Ban Pháp chế của HĐND tỉnh thẩm tra kết quả công tác nội vụ và kế hoạch biên chế năm 2014

08:11, 27/11/2013

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII, ngày 25-11-2013, Ban Pháp chế của HĐND tỉnh đã làm việc với Sở Nội vụ để thẩm tra kết quả công tác nội vụ năm 2013, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2014 và kế hoạch biên chế năm 2014. Dự buổi làm việc có đồng chí Trần Lương Bằng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các thành viên Ban Pháp chế của HĐND tỉnh và lãnh đạo Sở Nội vụ.

Năm 2013, ngành Nội vụ đã tham mưu cho các cấp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện có kết quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao trên các lĩnh vực: Xây dựng chính quyền các cấp; công tác hướng dẫn, kiểm tra tổng hợp báo cáo việc thực hiện quy chế dân chủ tại xã, phường, thị trấn và các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức, viên chức; công tác cải cách hành chính… góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, công tác xây dựng chính quyền các cấp được triển khai kịp thời theo hướng nâng cao chất lượng đội ngũ và hiệu quả hoạt động. Năm 2012, có 154 đơn vị xếp loại chính quyền cơ sở vững mạnh, 49 đơn vị đạt khá, chiếm 88,7%. Việc thực hiện quy chế dân chủ tiếp tục được duy trì ở cơ sở, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, hạn chế những hiện tượng tiêu cực. Đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, Sở Nội vụ tập trung hướng dẫn các đơn vị xây dựng và thực hiện các quy chế nội bộ cơ quan như quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế công khai sử dụng tài sản công, quy chế về tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng và kỷ luật đối với cán bộ công chức và xây dựng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan và tổ chức khác. Công tác tuyển dụng, quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Trong 2 năm 2012, 2013, đã có 1.051 công chức, viên chức được tuyển dụng; 165 trường hợp điều động chuyển công tác. Các công chức, viên chức mới đều được các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố phân công công tác theo đúng chuyên ngành, trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác cải cách hành chính được thực hiện theo chương trình cải cách tổng thể hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 của tỉnh. Trong đó, tập trung vào việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có 17/17 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố và 100% cấp xã, phường, thị trấn thực hiện theo quy chế một cửa. Bên cạnh đó, công tác nội vụ vẫn còn những tồn tại như: Chất lượng kỳ họp của HĐND xã, thị trấn chưa đồng đều; một số nơi chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát huy dân chủ ở cơ sở. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền ở một số địa phương thấp; năng lực, tinh thần trách nhiệm, phương pháp và tác phong làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc thông tin về các kỳ tuyển dụng viên chức ở một số đơn vị chưa được thực hiện công khai. Việc sắp xếp, bố trí, phân công công tác ở nhiều cơ quan, đơn vị mất cân đối, chưa phù hợp với chuyên môn, chuyên ngành được đào tạo; việc đánh giá cán bộ, viên chức còn hình thức, nội dung đánh giá chung chung, xếp loại chưa cụ thể nên hiệu quả việc nhận xét, đánh giá công chức chưa cao. Công tác cải cách hành chính có những nội dung chưa đáp ứng yêu cầu như: Hoạt động của bộ phận giao dịch hành chính “một cửa” ở một số địa phương, đơn vị còn hình thức, chưa thực sự hiệu quả; thủ tục hành chính ở một số đơn vị còn rườm rà gây phiền hà, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Năm 2014, ngành Nội vụ tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương về thủ tục kiện toàn các chức danh HĐND và UBND; phê chuẩn kết quả bầu bổ sung và bổ nhiệm các chức danh HĐND và UBND các huyện, thành phố. Tăng cường củng cố và xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh; tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố theo hướng gọn về đầu mối. Tiếp tục triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2015. Đồng thời, tham mưu với UBND tỉnh, UBND các địa phương, các sở, ban, ngành tiếp tục thực hiện Chương trình cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020, trong đó tập trung vào việc thực hiện Đề án “Một cửa, một cửa liên thông hiện đại”… Để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác trong thời gian tới, ngành Nội vụ kiến nghị Trung ương xây dựng Ngân hàng đề thi để các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan, đơn vị, địa phương đỡ tốn kém về thời gian, công sức trong công tác làm đề thi, mặt khác đảm bảo tính bảo mật, khách quan, công bằng và chất lượng tuyển dụng. Đề nghị HĐND và UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng chế độ quản lý, cấp phát quỹ tiền lương gắn với số lượng cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế hiện có do cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Trong công tác bổ nhiệm cán bộ cần xem xét quy định độ tuổi bổ nhiệm viên chức quản lý cho phù hợp thực tế đảm bảo các đơn vị đều có thế hệ kế cận. Cần thống nhất chính sách, cơ chế cụ thể đối với cán bộ được luân chuyển để thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh…

Về dự thảo kế hoạch biên chế công chức quản lý hành chính Nhà nước; số người làm việc trong sự nghiệp công lập và biên chế y tế xã, phường, thị trấn năm 2014 của tỉnh được xác định là 30.253 biên chế, giữ nguyên so với năm 2013. Trong đó, Quản lý hành chính Nhà nước là 2.328 biên chế, sự nghiệp Giáo dục đào tạo là 22.777 biên chế, sự nghiệp Y tế là 3.419 biên chế, sự nghiệp Văn hóa - Thông tin - Thể thao là 602 biên chế, sự nghiệp khác là 1.127 biên chế. Cán bộ y tế xã, phường, thị trấn là 1.447 chỉ tiêu. Tổng số giáo viên mầm non ngoài biên chế là 5.450 chỉ tiêu… Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn giám sát đề nghị Sở Nội vụ làm rõ một số vấn đề như: Công tác luân chuyển cán bộ, công chức giữa cấp huyện và cấp xã theo Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy; công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức; tiêu chí đánh giá, phân loại kết quả hoạt động của chính quyền cơ sở và công tác đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn; công tác triển khai thực hiện Đề án “Một cửa, một cửa liên thông hiện đại” và việc thành lập bộ phận pháp chế của các sở, ngành trong tỉnh…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh và đề nghị UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt việc phân loại, đánh giá chính quyền cơ sở vững mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ theo Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn. Đồng thời, có biện pháp hỗ trợ các xã, thị trấn có cán bộ đạt tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp theo Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu để số cán bộ này tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Từng bước khắc phục những tồn tại trong cơ cấu biên chế giữa các khu vực thành thị và nông thôn ở một số ngành, đơn vị, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ như hiện nay. Tham mưu với UBND tỉnh có cơ chế tuyển dụng biên chế năm 2014 đảm bảo đồng bộ, hiệu quả./.

Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com