Xem xét việc miễn nhiệm người có phiếu tín nhiệm thấp

08:10, 08/10/2012
Ngày 6-10, tiếp tục phiên họp thứ 12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến đối với Tờ trình QH về Nghị quyết về quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HÐND bầu hoặc phê chuẩn.

Theo Tờ trình của Ủy ban TVQH, thẩm quyền và phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm cụ thể như sau: QH sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch QH, các Phó Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của QH, các thành viên khác của Ủy ban TVQH; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán nhà nước. Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của QH lấy phiếu tín nhiệm đối với các Phó Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên của Hội đồng và Ủy ban. HÐND các cấp lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực HÐND, Trưởng các Ban của HÐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên của UBND. Các Ban của HÐND lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên của ban mình, trừ Trưởng ban.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày tờ trình tại phiên họp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày tờ trình tại phiên họp.

Về thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, Ủy ban TVQH đề nghị tiến hành vào kỳ họp QH, HÐND đầu tiên trong năm, tính từ năm tiếp sau năm bắt đầu nhiệm kỳ. Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trên phiếu thể hiện tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm và các mức độ đánh giá tín nhiệm: "Tín nhiệm cao", "Tín nhiệm trung bình", "Tín nhiệm thấp", "Chưa có ý kiến".

Ðối với việc sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm, Ủy ban TVQH đề nghị  thực hiện như sau: Người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá "Tín nhiệm thấp" có thể xin từ chức nếu xét thấy bản thân không đủ tín nhiệm hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ đó; cơ quan hoặc người đã giới thiệu để QH, HÐND bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm có thể trình QH, HÐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm người đó để điều động sang vị trí công tác khác phù hợp hơn, đồng thời chủ động đề nghị cơ quan có thẩm quyền lựa chọn người để giới thiệu thay thế; trường hợp đã hết nhiệm kỳ thì không tiếp tục giới thiệu tái cử chức vụ đó nhiệm kỳ tiếp theo.

Ðối với người có hơn hai phần ba tổng số đại biểu QH hoặc đại biểu HÐND đánh giá "Tín nhiệm thấp" thì Ủy ban TVQH, Thường trực HÐND trình QH, HÐND bỏ phiếu tín nhiệm mà không cần chờ kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai; đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị nhân sự thay thế.

Ðối với người có hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu QH hoặc đại biểu HÐND đánh giá "Tín nhiệm thấp" thì Ủy ban TVQH, Thường trực HÐND trình QH, HÐND bỏ phiếu tín nhiệm.

Trong phần thảo luận, phần lớn ý kiến phát biểu tán thành với sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết nói trên. Nhiều đại biểu tán thành với việc mở rộng phạm vi quy định về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm không chỉ đối với người giữ các chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn mà còn đối với cả những người giữ chức vụ do HÐND bầu để có thể sớm triển khai đồng bộ việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm từ T.Ư đến địa phương. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị không nên tiến hành dàn trải, dễ làm cho hoạt động này trở nên hình thức. Phát biểu ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, tinh thần là tất cả những người giữ chức vụ do QH, HÐND bầu hoặc phê chuẩn đều được lấy phiếu tín nhiệm, nhằm đánh giá chất lượng công tác của cán bộ.

Về mức độ tín nhiệm ghi trên phiếu, nhiều đại biểu đề nghị chỉ nên đưa ra hai nội dung: tín nhiệm và không tín nhiệm, nhằm thể hiện rõ quan điểm của người tham gia bỏ phiếu. Ðề cập thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, một số đại biểu đề nghị nên quy định hai năm bỏ phiếu một lần, vì thời gian một năm là quá ngắn, chưa đủ để người giữ chức vụ thể hiện được khả năng của mình. Hơn nữa, việc lấy phiếu đánh giá quá thường xuyên dễ tạo tâm lý e dè, ngại đổi mới, khó có thể tạo ra những bước chuyển đột phá tích cực trong công việc.

Cùng ngày, Ủy ban TVQH cho ý kiến về một số vấn đề, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật Thủ đô.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com