Ảnh minh họa/internet. |
Hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều vẫn diễn ra phổ biến như: làm nhà kiên cố, xây dựng lò gạch trên bãi sông, đào đất, hút cát… trong phạm vi bảo vệ đê điều và chưa được xử lý dứt điểm. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vi phạm Luật Đê điều là do sự thiếu hiểu biết hoặc ý thức chấp hành pháp luật về đê điều của một bộ phận tổ chức, cá nhân còn hạn chế. Việc giải quyết vi phạm của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng chưa kiên quyết, dứt điểm ngay từ khi vi phạm mới phát sinh. Ngày 16-10-2012, Sở NN và PTNT đã ra Văn bản số 580/SNN-ĐĐ đề nghị các ban, ngành tăng cường quản lý Nhà nước về đê điều, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều trên các phương tiện thông tin đại chúng; tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn, các lực lượng quản lý đê nhân dân tiến hành kiểm tra, lập hồ sơ các tổ chức, cá nhân vi phạm; xây dựng kế hoạch và phương án xử lý dứt điểm các trường hợp xây dựng mới, nâng cấp hoặc cải tạo công trình, tập kết nguyên vật liệu, khai thác đất, cát trái phép trong hành lang bảo vệ đê hoặc chưa được cấp phép gây mất an toàn đê. Các ngành: TN và MT, GTVT, Xây dựng tiến hành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê, ở bãi sông phù hợp với quy định của Luật Đê điều. Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh phối hợp với Sở NN và PTNT, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện kiểm tra, ngăn chặn, xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đê điều, kiên quyết không để phát sinh vi phạm mới hoặc tái phạm. Chi cục Quản lý đê điều và PCLB tỉnh chỉ đạo lực lượng quản lý đê chuyên trách, kiểm tra, lập biên bản và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, tổng hợp, báo cáo chính quyền địa phương và các cấp có thẩm quyền để xử lý vi phạm ngay từ đầu không để vi phạm phát sinh./.
Đức Toàn