Vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho biết, giá xăng, dầu tăng đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa bằng ôtô, trong đó các doanh nghiệp kinh doanh taxi chịu ảnh hưởng nặng nhất.
Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tính toán và thận trọng về mức cước tăng như thế nào, bao nhiêu cho phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích cho cả doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và khách hàng. Theo dự báo của Hiệp hội, giá cước vận tải có khả năng tăng từ 5 đến 7% so mức cước hiện tại.
Từ giữa tháng 6 đến nay, giá xăng dầu đã có ba lần điều chỉnh, dù biên độ mỗi lần tăng không nhiều (từ 370 đồng đến 460 đồng/lít xăng), nhưng trong hơn một tháng, giá xăng đã điều chỉnh tăng lên tới khoảng 1.250 đồng/lít. Sau hai lần tăng giá xăng, doanh nghiệp vận tải đã phải cố gắng giữ không tăng giá, nhưng lần tăng giá này khiến các doanh nghiệp khó tránh được việc tăng giá cước. Thời điểm tăng giá cước và mức độ điều chỉnh vẫn là vấn đề buộc các doanh nghiệp vận tải và taxi cân nhắc rất nhiều. Chắc chắn các doanh nghiệp sẽ phải tăng giá cước, tuy nhiên việc tăng giá sẽ có độ trễ nhất định về thời gian, thông thường khoảng 10-15 ngày sau khi tăng giá xăng. Những tốn kém trong việc điều chỉnh giá cước và tình trạng có nhiều hãng vận tải nhưng ít hành khách như hiện nay, cũng là yếu tố khiến doanh nghiệp phải thận trọng hơn trong việc điều chỉnh giá.
Mức chênh lệch về giá xăng thời điểm hiện nay so với thời điểm trước ngày 14-6 là khá lớn và trong khoảng thời gian qua, do mức tăng "nhỏ giọt" nên các doanh nghiệp không tăng giá. Vì thế, nếu lần này tăng giá, các doanh nghiệp có khả năng sẽ phải tính toán mức tăng cộng dồn để bù lỗ lũy kế từ những lần tăng giá trước. Thông thường, giá xăng chiếm tỷ trọng khoảng 45 đến 50% giá thành, như vậy với mức chênh lệch giá hơn 1.000 đồng so với thời điểm giữa tháng 6 như hiện nay, giá cước taxi có thể sẽ tăng thêm 500 đồng/km./.
Theo Nhân dân