Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tổ chức giám sát chuyên đề

07:04, 17/04/2013

Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tổ chức giám sát chuyên đề: "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Nam Định"

 

Trong các ngày 15 và 16-4-2013, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã tổ chức giám sát chuyên đề: "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Nam Định" tại Sở GD và ĐT; Cty CP Sách và thiết bị giáo dục Nam Định; Phòng GD và ĐT huyện Nghĩa Hưng. Đoàn do đồng chí Nguyễn Anh Sơn, TUV, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh làm Trưởng Đoàn giám sát. Tham gia Đoàn giám sát có các đại biểu Quốc hội của tỉnh, đồng chí Trương Anh Tuấn, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, đại diện Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh.

Đoàn giám sát đã nghe lãnh đạo các đơn vị: Sở GD và ĐT, Cty CP Sách và thiết bị giáo dục Nam Định, Phòng GD và ĐT huyện Nghĩa Hưng báo cáo kết quả việc "Thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình SGK giáo dục phổ thông" và những đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Bộ GD và ĐT, HĐND và UBND tỉnh trong thời gian tới.

Trong những năm qua, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành về giáo dục phổ thông cơ bản là phù hợp, kịp thời, bảo đảm tính khả thi. Các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh đã cụ thể hóa các văn bản của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương góp phần bảo đảm chất lượng và chương trình SGK giáo dục phổ thông. Toàn tỉnh hiện có 291 trường tiểu học, 246 trường THCS và 56 trường THPT. Mạng lưới trường, lớp phù hợp thuận tiện cho việc học tập của học sinh. Tỉnh ta đã chuẩn bị đầy đủ, kịp thời, toàn diện các điều kiện triển khai thực hiện đổi mới chương trình và SGK phổ thông theo Nghị quyết số 40 của Quốc hội. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành GD và ĐT bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa. Về chương trình giáo dục phổ thông nhìn chung đã bảo đảm mục tiêu giáo dục của từng cấp học và có tính kế thừa giữa các cấp học. Việc hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông đã giúp học sinh có hiểu biết, kiến thức thông thường về văn hóa, kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện lựa chọn hướng phát triển và phát huy năng lực của bản thân, có thể tiếp tục đi học ở cấp cao hơn hoặc tham gia lao động sản xuất. Về SGK giáo dục phổ thông: ở cấp tiểu học sau khi điều chỉnh đã phù hợp với học sinh tiểu học; ở cấp THCS một số môn học còn nặng về lý thuyết, ít tính thực tiễn; ở cấp THPT việc thực hiện chương trình SGK theo phương án phân ban đã đi vào ổn định, đáp ứng được chuẩn kiến thức, kỹ năng của hầu hết các môn học. Tuy nhiên, một số nội dung trong SGK còn nặng nề và chưa sát với thực tế cuộc sống… Sở GD và ĐT đề xuất, kiến nghị với Bộ GD và ĐT cần tiếp tục nghiên cứu để cải cách hệ thống SGK từ cấp tiểu học đến THPT theo hướng giảm tải, thống nhất các kiến thức cơ bản, tránh sai sót, gây tranh luận trong xã hội. Nhà nước cần có chính sách hợp lý, chặt chẽ để quản lý hệ thống sách tham khảo từ cấp tiểu học đến THPT, tránh để học sinh học nhiều lý thuyết, ít được thực hành và thiếu thực tiễn. Ngoài ra đề nghị HĐND, UBND tỉnh có chính sách cụ thể để hỗ trợ kinh phí xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia. Phòng GD và ĐT huyện Nghĩa Hưng đề xuất về cấu trúc, nội dung chương trình giáo dục nên gồm có 2 phần: phần cứng là những kiến thức cơ bản, phổ thông nhất về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thực sự cần thiết trong cuộc sống. Phần mềm là kiến thức sâu hơn ở một số lĩnh vực để học sinh tự chọn học tập. Nội dung chương trình cần bảo đảm tính hợp lý và tính liên kết chặt chẽ ở các cấp học, tránh gây ra quá tải, học sinh không đủ thời gian tiếp thu hiệu quả. Việc biên soạn SGK mới cần có sự tham gia của các giáo viên giàu kinh nghiệm giảng dạy ở các trường để nội dung phù hợp với trình độ của học sinh. Về chế độ chính sách, Nhà nước cần nghiên cứu có chính sách bảo đảm và nâng cao chất lượng đời sống đội ngũ giáo viên, cán bộ làm công tác quản lý giáo dục để yên tâm công tác, nâng cao chất lượng và hiệu quả GD và ĐT…

Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh cũng đã trao đổi, tìm hiểu, làm rõ một số nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình SGK giáo dục phổ thông, nhất là những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn trong công tác giảng dạy và học tập, giải pháp tháo gỡ những tồn tại, hạn chế…

Phát biểu ý kiến sau cuộc giám sát, đồng chí Nguyễn Anh Sơn cảm ơn các đơn vị đã tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn hoàn thành các mục tiêu đề ra, nhất là tìm hiểu rõ hơn thực trạng việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình SGK giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh ta hiện nay. Các ý kiến đề xuất, kiến nghị của các đơn vị, đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh ghi nhận đầy đủ và sẽ tổng hợp báo cáo với Quốc hội và các bộ, ngành có liên quan để xem xét, nghiên cứu giải quyết, góp phần hoàn chỉnh các chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng chương trình GD-ĐT và chương trình SGK cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra để GD-ĐT thực sự là quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước./.

Phạm Quốc Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com