Sáng 2-8-2013, UBND tỉnh tổ chức họp khẩn cấp với các ngành thành viên Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống cơn bão số 5 (bão Jebi). Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh chủ trì hội nghị. Các đồng chí Uỷ viên Ban TVTU: Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Ngô Quang An, Giám đốc Sở KH và ĐT tới dự.
Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCLB tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống cơn bão số 5. |
Ngay sau khi có thông tin về cơn bão số 5, từ ngày 29-7 đến 2-8, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh, UBND tỉnh đã có 2 Công điện khẩn yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai toàn diện công tác phòng, chống cơn bão số 5. Trong đó, tập trung thực hiện các công việc: Cập nhật thông báo diễn biến của bão. Kiểm đếm, gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi trú ẩn, cấm tàu thuyền ra khơi. Chủ động phương án gọi các chủ đầm, người nuôi trồng thuỷ sản ở các cửa sông, chòi canh, người sinh sống ngoài đê vào nơi an toàn. Chủ động phương án sơ tán dân ở nhà thuộc diện nguy hiểm và dân tại các vùng cửa sông, ven biển. Tiêu rút nước đệm, chủ động phòng, chống úng, ngập cho lúa và rau màu. Chỉ đạo Ban Quản lý dự án và nhà thầu đang thi công các công trình chủ động phương án bảo đảm an toàn người và vật tư, tài sản, thiết bị. Chủ động phương án hộ đê đối với những công trình đê xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ”. Kiểm tra các bến đò, điều kiện bảo đảm an toàn của các phương tiện. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ. Sở NN và PTNT, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, UBND và Ban Chỉ huy PCLB các huyện, thành phố đã nhanh chóng triển khai các công việc phòng, chống cơn bão số 5. Đến sáng ngày 2-8 đã thông báo cho 100% chủ tàu, thuyền, lều, chòi canh coi vây vạng biết về diễn biến cơn bão số 5 để chủ động phòng tránh. Đến 17 giờ ngày 1-8 có 2.070 tàu, thuyền với 11.082 ngư dân đã neo đậu an toàn tại các bến trên địa bàn tỉnh; 19 tàu, thuyền với 114 ngư dân đã vào bến neo đậu tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Bạc Liêu, Vũng Tàu. Trong công tác phòng, chống úng, các Cty TNHH một thành viên KTCTTL vùng triều đã tận dụng chân triều thấp mở cống tiêu rút nước đệm; Cty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà và các Cty TNHH một thành viên KTCTTL vùng động lực huy động tối đa các máy bơm, chủ động bơm tiêu rút nước đệm. Vật tư dự trữ PCLB đã chuẩn bị được 50.843m3 đá các loại, 5.178 rọ thép, 547.113 bao tải, 41.496m2 vải lọc, 226.591m2 vải chống tràn. Công tác xử lý hộ đê giờ đầu đã cơ bản xử lý xong kè 26 trên đê tả Đáy (Nghĩa Hưng) và đã xử lý xong các sự cố hư hỏng trên các tuyến đê biển sau các cơn bão số 2 và số 3, bao gồm: kè Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng), mái các kè Táo Khoai, Hải Thịnh III, dốc Gót Tràng (Hải Hậu), mái kè khu vực đê Tiền Lang, cống số 9 (Giao Thuỷ).
Sau khi nghe báo cáo tiến độ công tác chuẩn bị và các biện pháp ứng phó với cơn bão số 5, kết quả xử lý các công trình đê điều, việc tiêu thoát nước, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Theo dự báo, cơn bão số 5 có diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta vào thời điểm triều cường. Vì vậy các cấp, các ngành, các địa phương phải tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ đối phó với cơn bão số 5 theo đúng chức năng và sát với tình hình bão lũ cụ thể, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là. Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, thường xuyên thông tin diễn biến, mức độ nguy hiểm của bão trên hệ thống truyền thanh để người dân chủ động các biện pháp phòng tránh. Cấm mọi tàu, thuyền ra khơi và kiểm đếm, hướng dẫn tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Yêu cầu các chủ đầm nuôi trồng thuỷ, hải sản vào nơi tránh trú; triển khai phương án sơ tán dân tại các vị trí xung yếu, các vùng cửa sông, ven biển; di dời người ở các khu nhà xuống cấp, hư hỏng; du khách tại các khu du lịch đến nơi an toàn xong trước 19 giờ ngày 2-8; kiên quyết không để người ở lại các chòi canh ven biển, người trên tàu, thuyền đánh cá. Ngành GTVT phải bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Giao Sở NN và PTNT thường xuyên kiểm tra hệ thống thuỷ nông, khẩn trương khơi thông dòng chảy, không để tình trạng ách tắc do chài vó, bèo bồng. Khi có nước úng phải mở toàn bộ hệ thống cửa cống, Cty KTCTTL Bắc Nam Hà phải chủ động bơm hết nước đệm, phải rút kiệt nước ngay trong đêm 2-8. Các ngành Y tế, GD và ĐT chỉ đạo các bệnh viện, trường học tổ chức chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây cành, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. BĐBP và LLVT tích cực phối hợp, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Ngành Công an đặc biệt chú trọng bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình tránh, trú bão, sơ tán di dân. Lãnh đạo các sở là thành viên Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh nghiêm túc thực hiện chế độ mở máy điện thoại để nắm bắt thông tin và điều hành công tác PCLB. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn bám sát tiến độ bão lũ. Ngay trong ngày 2-8, tất cả các thành viên Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh phải xuống các địa bàn được phân công phụ trách để cùng với các huyện chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 5; đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng của người dân./.
Tin, ảnh: Nguyễn Thanh Thuý