồng đội nhằm động viên, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế; tiếp tục rà soát, giải quyết những tồn đọng về chế độ chính sách cho cựu TNXP; giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống của TNXP đối với thanh, thiếu niên tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, phát huy tinh thần yêu nước của dân tộc./.
Nhóm PV Thời sự