Sáng ngày 2-8-2013 Chủ tịch UBND tỉnh có công điện số 10/CĐ-UBND gửi Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh về việc tập trung các biện pháp phòng chống cơn bão số 5. Nội dung công điện như sau:
CÔNG ĐIỆN KHẨN
CHỦ TỊCH UBND TỈNH NAM ĐỊNH điện:
- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố;
- Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh;
- Các công ty TNHH Một thành viên KTCT Thủy lợi;
- Giám đốc Điện lực Nam Định.
Bão số 5 đang di chuyển nhanh về phía đất liền nước ta; dự báo từ sáng sớm 03/8, vùng ven biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Từ ngày 03-8, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3-5m. Diễn biến của bão số 5 rất phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rộng. Nam Định là tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp của bão trong thời điểm triều cường.
Để chủ động phòng, chống bão, mưa lũ, ngập úng , giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão gây ra Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, các công ty TNHH một thành viên KTCTTL:
Thực hiện nghiêm túc công điện số: 27/CĐ-TW hồi 19 giờ ngày 31/7/2013 của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, công điện số: 15,16 của BCHPCLB tỉnh và công điện số 09 của UBND tỉnh, tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 5 để chủ động phòng chống. Cấm mọi tàu thuyền ra khơi, kiểm đếm, kêu gọi và hướng dẫn tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn.
2. Thông báo, yêu cầu các chủ đầm nuôi trồng thủy sản, hải sản vào nơi tránh trú; triển khai phương án sơ tán dân tại các vùng cửa sông, ven biển, ngoài đê, người ở trong đê tại các điểm xung yếu di dời người ở các khu nhà xuống cấp, hư hỏng, du khách tại các khu du lịch đến nơi an toàn xong trước 09 giờ ngày 03-8-2013; kiên quyết không để người ở lại các chòi canh ven biển, người trên tàu thuyền đánh cá.
3. Kiểm tra, đôn đốc các ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công, chuẩn bị vật tư, phương tiện chống bão, đảm bảo an toàn người, vật tư, thiết bị, tài sản, công trình. Tăng cường kiểm tra, rà soát các công trình, đê điều, các bến cảng, kho tàng ven biển và các công trình khác để có biện pháp đảm bảo an toàn; phát hiện xử lý kịp thời những hư hỏng, sự cố theo phương châm bốn tại chỗ.
4. Tiếp tục tiêu rút nước đệm; củng cố bờ vùng, bờ bao; kiểm tra máy móc, thiết bị, hệ thống lưới điện của các trạm bơm để chủ động phòng chống úng, ngập khi mưa lớn.
5. Điện lực Nam Định kiểm tra lưới điện, có phương án chủ động cấp đủ điện, đảm bảo chất lượng nguồn điện phục vụ yêu cầu tiêu úng.
6. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thông báo kịp thời diễn biến của bão số 5 trên hệ thống truyền thanh, tổ chức, hướng dẫn nhân dân chủ động chằng chống nhà cửa, các công trình công cộng; các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai phòng, chống bão tại đơn vị mình. Tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, bệnh viện, trường học, chặt tỉa cành cây hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
7. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh tăng cường thời lượng đưa tin, thông báo diễn biến của bão và chỉ đạo của UBND tỉnh để các địa phương và nhân dân biết, không được chủ quan; chủ động phòng, tránh.
8. Các đồng chí thành viên BCHPCLB tỉnh phụ trách các huyện, thành phố xuống ngay địa bàn được phân công cùng với các huyện chỉ đạo phòng chống bão số 5.
9. Tổ chức trực ban nghiêm túc, báo cáo kịp thời kết quả phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 5 về Văn phòng UBND tỉnh và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão & TKCN tỉnh (qua số điện thoại 0350-3849281 và 0350-3649217).
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Tuấn