556 nghìn ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thông qua hình thức lấy ý kiến tại hộ gia đình

07:04, 25/04/2013

Tiếp tục triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành và triển khai Kế hoạch số 18/KH-HĐND tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Quốc hội lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức xây dựng, in mẫu phiếu và gửi 560 nghìn bộ tài liệu lấy ý kiến tới hộ gia đình. Tài liệu gồm: bản so sánh giữa Hiến pháp 1992 với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; Báo cáo thuyết minh về nội dung của dự thảo sửa đổi Hiến pháp và phiếu xin ý kiến hộ gia đình để gửi đến từng hộ gia đình ở tất cả 10 huyện, thành phố trong tỉnh. 

Sau hơn 1 tháng triển khai, đến nay, toàn tỉnh đã có 556 nghìn ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; trong đó có 477.255 ý kiến tán thành, 46.711 ý kiến cơ bản tán thành, 2.719 ý kiến tham gia đóng góp vào các điều khoản cụ thể của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đại đa số những ý kiến tham gia đóng góp đều nhất trí với những nội dung trong dự thảo về tên nước, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nguyên tắc tổ chức Bộ máy nhà nước và Chính phủ; nguyên tắc sở hữu toàn dân về đất đai; không chấp nhận phi chính trị hoá quân đội, Nhà nước xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Nhiều ý kiến tâm huyết góp ý sửa đổi, bổ sung những vấn đề cụ thể, chất lượng như: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã bảo đảm cụ thể hóa định hướng lãnh đạo của Đảng về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thể hiện cụ thể nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước, nội dung đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, quy định rõ cơ chế bảo đảm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân, thực hành dân chủ XHCN; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng đảm bảo quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp… Trong phần lời nói đầu có 228 ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung thêm hai mốc lịch sử là chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm khơi dậy truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc ta. Trong chương I - Chế độ chính trị có 654 ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung tập trung vào Điều 4. Tại khoản 1, một số ý kiến đề nghị viết lại như sau: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hành động, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” đồng thời dùng cụm từ “dân tộc” để thay thế cho cụm từ “giai cấp công nhân và nhân dân lao động” để khái quát và khẳng định Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ làm nền tảng cho tư tưởng mà phải cho cả hành động. Tại khoản 2, một số ý kiến đề nghị viết lại như sau: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và lắng nghe nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về sự lãnh đạo của mình” để thể hiện sự gần gũi, tôn trọng cũng như trách nhiệm chung của đảng viên và các tổ chức Đảng đối với nhân dân. Trong chương II - Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân có 836 ý kiến đề nghị sửa đổi bổ sung. Đa số ý kiến cho rằng quy định về quyền con người, quyền công dân bị giới hạn là chưa đầy đủ bởi vì quyền con người, quyền công dân có thể bị tước bỏ, bị giới hạn khi người nào đó phạm tội, vi phạm pháp luật. Do đó cần sửa lại khoản 2, Điều 15 của dự thảo là: “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khoẻ cộng đồng, bị giới hạn theo quy định của pháp luật nếu phạm tội hoặc vi phạm pháp luật”. Trong chương III - Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường có 412 ý kiến đề nghị sửa đổi bổ sung. Tại khoản 3, Điều 58 nhiều ý kiến đề nghị nên quy định “thu hồi đất sản xuất nông nghiệp của người đã chết hoặc đi nước ngoài để cấp cho người mới sinh ra” vì như vậy mới đầy đủ và phù hợp với thực tiễn của việc quản lý, sử dụng đất đai. Một số ý kiến cho rằng nên bỏ đoạn “các dự án phát triển kinh tế - xã hội” ở cuối khoản 3, Điều 58 của dự thảo, để tránh bị lợi dụng khi Nhà nước thu hồi đất, vì nếu dự án phát triển kinh tế phải theo giá thỏa thuận hai bên. Trong chương XI - Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp có 122 ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung. Đa số ý kiến đề nghị thêm quy định “Việc xây dựng Hiến pháp phải được trưng cầu dân ý”, quy định này sẽ thể hiện được tính dân chủ, công bằng, văn minh, bình đẳng của công dân trong việc xây dựng Hiến pháp.

Các ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của các hộ dân trên địa bàn tỉnh sẽ được tổng hợp đầy đủ gửi tới Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 theo đúng thời gian quy định./.

Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com