Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII, ngày 20-9-2013, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri các địa phương trong tỉnh. Các đồng chí đại biểu Quốc hội: Vũ Văn Ninh, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Anh Sơn, Hoàng Thị Tố Nga đã tiếp xúc cử tri các xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng), Nam Mỹ (Nam Trực). Các đồng chí: Phạm Hồng Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Vũ Xuân Trường đã tiếp xúc cử tri các xã Yên Ninh (Ý Yên) và Hợp Hưng (Vụ Bản). Các đồng chí và các vị đại biểu Quốc hội: Trần Quang Chiểu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Linh mục Lê Ngọc Hoàn, Phó Chủ tịch Uỷ ban ĐKCG tỉnh; Nguyễn Thị Thu Hằng đã tiếp xúc cử tri các xã Giao Tiến (Giao Thuỷ), Xuân Phương, Xuân Bắc, Xuân Trung, Xuân Vinh (Xuân Trường).
Tại các điểm tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội đã báo cáo với cử tri dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII và trả lời tóm tắt của các bộ, ngành Trung ương đối với những kiến nghị của cử tri Nam Định tại các kỳ họp trước. Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII dự kiến sẽ khai mạc ngày 21-10-2013. Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét và quyết định một số vấn đề chính như: xem xét thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 9 dự án Luật; cho ý kiến đối với 13 dự án Luật; xem xét, thảo luận báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015); Báo cáo việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; Báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2014; sơ kết 3 năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015. Kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội. Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, Trưởng ngành tại các kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5; chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường; Báo cáo về quá trình và kết quả thực hiện Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan... Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã nghe lãnh đạo các địa phương báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm 2013, phương hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm và nghe cử tri bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, kiến nghị về những vấn đề nảy sinh trong đời sống kinh tế - xã hội.
Cử tri xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng), đề nghị Nhà nước hỗ trợ nguồn ngân sách đầu tư hạ tầng cơ sở, giao thông nông thôn để đáp ứng các tiêu chí xây dựng NTM. Có chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa và chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ bao tiêu sản phẩm; xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp; quản lý giá, chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN). Nâng mức hỗ trợ rủi ro trong sản xuất nông nghiệp; có chính sách cho nông dân được tham gia BHXH theo thu nhập tạo sự bình đẳng như các ngành nghề khác. Đề nghị nâng chế độ phụ cấp cho lực lượng công an xã thường trực, tăng cường tập huấn nghiệp vụ và trang bị công cụ hỗ trợ đủ mạnh để trấn áp tội phạm trong tình hình mới. Có phương án giải quyết việc chậm chi trả phụ cấp thâm niên cho cán bộ chỉ huy quân sự xã theo quy định của Luật Dân quân tự vệ. Việc quy định chức danh Phó chỉ huy quân sự xã là cán bộ LĐ-TB và XH kiêm nhiệm là chưa hợp lý. Bên cạnh đó, các cử tri kiến nghị nâng cao mức xử phạt những thanh niên không chấp hành Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS). Đề nghị Chính phủ quan tâm giải quyết chế độ BHYT cho đối tượng CCB, cựu quân nhân đã hoàn thành NVQS nhưng không thuộc đối tượng làm nhiệm vụ ở tuyến đầu biên giới và hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức hội, ban liên lạc truyền thống của LLVT được Nhà nước cho phép thành lập.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri xã Nam Mỹ, huyện Nam Trực. |
Cử tri huyện Nam Trực và xã Nam Mỹ đề nghị Quốc hội cần tổng kết việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường để xác định cơ cấu, bộ máy của chính quyền địa phương. Đề nghị Chính phủ có cơ chế chính sách phù hợp để người nông dân được chuyển đổi cơ cấu cây trồng tăng thu nhập. Đề nghị Chính phủ đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho cơ sở y tế xã, huyện đảm bảo việc khám, chữa bệnh cho nhân dân và đạt tiêu chí xây dựng NTM, đồng thời đơn giản hóa trình tự, thủ tục đối với bệnh nhân cấp cứu có tham gia BHYT. Về giải quyết chế độ nghỉ hưu đối với cán bộ xã là thương, bệnh binh đã có thời gian công tác hơn 20 năm, đề nghị Chính phủ nên vận dụng giải quyết chế độ theo quy định đối với những trường hợp mất hết giấy tờ gốc...
