Tết Nguyên đán 2014 đang đến gần, các vấn đề liên quan đến điều hành giá xăng dầu, giá các mặt hàng thiết yếu đang khiến người dân hết sức quan tâm. Bên cạnh đó, những vấn đề của kinh tế vĩ mô như chống thất thu thuế, chuyển giá... đang là mối quan tâm chung của toàn xã hội. Những vấn đề đó đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thẳng thắn giải đáp trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời".
Hoàn thành 100,4% dự toán ngân sách
Những tháng cuối cùng của năm 2013, ngành Tài chính đã đạt được thành công ngoạn mục trong nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong điều kiện nền kinh tế trong và ngoài nước hết sức khó khăn. Điều này cũng đã dấy lên những băn khoăn liệu đây có phải là một thủ thuật “xào xáo” con số của Bộ Tài chính hay không? Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã khẳng định hoàn toàn không có chuyện xào xáo, thu NSNN 2013 đã đạt 100,4% dự toán Quốc hội giao. Trong 6 tháng đầu năm đạt 43% dự toán, đến hết tháng 9-2013, tổng thu NSNN mới đạt 66,6% dự toán, trong khi bình thường cần phải đạt ít nhất 75% dự toán. Trước tình hình như thế Bộ Tài chính đã chủ động làm việc với 63 địa phương trong cả nước để đánh giá tình hình khả năng thu NSNN 2013 và xây dựng dự toán thu NSNN 2014.
Bộ trưởng cho biết, sau khi đánh giá với các địa phương, Bộ Tài chính đã báo cáo với Chính phủ, đề xuất với Quốc hội các giải pháp có tính chất đột phá để đảm bảo dự toán NSNN 2013.
Cụ thể đã kiến nghị với Quốc hội ban hành một số chính sách mới, thu NSNN đối với cổ tức được chia năm 2013 cho phần vốn Nhà nước tại Cty CP có vốn Nhà nước do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu; và lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật của các tập đoàn, Tổng Cty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Thu NSNN 75% tiền lãi dầu khí nước chủ nhà được chia từ liên doanh Vietsovpetro và các hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, tiền đọc, sử dụng tài liệu dầu khí phát sinh năm 2013. Trên tinh thần đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 54/2013/QH13 và Nghị quyết số 57/2013/QH13, sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị định số 204/2013/NĐ-CP và Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 187/2013/TT-BTC để triển khai thực hiện thu ngay các khoản thu trên vào NSNN.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương; động viên sự vào cuộc thật sự của các ngành, các cấp, đặc biệt là cấp ủy và chính quyền các địa phương. “Đến nay qua tổng kết, 63/63 địa phương đều có chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban nhân dân tỉnh để tổ chức thực hiện dự toán thu chi NSNN 2013”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm.
Ngoài ra, toàn ngành Tài chính đã quyết liệt triển khai công tác chống thất thu, đẩy nhanh việc xử lý để giảm nợ đọng thuế; chấn chỉnh công tác hoàn thuế. Qua triển khai, đã thu được kết quả về chống thất thu ngân sách, tính đến tháng 12-2013, cơ quan Thuế đã thanh tra, kiểm tra được 60.273 doanh nghiệp, tổng số thuế xử lý thu vào ngân sách hơn 13.186 tỷ đồng.
Về công tác thu hồi nợ thuế, cơ quan thuế đã thu hồi được 25.482 tỷ đồng, đạt 52% trên tổng số nợ thuế tính đến thời điểm 31-12-2012.
Về chống buôn lậu và gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 340 doanh nghiệp có rủi ro cao về hoàn thuế GTGT xử lý truy thu và truy hoàn hơn 238 tỷ đồng. Đã chuyển 67 hồ sơ doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm hình sự sang cơ quan công an; trong đó cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố 17 doanh nghiệp, bắt giữ 22 đối tượng vi phạm.
Cơ quan Hải quan đã phát hiện, bắt giữ được 22.012 vụ việc vi phạm (trong đó có 677 vụ việc liên quan đến ma túy), trị giá hàng hoá vi phạm ước tính trên 565 tỷ 426 triệu đồng.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nhận định, qua đó đã hạn chế được tiêu cực trong hoàn thuế, số tiền hoàn thuế đã giảm đi rõ rệt số tiền hoàn thuế tại các tỉnh Tây Nguyên trong 6 tháng đầu năm 2013 bình quân là 298 tỷ đồng/tháng, 6 tháng cuối năm 2013 bình quân là 239 tỷ đồng/tháng, giảm 20%.
Số tiền hoàn thuế tại các tỉnh Tây Nam Bộ trong 6 tháng đầu năm 2013 bình quân là 800 tỷ đồng/tháng, 6 tháng cuối năm 2013 bình quân là 692 tỷ đồng/tháng, giảm 15%.
Người đứng đầu ngành Tài chính nhấn mạnh, cùng với việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, xử lý nghiêm vi phạm của doanh nghiệp thì ngành Tài chính cũng đã tiến hành đình chỉ công tác, kiểm điểm, xử lý hành chính một số cán bộ thuế, hải quan có liên quan có trách nhiệm trong vấn đề hoàn thuế, để doanh nghiệp trốn lậu thuế và hoàn thuế GTGT.
Triển khai quyết liệt các giải pháp chống chuyển giá
Tư lệnh ngành Tài chính khẳng định trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, kêu gọi đầu tư nước ngoài với sự khác biệt về thuế suất và chế độ ưu đãi thuế giữa các quốc gia, thì vấn đề chuyển giá, tránh thuế không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà còn xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới.
