UBND tỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm vụ thu năm 2013

08:08, 20/08/2013

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm (PCDBGSGC) trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, cung cấp sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho tiêu dùng, bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, UBND tỉnh vừa có Kế hoạch số 56 chỉ đạo công tác PCDBGSGC vụ thu năm 2013 với mục đích khống chế các loại dịch bệnh nguy hiểm đối với động vật như dịch cúm gia cầm; lở mồm, long móng gia súc; tai xanh, dịch tả ở lợn; bệnh dại ở chó và một số bệnh truyền nhiễm khác, không để lây lan ra diện rộng, giảm số ổ dịch, số gia súc mắc bệnh tiến tới thanh toán các loại dịch bệnh trên. Yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như: vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; chăm sóc nuôi dưỡng tốt đàn vật nuôi; chủ động tích cực tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi; thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật. Tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi vụ thu phải đạt 80% tổng đàn trở lên; hằng tháng tổ chức tiêm phòng cho những GSGC mới phát sinh. Thực hiện đúng quy trình kỹ thuật từ khâu cung ứng, bảo quản, sử dụng vắc xin, đảm bảo an toàn cho người và gia súc. Thực hiện tuyên truyền sâu, rộng bằng nhiều hình thức về: kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng đàn vật nuôi; các quy định, biện pháp phòng, chống dịch bệnh; biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước để người chăn nuôi nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, từ đó tự giác thực hiện tốt. Tổ chức tập huấn bổ sung, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về giám sát, phát hiện dịch và xử lý ổ dịch cho lực lượng thú y cơ sở, lãnh đạo xã, thôn, xóm, các tổ chức đoàn thể, lực lượng an ninh của xã. UBND xã, thị trấn giao cho trưởng thôn, xóm chịu trách nhiệm thống kê tổng đàn, giám sát dịch bệnh GSGC tại các hộ chăn nuôi của thôn, xóm, báo cáo tình hình tại cuộc họp giao ban tuần, tháng của xã và báo cáo đột xuất khi dịch xảy ra. Thành lập các tổ chuyên trách (tổ tuyên truyền, tổ tiêu hủy, tổ phun hóa chất, tổ tiêm phòng…) để triển khai kịp thời các biện pháp chống dịch ngay sau khi phát hiện dịch bệnh. Quản lý hành nghề, hoạt động của thú y viên, tạo điều kiện cho họ thực hiện giám sát dịch, tiêm phòng vắc xin định kỳ và tiêm phòng bổ sung hằng tháng ở địa bàn. Chi cục Thú y cần tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh; chủ động lấy mẫu giám sát huyết thanh học, mẫu bệnh phẩm xét nghiệm để cảnh báo sớm; thường xuyên giữ mối liên hệ với cơ quan chuyên môn các tỉnh lân cận để nắm tình hình dịch bệnh. Về công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, cần hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên tiêu độc chuồng nuôi và môi trường trong phạm vi hộ gia đình; Ban quản lý chợ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực buôn bán GSGC sau mỗi buổi chợ. UBND xã tổ chức ngày tổng vệ sinh môi trường nơi công cộng vào ngày chủ nhật cuối hằng tháng. Tăng cường hoạt động 4 chốt kiểm dịch đầu mối giao thông của tỉnh. Chi cục Thú y thành lập đội kiểm dịch lưu động tăng cường hoạt động nhằm ngăn chặn các trường hợp vận chuyển động vật trái phép. Các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra liên ngành Công an, QLTT, Thú y để kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, vận chuyển GSGC trên địa bàn.

Để thực hiện tốt công tác PCDBGSGC, UBND các huyện, thành phố phải chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch PCDBGSGC vụ thu 2013 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức triển khai tiêm phòng đảm bảo nhanh gọn, đúng thời gian, đồng loạt để phát huy tối đa hiệu quả của vắc xin; thực hiện tiêm điểm ở diện hẹp để rút kinh nghiệm trước khi tổ chức tiêm đại trà và chịu trách nhiệm về kết quả tiêm phòng của địa phương mình. Thời gian tiêm chính vụ từ 6-9 đến 15-10-2013. Ngoài ra, các địa phương tổ chức tiêm bổ sung cho số GSGC phát sinh hằng tháng. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng vật tư, kỹ thuật, số lượng GSGC tiêm phòng, từ đó quản lý lượng vắc xin cũng như kinh phí tiêm phòng. Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo tiến độ, kết quả tiêm phòng theo quy định về Ban Chỉ đạo PCDBGSGC tỉnh qua Sở NN và PTNT để tổng hợp báo cáo. Sở NN và PTNT cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, các ngành, các địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tác hại của dịch bệnh; chủ trương, lợi ích, kế hoạch tiêm phòng và các biện pháp phòng, chống dịch khác đến hộ chăn nuôi để họ tự giác tham gia thực hiện. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình sử dụng vắc xin ở tất cả các khâu: vận chuyển, bảo quản, pha chế, liều lượng, kỹ thuật tiêm cho lực lượng tham gia tiêm phòng; cung ứng, phân phối vắc xin, dụng cụ, vật tư phục vụ tiêm phòng kịp thời, đầy đủ, đảm bảo chất lượng cho các địa phương; kiểm tra việc triển khai thực hiện tiêm phòng của các huyện, thành phố, báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh và Bộ NN và PTNT. Sở Tài chính bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời cho công tác tiêm phòng và PCDBGSGC vụ thu 2013. Các cơ quan truyền thông phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp, UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền rộng rãi để cán bộ và nhân dân nhận thức đúng tính cấp bách, tác dụng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh, nhằm tạo sự thống nhất, hưởng ứng cao./.

Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com