Cử tri xã Yên Ninh (Ý Yên) và xã Hợp Hưng (Vụ Bản) đề nghị Nhà nước quan tâm đến đời sống người nông dân và có chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp vì hiện nay, thu nhập của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng lúa rất thấp do chi phí đầu vào tăng cao, giá thóc, gạo bán ra thị trường lại rất thấp (chỉ từ 7 nghìn đến 9 nghìn đồng/1kg), nhiều nông dân không còn thiết tha với đồng ruộng, bỏ đi làm ăn xa hoặc chuyển ngành nghề khác. Đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho nông dân khi không may xảy ra thiên tai, dịch bệnh làm mất 90% sản lượng. Đề nghị Nhà nước quan tâm chế độ công chức xã, trong đó có 25% phụ cấp công vụ, 30% phụ cấp đối với cán bộ khối Đảng, đoàn thể; đề nghị tỉnh tăng phụ cấp cho cán bộ thôn xóm, cán bộ HTX, tăng kinh phí hoạt động cho Ban công tác Mặt trận cơ sở; đề nghị Nhà nước tăng mức hỗ trợ xây dựng NTM… Là địa phương có nghề gỗ thủ công mỹ nghệ, cử tri xã Yên Ninh đề nghị cho phép làm thủ tục chuyển đổi một số diện tích đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, tạo mặt bằng phát triển nghề thủ công nghiệp và nâng mức vay cao hơn, thời hạn vay dài hơn đối với các hộ sản xuất, kinh doanh. Vì trong thời gian qua, nguồn vốn cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhiều, thời hạn vay từ 8 đến 12 tháng là quá ngắn, đối với mặt hàng gỗ, nhiều sản phẩm có giá trị làm ra phải vài tháng tới hàng năm mới tiêu thụ được; đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư các dự án cho các làng nghề truyền thống...
Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Hồng Hà và các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri xã Hợp Hưng, huyện Vụ Bản. |
Cử tri xã Giao Tiến đề nghị Nhà nước chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường kiểm tra chất lượng đầu vào các loại hàng hóa, nhất là đối với hàng nhập khẩu; kiểm soát giá đầu vào của các loại VTNN, tạo môi trường thuận lợi cho đầu ra của nông sản. Về một số chính sách an sinh xã hội đối với các đối tượng thuộc diện bị nhiễm chất độc da cam, chế độ cho cán bộ thôn, xóm, HTX còn nhiều bất cập. Trong công tác quốc phòng an ninh, các địa phương còn gặp khó khăn trong tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, các chế tài xử phạt chưa có tính chất răn đe, đề nghị Nhà nước sửa đổi, bổ sung Luật NVQS. Tình trạng tai nạn giao thông gia tăng nhưng vai trò kiểm soát, phòng ngừa của cảnh sát giao thông chưa cao, còn xảy ra nhiều tiêu cực. Tình hình tệ nạn xã hội, tội phạm ma túy có diễn biến phức tạp, đề nghị Nhà nước tăng cường các biện pháp để ngăn chặn, xử lý nghiêm. Đối với một số chính sách xã hội khác như BHXH, theo Luật BHXH, người lao động phải có đủ 20 năm tham gia mới được hưởng các chế độ, nhưng cán bộ nữ tham gia công tác đến 55 tuổi đã nghỉ hưu, nên nhiều trường hợp không đủ năm đóng bảo hiểm, cử tri đề nghị Nhà nước cần giảm thời gian tham gia bảo hiểm của cán bộ nữ xuống còn 15 năm để đảm bảo công bằng cho cán bộ nữ. Chế độ, chính sách giữa công chức các cấp chưa công bằng, công chức cấp xã là những người trực tiếp triển khai các nhiệm vụ do cấp trên giao, trực tiếp tiếp xúc với nhân dân nhưng chế độ chính sách thấp nên không thu hút được nhân lực tham gia ở địa phương. Cử tri các xã của huyện Xuân Trường đã kiến nghị Nhà nước cân đối ngân sách, tăng cường hỗ trợ các địa phương xây dựng NTM; hỗ trợ trực tiếp cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Đề nghị Nhà nước hỗ trợ các xã khó khăn, đặc biệt là các hạng mục trong xây dựng NTM như làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa các kênh mương cấp 2 để đảm bảo an sinh xã hội, phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường. Đối với các trường học, đề nghị Nhà nước quan tâm hỗ trợ các địa phương xây dựng phòng chức năng theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Quan tâm đầu tư xây dựng các nhà máy cung cấp nước sạch, nhà máy xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Tăng cường hỗ trợ vốn vay cho nông dân phát triển chăn nuôi, sản xuất. Đề nghị Quốc hội, các bộ, ngành nghiên cứu quy định xử phạt xe không chính chủ là chưa hợp lý, bởi người dân sống trong một gia đình có sử dụng xe chung (ô tô, xe máy) giữa bố mẹ, con cái, vợ chồng. Nhà