“Vấn đề là chúng ta tiếp cận để quản lý tốt, vừa thu hút được nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, vừa đảm bảo được nguồn thu cho NSNN và phù hợp với luật pháp quốc tế, đây là nguyên tắc chung”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, về phía Bộ Tài chính đã nhận thức vấn đề và xây dựng các khung pháp lý để phục vụ cho công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá từ rất sớm. Đặc biệt Bộ Tài chính đã có Quyết định số 1250/QĐ-BTC phê duyệt Chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012-2015, trong đó đề ra 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chống chuyển giá.
Đến nay Bộ đã từng bước kiểm soát được hoạt động chuyển giá, như cơ quan thuế các cấp đã quản lý được 3.188 doanh nghiệp có giao dịch liên kết thực hiện kê khai thông tin; hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá đã từng bước được xây dựng để phục vụ công tác thanh tra giá chuyển nhượng. Từ đó, số lượng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kê khai thua lỗ giảm đi rõ rệt, góp phần lành mạnh hoá môi trường cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Theo quan điểm của Bộ Tài chính, việc chuyển giá khi đầu tư vào Việt Nam ở nhiều giai đoạn khác nhau. Ngay từ giai đoạn đầu tư, sau cấp phép việc kê khai giá cả giá trị của máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ, hoặc bản quyền, thương hiệu được đưa vào Việt Nam cũng có thể là chuyển giá khi kê giá cao. Hay tại giai đoạn tiêu thụ sản phẩm đều có thể xảy ra hiện tượng chuyển giá nếu như doanh nghiệp kê khai giá cao hơn thực tế.
Bộ Tài chính cho rằng để chống chuyển giá ngoài trách nhiệm của ngành Tài chính, thì các ngành, các cấp như kế hoạch đầu tư, khoa học công nghệ cũng phải có trách nhiệm trong việc kiểm tra, kiểm soát đầu vào, đầu ra của đầu tư vào khâu sản xuất của doanh nghiệp thì mới đảm bảo được chuyển giá. Nghĩa là giá đầu vào, đầu ra phải được xác định đúng theo thị trường.
“Như vậy, thì mới đảm bảo được chống chuyển giá, từ đó đảm bảo được sự công bằng, đảm bảo được sự thực thi pháp luật và đảm bảo được nguồn thu NSNN”, Bộ trưởng chia sẻ.
Từng bước xóa bỏ bù chéo trong điều hành giá
Quản lý giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng là một nội dung Bộ Tài chính rất quan tâm trong quá trình điều hành. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc điều hành giá phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô theo chủ trương chung của Quốc hội, Chính phủ. Theo đó, điều hành giá phải theo đúng pháp luật về giá; giá cả được điều hành theo định hướng có sự quản lý của Nhà nước; trong quá trình điều hành phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, cũng như đảm bảo sự công khai, minh bạch; tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp.
Đặc biệt, việc điều hành giá phải từng bước xóa bỏ bù chéo trong nền kinh tế. Bộ trưởng cho biết, năm 2013 đã từng bước xóa bỏ bù chéo, như giá bán than nội địa đã bán theo giá thị trường. Đồng thời, trong quá trình điều hành giá, các chính sách an sinh xã hội phải được đảm bảo hỗ trợ cho người nghèo, gia đình chính sách, vùng sâu vùng xa.
"Chúng tôi tin rằng kinh tế vĩ mô càng ngày càng ổn định thì trong điều hành giá cả và giá cả thị trường năm 2014 sẽ ổn định hơn. Cùng đó, việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, than, gas... sẽ tránh được những cú sốc về giá, nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người dân", người đứng đầu ngành Tài chính nhấn mạnh.
Riêng trong việc điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết từ cuối năm 2009 đến nay đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP với nguyên tắc xuyên suốt là giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế giá thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Trong đó, quy định công thức tính giá cơ sở căn cứ bình quân giá xăng, dầu thế giới 30 ngày, thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá là 10 ngày, thực hiện bình ổn giá thông qua các công cụ tài chính, như: Quỹ Bình ổn giá, thuế, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp, công khai, minh bạch các nguyên tắc quản lý, điều hành giá xăng dầu.
Thời gian vừa qua, Liên Bộ Tài chính - Công thương đã công khai việc hình thành sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu của từng doanh nghiệp trong từng quý. Nhằm thực hiện công khai, minh bạch hơn nữa trong điều hành giá xăng, dầu thời gian tới, trong từng lần điều hành giá xăng dầu trong nước, Bộ Tài chính sẽ công bố công khai diễn biến giá xăng, dầu thế giới từng ngày của từng chủng loại xăng, dầu trong bình quân 30 ngày làm căn cứ điều hành giá xăng, dầu trong nước. Và công khai, minh bạch phương án tính toán giá cơ sở, trong đó chi tiết từng yếu tố chi phí cấu thành giá cơ sở, như: giá xăng, dầu thành phẩm thế giới; các khoản thuế, phí; chi phí kinh doanh định mức; lợi nhuận định mức; trích, chi Quỹ Bình ổn giá...
Trên cơ sở sự công khai, minh bạch đó, người dân và các chuyên gia kinh tế có thể giám sát cụ thể việc điều hành giá xăng, dầu trong nước và tạo sự đồng thuận mỗi khi Liên Bộ cho phép điều chỉnh giá xăng, dầu./.
Theo: mof.gov.vn