Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11-2013

08:11, 04/11/2013

Bỏ ghi tên cha, mẹ trên Chứng minh nhân dân

Theo Nghị định 106/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05/1999/NĐ-CP ngày 3-2-1999 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân (CMND) đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 170/2007/NĐ-CP ngày 19-11-2007, bỏ cụm từ "họ và tên cha", "họ và tên mẹ" tại mặt sau của CMND.

Nghị định 106/2013/NĐ-CP cũng rút ngắn thời gian cấp mới, đổi, cấp lại CMND. Cụ thể, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ và làm xong thủ tục theo quy định, cơ quan Công an phải làm xong CMND cho công dân trong thời gian sớm nhất, thời gian giải quyết việc cấp CMND tại thành phố, thị xã là không quá 7 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới, cấp đổi, 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại; tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo, thời gian giải quyết việc cấp CMND đối với tất cả các trường hợp là không quá 20 ngày làm việc; các khu vực còn lại thời gian giải quyết việc cấp CMND là không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp.

Hiện nay thời gian cấp CMND tối đa không quá 15 ngày (ở thành phố, thị xã) và 30 ngày (ở địa bàn khác).

Nghị định 106/2013/NĐ-CP cũng nêu rõ, đối với CMND đã được cấp theo Nghị định 170/2007/NĐ-CP ngày 19-11-2007 của Chính phủ vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định.

Nghị định 106/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 2-11-2013.

5 đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

Theo Nghị định quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn vừa được Chính phủ ban hành, có 5 đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn gồm:

- Đối tượng là người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự;

- Đối tượng là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự;

- Đối tượng là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong 6 tháng đã ít nhất hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng;

- Đối tượng là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định;

- Đối tượng là người từ đủ 18 tuổi trở lên, trong 6 tháng đã ít nhất hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội.

Việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với các đối tượng trên nhằm giám sát, quản lý, giáo dục họ tại nơi cư trú, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, khắc phục các nguyên nhân và điều kiện dẫn đến vi phạm pháp luật.

Điều kiện giao xe vi phạm hành chính cho đối tượng vi phạm

Theo Nghị định quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính có hiệu lực từ ngày 18-11-2013, phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có đủ một trong 2 điều kiện dưới đây thì người có thẩm quyền tạm giữ có thể giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền tạm giữ.

Thứ nhất, cá nhân vi phạm phải xuất trình sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị về nơi công tác; nếu tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận; có nơi giữ, bảo quản phương tiện đáp ứng các điều kiện quy định.

Thứ hai, tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ, bảo quản phương tiện.

Khi giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phải lập biên bản. Biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, khối lượng, đặc điểm, chủng loại, nhãn hiệu, xuất xứ, nơi giữ, bảo quản, tình trạng của phương tiện (nếu có) và phải có chữ ký của tổ chức, cá nhân vi phạm và người có thẩm quyền tạm giữ.

Phạt nặng vi phạm hành chính về giá, phí, lệ phí, hóa đơn

Theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn có hiệu lực thi hành từ 9-11-2013, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá là 150 triệu đồng; trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí, hóa đơn là 50 triệu đồng.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa đơn là 1 năm; trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí là 2 năm.

Nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường.

Mức phạt từ 20-50 triệu đồng sẽ áp dụng đối với hành vi cho, bán hóa đơn đã mua nhưng chưa lập. Mức phạt này cũng được áp dụng đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.

Phạt đến 3 triệu đồng nếu kết hôn với người khác khi đang có vợ, chồng

Theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã... có hiệu lực từ ngày 11-11-2013, người chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ cũng bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.

Mức phạt này cũng áp dụng đối với người đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.

Nghị định cũng quy định xử phạt hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn. Cụ thể, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ hoặc lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

Xử nghiêm vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y

Theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi đã được Chính phủ ban hành, hành vi vi phạm giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng.

Mức phạt trên cũng áp dụng đối với  một trong các hành vi vi phạm: Kinh doanh động vật mắc bệnh thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch; kinh doanh sản phẩm của động vật bị giết mổ bắt buộc ở dạng tươi sống; kinh doanh sản phẩm của động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Phạt tiền từ 6-7 triệu đồng đối với hành vi vi phạm đưa vào cơ sở giết mổ động vật chết, động vật mắc bệnh truyền nhiễm hoặc tẩu tán động vật chết, động vật mắc bệnh truyền nhiễm khi chưa được cơ quan thú y kiểm tra, xử lý.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 25-11-2003.

Sử dụng điện lưới để khai thác thủy sản bị phạt tới 15 triệu đồng

Đây là nội dung được nêu tại Nghị định 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, có hiệu lực thi hành từ 1-11-2013.

Nghị định nêu rõ nhiều mức phạt đối với vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản. Theo đó, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản; phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển công cụ kích điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác; phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi sử dụng điện lưới để khai thác thủy sản…

Ngoài ra, còn có hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu công cụ kích điện, công cụ kích điện trên tàu cá, công cụ sử dụng điện lưới để khai thác thủy sản; tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản từ 3-6 tháng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp điện từ máy phát điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác để khai thác thuỷ sản.

Phạt nặng nếu nhập khẩu thuốc BVTV bị cấm sử dụng

Theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật có hiệu lực thi hành từ ngày 20-11-2013, đối với hành vi nhập khẩu thuốc hoặc nguyên liệu thuốc BVTV trong Danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng ở Việt Nam mà không có giấy phép sẽ bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng.

Sử dụng thuốc BVTV không đúng nội dung hướng dẫn ghi trên bao gói gây nguy hiểm cho người, gia súc và làm ô nhiễm môi trường cũng sẽ bị phạt với mức phạt nêu trên.

Đối với một trong các hành vi vi phạm: Sử dụng thuốc BVTV không có tên trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng và hạn chế sử dụng ở Việt Nam; sử dụng thuốc BVTV dưới dạng ống tiêm thủy tinh sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.

Ban hành danh mục sữa thuộc diện thực hiện bình ổn giá

Theo Thông tư số 30/2013/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 20-11-2013, danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc hàng hóa thực hiện bình ổn giá gồm:

Thứ nhất, sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đến 36 tháng tuổi theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Y tế ban hành.

Thứ hai, sữa và các sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa động vật dưới dạng bột hoặc dạng lỏng có công bố sử dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi nhưng không theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Danh mục này là cơ sở để Bộ Tài chính thực hiện quản lý giá theo quy định của pháp luật về giá./.

Theo: baodientu.chinhphu.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com