nước cần chỉ đạo thu Quỹ bảo trì đường bộ, tăng cường công tác quản lý, sử dụng quỹ có hiệu quả; tăng cường quản lý, xử lý nghiêm vi phạm môi trường của các doanh nghiệp; thực hiện nghiêm chống tham nhũng, tránh tình trạng chỉ xử lý nghiêm với người dân, còn với công chức, viên chức thì nương nhẹ. Đường điện nông thôn xuống cấp, dễ xảy ra mất an toàn, đề nghị quan tâm đầu tư, chỉ đạo sửa chữa, nâng cấp. Trong vấn đề BHYT, đề nghị được mua liền kề 2-3 năm trở lên; chấn chỉnh thái độ khám, chữa bệnh, không được phân biệt đối xử giữa các bệnh nhân; cần tạo điều kiện cho bệnh nhân điều chuyển giữa các bệnh viện thuận tiện, tránh gây phiền hà. Đối với BHXH tự nguyện, đề nghị Nhà nước nghiên cứu hỗ trợ người dân một phần kinh phí để người dân có thể tham gia nhiều hơn. Cử tri huyện Xuân Trường cũng đề nghị Quốc hội có chế tài, giải pháp, chấn chỉnh trong công tác tham mưu của các bộ, ngành trong hoạch định chính sách, ra các văn bản quy định, hướng dẫn cần sát thực, minh bạch, thuyết phục để người dân dễ hiểu, dễ thực hiện, tránh tình trạng vừa ban hành đã phải hủy hoặc không sát với thực tế, gây hiểu nhầm trong dư luận nhân dân.
Phát biểu ý kiến với cử tri các địa phương, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã biểu dương những kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương đã đạt được, đặc biệt là những thành tích trong công cuộc xây dựng NTM. Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh Đảng và Nhà nước luôn quan tâm phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn; đề ra nhiều chủ trương, chính sách để từng bước nâng cao đời sống nông dân. Chính phủ đã có chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, các địa phương cần căn cứ tình hình thực tế để chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp hợp lý, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị đất canh tác và tăng thu nhập cho nông dân. Đồng chí Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp chính quyền cần rà soát lại quy hoạch sản xuất trên quy mô lớn để khắc phục tình trạng mất cân đối trong sản xuất, đặc biệt là nông, thủy sản. Trong quy hoạch sản xuất, cần gắn sản phẩm trong nước với thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương trong xây dựng NTM không nên nóng vội để vừa duy trì phát triển kết quả đạt được vừa phải tiếp tục hoàn thành những tiêu chí mới để đạt kết quả toàn diện… Tại các buổi tiếp xúc cử tri, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ và Bí thư Tỉnh uỷ đã thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh cảm ơn cử tri trong tỉnh đã quan tâm theo dõi, giúp đỡ và tạo điều kiện để các vị đại biểu Quốc hội thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ được giao. Về những kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, các đồng chí đại biểu Quốc hội sẽ kiến nghị, chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng xem xét, giải quyết. Về đề xuất của cử tri xã Yên Ninh cho phép chuyển đổi một số diện tích đất nông nghiệp sang đất ở giãn dân và tạo mặt bằng phát triển ngành nghề, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị huyện Ý Yên căn cứ vào chỉ tiêu diện tích đất nông nghiệp được giao, rà soát cân đối ưu tiên những địa phương có điều kiện phát triển ngành nghề CN-TTCN. Quan điểm chỉ đạo của Trung ương, gọi là đất lúa song các địa phương có thể nghiên cứu, vận dụng chuyển sang nuôi, trồng các loại cây, con khác hay chuyển sang làm CN-TTCN để nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích canh tác nhưng phải đảm bảo khi cần vẫn có thể chuyển về trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực. Về ý kiến đề nghị tỉnh tăng mức phụ cấp cho cán bộ thôn, xóm, tỉnh sẽ quan tâm xem xét trong thời gian tới, song đồng chí cũng đề nghị các địa phương và đội ngũ cán bộ thôn xóm hết sức chia sẻ với những khó khăn chung của tỉnh vì hiện nay, riêng kinh phí cho cán bộ cơ sở của tỉnh mỗi năm đã trên 100 tỷ đồng, trong khi nguồn thu ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp. Đối với những đề xuất, kiến nghị khác của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tiếp thu đầy đủ và tổng hợp để báo cáo với Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, xem xét giải quyết./.
TIn, ảnh: Nhóm PV Thời sự