Bên cạnh những kết quả đạt được như kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, thị trường vàng... ngành Ngân hàng vẫn khiến dư luận băn khoăn trong năm 2013, xung quanh vấn đề xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hay khả năng tiếp cận vốn giá rẻ của người dân, doanh nghiệp… Những câu hỏi này đã được đặt ra cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” cuối tuần qua.
PV: Theo lộ trình mục tiêu của đề án cơ cấu lại hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011-2015, phải xử lý dứt điểm và căn bản những tổ chức tín dụng yếu kém trong năm 2013. Mục tiêu đó có trở thành hiện thực khi mà chỉ cách đây một tháng, chính Ngân hàng Nhà nước xác định có thêm 8 tổ chức tín dụng, nhà băng yếu kém, thưa Thống đốc?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Theo đúng lộ trình thì nhiệm vụ của tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đặt ra trong năm 2013 là xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém nhất có thể là ngòi nổ cho sự đổ vỡ và kéo theo phản ứng dây chuyền cho hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đến nay, có thể khẳng định rằng, chúng ta đã xử lý được 9 ngân hàng yếu kém nhất trong toàn hệ thống.
Tuy nhiên, đây là một quá trình kéo dài trong nhiều năm, khi chúng ta đã xử lý được những ngân hàng là những mắt xích yếu nhất thì sẽ nâng cấp lên, xử lý những nhà băng mà đến thời điểm này gọi là yếu kém so với quy định mới hiện nay. Và chúng ta tiếp tục cuốn chiếu để đảm bảo rằng, những mục tiêu trung hạn đến 2015 cũng như mục tiêu dài hạn đến năm 2020 của đề án được hoàn thiện.
Ảnh: Internet |
PV: Về Cty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được lập ra để xử lý nợ xấu, một số chuyên gia ví nó chỉ như một cái nhà kho, còn có người thì ví nó như một cục sâm các ngân hàng ngậm nó trong quá trình chờ phẫu thuật. Thống đốc nghĩ sao về những nhận định này?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Xử lý nợ xấu là một nội dung rất trọng tâm, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ quá trình tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Theo kinh nghiệm của các nước, để xử lý được nợ xấu khi ngân hàng có vấn đề, họ phải chi ra từ 7% đến 30%, thậm chí còn cao hơn nữa từ GDP và số tiền này là tiền của NSNN. Do vậy, ở các nước khác thường nợ xấu được mua bán, xử lý dứt điểm nhưng với một chi phí rất lớn.
Ở nước ta ngân sách hết sức khó khăn và còn phải phục vụ cho nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội khác, do vậy chưa có điều kiện tập trung ngân sách vào việc xử lý nợ xấu. Trong khi đó, xử lý nợ xấu lại là vấn đề cấp bách. Vậy, chúng ta phải có một mô hình xử lý nợ xấu sao cho phù hợp với hoàn cảnh và mô hình VAMC của Việt Nam hiện nay đáp ứng được yêu cầu đó.
Thông qua việc xử lý nợ xấu của VAMC, bản thân các tổ chức tín dụng cũng được bơm thêm thanh khoản và từ đó mà có thêm nguồn vốn cho phát triển kinh tế đất nước. Các doanh nghiệp sau khi đã mua bán lại nợ thông qua VAMC, khoản nợ đó không được tính vào nợ xấu của doanh nghiệp. Bản thân khoản nợ xấu đó sẽ được cơ cấu lại cả về mặt thời hạn cũng như mặt lãi suất. Như vậy, cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận được vốn và có điều kiện để chịu được áp lực tài chính trong giai đoạn khó khăn này.
Ngoài ra một nhiệm vụ quan trọng nhất của VAMC là tập trung các khoản nợ xấu về một mối để tạo ra thị trường mua bán nợ xấu hoàn chỉnh để giúp các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tiếp cận một cách dễ dàng khi mua bán. Do đó, có thể nói rằng, mô hình VAMC của Việt Nam có khác so với các nước, chưa xử lý dứt điểm được các khoản nợ xấu của hệ thống nhưng sẽ tạo ra một công cụ hết sức thuận lợi cho tất cả các bên gồm nhà băng, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
PV: Một nhóm nông dân cho biết Chính phủ và thống đốc đã khẳng định là chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp nông thôn với lãi suất 9%. Nhưng họ vẫn đang phải vay vốn tại đây với lãi suất là 11%. Như vậy có đúng với chủ trương hay không, thưa Thống đốc?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Chính phủ đã có Nghị định 41 để quy định việc cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ đó, tín dụng trong lĩnh vực này gần đây đã tăng vọt. Nếu như tăng trưởng tín dụng trên thị trường ngân hàng nói chung chỉ khoảng trên dưới 10% thì riêng nông nghiệp là 17%. Hiện NHNN không quy định trần lãi suất cho vay nhưng riêng lĩnh vực nông nghiệp quy định trần là 9% đối với cho vay ngắn hạn.
Về nguyên tắc thì tôi có thể khẳng định những bà con nông dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp có đề án tốt thì nhất định không khó để tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng. Và lãi suất cho vay ngắn hạn thì nhất định không quá 9% một năm./.
Theo: vnexpress.net