Chăm sóc và bảo vệ các cây vụ đông sau bão số 8

08:11, 14/11/2012

Bão số 8 đã gây thiệt hại nặng nề đối với trên 12.800ha cây vụ đông 2012. Nhiều diện tích bị dập nát hoàn toàn, không còn khả năng hồi phục, phải gieo trồng lại; một số diện tích thiệt hại nhẹ, đến nay đã hồi phục, cần thiết phải có biện pháp chăm bón kịp thời.

Sở NN và PTNT hướng dẫn các xã, thị trấn và các hộ dân làm vệ sinh đồng ruộng, khẩn trương gieo trồng các cây vụ đông muộn, ngắn ngày trên diện tích đã trồng bị thiệt hại từ 70% trở lên; mở rộng trồng trên diện tích mới, nhất là chân ruộng 2 lúa để bù đắp thiệt hại và tăng thu nhập. Đối với cây rau, đậu ngắn ngày như: cải thìa, cải ngọt, cải chíp, cải bắp, su hào, đậu đũa… cần chuẩn bị đủ hạt giống, khẩn trương gieo hạt, ươm cây con đảm bảo chất lượng; tổ chức trồng nhiều trà đến cuối tháng 12-2012; trồng đa dạng chủng loại để tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Đối với cây khoai tây thời vụ cho phép đến ngày 15-11, lựa chọn trồng các giống khoai tây Đức và Hà Lan có chất lượng cao; sử dụng lượng giống hiện có đang bảo quản trong kho lạnh; nếu còn thiếu phải khẩn trương liên hệ với các doanh nghiệp, Trung tâm Giống cây trồng, Trung tâm Cây có củ (Viện KHNN Việt Nam) để nhập đủ giống, đảm bảo chất lượng; tiến hành làm đất, lên luống và bón đủ phân lót để khi có giống là tiến hành trồng ngay, đảm bảo thời vụ.

Nông dân xã Yên Dương (Ý Yên) chăm sóc rau màu vụ đông sau bão số 8. Ảnh: Văn Trọng
Nông dân xã Yên Dương (Ý Yên) chăm sóc rau màu vụ đông sau bão số 8.
Ảnh: Văn Trọng

Những diện tích cây trồng còn lại sau bão cần phải có biện pháp chăm bón phù hợp đối với từng loại cây. Những cây bị dập nát hoặc những cây không còn khả năng cho thu hoạch cần trồng thay thế bằng các cây rau đậu ngắn ngày hoặc khoai tây. Phải nhẹ nhàng dựng lại các cây bị đổ, cắt tỉa lá, cành, quả bị dập, vun thêm đất vào gốc, nén chặt để cây đứng vững. Khẩn trương tưới, phun bổ sung các loại phân qua lá, chất hỗ trợ sinh trưởng, phục hồi rễ như: PennacP, E-T, K-H, N-H, Yogen siêu lân. Đối với ngô, cà chua, dưa chuột, bí xanh, ớt, các loại rau xanh ngắn ngày…, sau 3-5 ngày tiếp tục bón bổ sung từ 5-7kg phân NPK 16-16-8, kết hợp xới, xáo làm thông thoáng gốc và tưới đủ nước. Các loại cây: cà chua, dưa chuột, bí xanh, ớt… cần cẩn thận dựng lại dàn, phun phòng bệnh thán thư, mốc sương bằng các thuốc: Ridomil Gold® 68WP, Score 250EC, Ridomil MZ 72WP, Trineb 80WP…; phòng bệnh lở cổ rễ bằng các thuốc: Benlats C, Vicarber…; phun Steptomicin, Kasumil, Ketomium… để hạn chế bệnh héo xanh. Chăm sóc bình thường khi cây đã hồi phục hoàn toàn.

Sở NN và PTNT đề nghị các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo, phân công cán bộ kỹ thuật trồng trọt tăng cường xuống các xã, thị trấn, các cơ sở sản xuất để tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật nêu trên./.

Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com