Tiếp tục tập hợp, hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

08:08, 20/08/2013

Tại buổi toạ đàm khoa học về Hội đồng Hiến pháp trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với sự tham dự của nhiều chuyên gia khoa học pháp lý trong nước, diễn ra vào cuối tuần qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhấn mạnh: Đã từng có cơ chế bảo hiến trong thể chế Nhà nước Việt Nam.

Cuộc toạ đàm này nhằm tiếp tục tập hợp, hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sau kỳ họp thứ 5. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, thiết chế bảo hiến là nội dung hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đây là lần đầu tiên, thiết chế này được đặt ra trong quá trình xây dựng Hiến pháp ở Việt Nam. Trong quá trình lấy ý kiến nhân dân góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau giữa các tầng lớp nhân dân, nhà khoa học và cả trên diễn đàn Quốc hội về chủ đề này. Nhiều ý kiến đề xuất cần thành lập cơ chế Hội đồng Hiến pháp để bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp trong hệ thống pháp luật và bảo đảm để tất cả các chủ thể trong xã hội tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Hiến pháp.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, trên thực tế trong quá trình hình thành, xây dựng bộ máy và phát triển đất nước, cơ chế bảo hiến đã được hình thành trong thể chế Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, một trong những yêu cầu sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này là phải thể chế hoá chủ trương của Đảng, ý chí và nguyện vọng của nhân dân trong việc xây dựng hoàn thiện cơ chế bảo hiến, qua đó đảm bảo nguyên tắc tất cả quyền lực của nhân dân, bảo vệ quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp.
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về sự cần thiết phải thành lập cơ quan bảo hiến chuyên trách là Hội đồng Hiến pháp; cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề này cũng như mô hình tổ chức, vị trí, tính chất của Hội đồng Hiến pháp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định "kết luận của buổi toạ đàm sẽ là căn cứ khoa học để Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến"./.

Theo: daidoanket.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com