Sáng 19-9-2013, UBND tỉnh tổ chức hội nghị bàn về công tác đào tạo nguồn nhân lực. Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đồng chí Bùi Đức Long, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh, LĐLĐ tỉnh; các sở: LĐ-TB và XH, Y tế, GD và ĐT, KH và ĐT, Công thương, NN và PTNT, Văn phòng UBND tỉnh và đại diện 23 trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của Chính phủ, hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực của nước ta còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển đất nước. Tỉnh ta được Chính phủ xác định là một trong những địa phương đào tạo nguồn nhân lực cho vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, tăng cường đầu tư, năng cao chất lượng và quy mô đào tạo nguồn nhân lực. Tỉnh ủy đã có Nghị quyết về đào tạo nguồn nhân lực, trong đó nhấn mạnh yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực nông thôn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 47 cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, đào tạo nghề, trong đó có 4 trường đại học, 4 trường cao đẳng nghề, quy mô đào tạo 24.800 người; các trường trung cấp nghề, TCCN có quy mô đào tạo 13.800 người; các trung tâm dạy nghề và các cơ sở đào tạo nghề khác có quy mô đào tạo 13.700 lao động mỗi năm. Các cơ sở đào tạo nghề đều được đầu tư cơ sở vật chất; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên, đủ về số lượng và đạt chuẩn về chuyên môn với cơ cấu phù hợp. Riêng năm học 2012-2013, khối giáo dục chuyên nghiệp đào tạo được hơn 47 nghìn học sinh, sinh viên; ngành nghề đào tạo tập trung vào các lĩnh vực: giáo dục, y tế, kinh tế, kỹ thuật nông nghiệp. Các cơ sở dạy nghề trong tỉnh đào tạo được 30.200 người, gồm các ngành nghề: may, điện công nghiệp, cơ khí, công nghệ ô tô, nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp… Nhờ đó, trình độ chuyên môn, kỹ thuật của lực lượng lao động tỉnh ta đã được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên đáng kể, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, công tác đào tạo nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế: cơ cấu đào tạo, cấp độ đào tạo chưa hợp lý; công tác đào tạo, dạy nghề mới chỉ tập trung vào một số ngành hoặc nhóm nghề đơn giản, đang dư thừa, ít phải đầu tư trang thiết bị hiện đại và không yêu cầu giáo viên có trình độ cao như kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, cao đẳng sư phạm... Một số ngành nghề mới, thị trường lao động đang có nhu cầu như lập trình CNC, thiết kế mẫu và vẽ họa tiết trên nến, đúc dát đồng mỹ nghệ, công nghệ may, gò hàn tiện, giáo dục tiểu học, y sĩ cổ truyền, công nghệ kỹ thuật môi trường chưa được các cơ sở đào tạo quan tâm đầu tư đúng mức. Cơ cấu ngành nghề đào tạo tuy đã được điều chỉnh theo xu hướng của thị trường lao động song còn hạn chế so với yêu cầu phát triển của xã hội. Sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo và dạy nghề với sàn giao dịch việc làm của tỉnh trong việc cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp chưa thường xuyên… Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích, chỉ rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc tồn tại trong đào tạo nguồn nhân lực hiện nay như: Việc tuyển dụng, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao còn khó khăn; công tác dự tính, dự báo thị trường lao động ở từng lĩnh vực còn kém; chưa cảnh báo những ngành nghề thừa nhân lực; việc phân luồng học sinh phổ thông hiệu quả chưa cao… Các đại biểu đề nghị cơ quan chức năng cần có dự tính, dự báo về nhu cầu của thị trường lao động, cơ cấu các ngành nghề, thông tin, hướng nghiệp cho học sinh ngay từ trong nhà trường… tạo thuận lợi cho phân luồng học sinh, tránh tình trạng thừa, thiếu nhân lực ở các ngành nghề đào tạo. Các ngành, địa phương, các doanh nghiệp, đơn vị cần phối hợp với các cơ sở đào tạo trong việc đào tạo, bồi dưỡng cập nhật công nghệ mới… cho đội ngũ cán bộ. Đề nghị thành lập Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, TCCN làm nhiệm vụ tham mưu với tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ xây dựng tỉnh Nam Định là trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận sự nỗ lực của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, cơ sở dạy nghề trong việc đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo và mở rộng quy mô đào tạo nguồn nhân lực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh, công tác đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin về thị trường lao động, làm tốt công tác dự tính, dự báo về nhu cầu nhân lực ở các lĩnh vực để các cơ sở đào tạo nghề xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp và định hướng người lao động lựa chọn nghề. Các cơ sở đào tạo nghề cần rà soát, điều chỉnh cơ cấu ngành nghề hợp lý, tăng cường liên kết với cơ sở sản xuất, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên đạt chuẩn trình độ. Tỉnh sẽ tiếp thu đề nghị của các đại biểu, nghiên cứu và giải quyết theo quy định của Nhà nước. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong các trường đại học, cao đẳng, THCN, các cơ sở đào tạo nghề tiếp tục làm tốt công tác đào tạo để tỉnh có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội./.
Minh Tân