Bảo đảm công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014

02:01, 22/01/2014

Thực hiện Chỉ thị 02/CT-UBND ngày 6-1-2014 của UBND tỉnh về việc tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 và Chỉ thị 01/CT-BYT ngày 10-1-2014 của Bộ Y tế về đảm bảo công tác y tế trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế trong ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tăng cường công tác phòng, chống dịch, bảo đảm ATTP trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2014; đảm bảo công tác tổ chức khám, chữa bệnh (KCB). Về công tác phòng, chống dịch, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dịch, đặc biệt các bệnh cúm A(H7N9, H5N1), tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, sởi, rubella, tiêu chảy do vi rút Rota, các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa có nguy cơ bùng phát trong mùa đông - xuân, nhất là dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội; tăng cường truyền thông nguy cơ phòng, chống dịch để người dân chủ động phòng chống dịch, bệnh và không hoang mang, lo lắng; tăng cường công tác giám sát dịch tễ tại tuyến xã, huyện để phát hiện sớm, xử lý kịp thời những trường hợp mắc bệnh, không để lây lan, bùng phát thành dịch; báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh theo Thông tư 48/2010/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố trực tiếp chỉ đạo, tham gia công tác giám sát phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, hướng dẫn y tế cơ sở chủ động tăng cường giám sát, sẵn sàng phương án chống dịch; xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm tập trung vào các vùng có nguy cơ cao, địa phương có ổ dịch cũ, các khu vực trọng điểm, hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc, tử vong; củng cố các đội cơ động chống dịch sẵn sàng triển khai nhiệm vụ. Đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường tại các khu phố, làng, xóm, thôn; thành lập các Đội cơ động phòng, chống dịch tại Trung tâm Y tế các huyện, thành phố để sẵn sàng điều tra, xử lý ổ dịch khi có yêu cầu; chuẩn bị đầy đủ hóa chất khử khuẩn, vật tư, trang thiết bị và nhân lực, sẵn sàng hỗ trợ, triển khai các hoạt động chống dịch kịp thời; phân công cán bộ, tổ chức trực 24/24 giờ trong các ngày nghỉ Tết, chỉ đạo các đơn vị trực và báo cáo tình hình bệnh dịch theo đúng quy định; phối hợp với bệnh viện tuyến huyện, thành phố và các đơn vị liên quan trên địa bàn xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng, lực lượng, trang thiết bị, vật tư, hóa chất và cơ số thuốc cấp cứu để kịp thời điều trị và xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm (NĐTP). Về công tác bảo đảm ATTP trước, trong và sau Tết, Chi cục ATVSTP chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác bảo đảm ATTP, phòng, chống NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn quản lý; ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP; tổ chức thường trực sẵn sàng điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra NĐTP; tuyên truyền rộng rãi thông điệp bảo đảm ATTP cho cộng đồng trên các phương tiện thông tin truyền thông; phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến thực phẩm, bảo đảm chất lượng ATTP cho người tiêu dùng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP trên địa bàn. Về tổ chức công tác KCB, các bệnh viện bảo đảm kế hoạch trực 24/24 giờ, bố trí nhân lực và phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu do tuyến dưới chuyển lên, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật kịp thời cho tuyến dưới khi có yêu cầu. Các bệnh viện trực 24/24 giờ, bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, sinh đẻ trong những ngày Tết, không được từ chối hoặc để chậm trễ trong trường hợp cấp cứu. Trường hợp người bệnh nhập viện không đúng tuyến, không đúng chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu, qua giai đoạn nguy hiểm mới được chuyển đi các cơ sở y tế phù hợp tuyến điều trị. Tổ chức tốt việc vận chuyển người bệnh lên tuyến trên khi cần thiết. Đặc biệt lưu ý và có kế hoạch chuẩn bị đối với các bệnh viêm phổi cấp, đột quỵ ở người già, các bệnh đường hô hấp ở trẻ em. Hướng dẫn các đơn vị bố trí kịp thời các trường hợp cấp cứu dịch bệnh, thảm họa và tai nạn giao thông./.

Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com