Đến ngày 10-9-2013, toàn tỉnh đã có 39.940ha lúa mùa trỗ, bằng 51% tổng diện tích gieo cấy. Các địa phương có diện tích lúa mùa trỗ chiếm tỷ lệ lớn là: Hải Hậu 8.400ha, bằng 80%; Vụ Bản 6.000ha, bằng 70%; Ý Yên 9.300ha, bằng 65%; Trực Ninh 4.700ha, bằng 60%... Đáng chú ý có khoảng 20% diện tích lúa mùa trỗ trong thời gian từ ngày 2 đến 7-9 gặp mưa liên tục, thời tiết âm u kéo dài ảnh hưởng đến việc phơi hoa, kết hạt và dễ nhiễm các bệnh lem lép hạt, đạo ôn cổ bông trên một số giống nhiễm.
Về cây màu hè thu, các địa phương đã thu hoạch được 4.290ha, bằng 48% tổng diện tích gieo trồng, trong đó chủ yếu là ngô, đậu tương. Các huyện đã thu hoạch nhiều là Hải Hậu 1.200ha, Giao Thuỷ 650ha, Trực Ninh 520ha, Xuân Trường 400ha, Ý Yên 330ha. Do mưa ẩm nhiều diện tích lạc, đậu tương đã có hiện tượng hạt mọc mầm ngay trên cây.
Sở NN và PTNT đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cây màu hè thu, nhất là những diện tích lạc, đậu tương có hạt nảy mầm. Bảo vệ tốt các trà lúa mùa, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tự kiểm tra đồng ruộng, xác định thời điểm lúa trỗ và tiến hành phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh đạt hiệu quả cao. Đối với sâu đục thân 2 chấm lứa 5 và 6 tổ chức phun trừ trên lúa trỗ bông sau ngày 10-9 ở các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh và Thành phố Nam Định, các huyện còn lại phun sau ngày 15-9 khi lúa bắt đầu trỗ nếu mật độ trứng 0,2 ổ/m2, nếu mật độ trứng sâu cao hơn 1 ổ/m2 phải phun trừ kép. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông tổ chức phun phòng cho những giống nhiễm như BC15, nếp… với bệnh lem lép hạt phun phòng riêng hoặc kết hợp với các thuốc trừ dịch hại khác khi lúa thập thò trỗ. Tất cả các loại sâu bệnh phun phòng trừ đúng các loại thuốc đặc trị theo hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh. Riêng thuốc Amistar top 325SC và Nativo 750WG phòng trừ được cả 2 bệnh đạo ôn và lem lép hạt./.
Tất Thắc