Phát biểu chào mừng của đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội thảo

08:10, 01/10/2012

Thưa Chủ toạ Hội thảo!
Thưa các nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế!
Thưa toàn thể các đại biểu khách quý!

Hôm nay, trong không khí phấn khởi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định đang long trọng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Thành phố Nam Định là đô thị loại I và đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt: Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần và Chùa Phổ Minh, tỉnh Nam Định vinh dự được đăng cai tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Văn hoá thờ Nữ thần (Mẫu) ở Việt Nam và châu Á - Bản sắc và giá trị”. Thay mặt lãnh đạo tỉnh Nam Định, tôi nhiệt liệt chào mừng các vị lãnh đạo đại diện các cơ quan Trung ương, các nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế cùng toàn thể quý vị đã đến tham dự Hội thảo. Chúc quý vị đại biểu sức khoẻ, hạnh phúc, thành đạt, chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Thưa các đại biểu, khách quý!

Nằm ở Trung tâm phía Nam đồng bằng sông Hồng, cách Thủ đô Hà Nội gần 90km, trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, mảnh đất Thiên Trường - Nam Định từng là một trung tâm quyền lực có vị thế như một kinh đô thứ 2 sau Thăng Long của nước Đại Việt ở thế kỷ XIII-XIV. Thành phố Nam Định còn là 1 trong 3 thành phố lớn của miền Bắc Việt Nam ở đầu thế kỷ XX và hiện nay đang từng bước phát triển trở thành Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của khu vực Nam đồng bằng sông Hồng. Trải qua lịch sử hình thành và phát triển, vùng đất này đã hội tụ và lưu giữ được nhiều giá trị văn hoá truyền thống của người Việt. Bên cạnh các giá trị văn hoá vật thể với gần 4.000 di tích, Nam Định còn được biết đến với các giá trị văn hoá phi vật thể độc đáo, đặc sắc, trong đó có tín ngưỡng thờ Đức Thánh Cha và Thánh Mẹ (Mẫu).

Tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh ra đời từ thế kỷ XV và trở thành tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, gắn liền với quần thể kiến trúc Phủ Dầy thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản. Đây là tín ngưỡng bản địa, được hình thành trên cơ sở tục thờ Nữ thần gắn liền với cư dân nông nghiệp lúa nước, trong đó có người Việt ở Nam Định. Trong quá trình ra đời và phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu đã kế thừa và tiếp thu những giá trị đạo đức, nhân văn sâu sắc để trở thành một bộ phận văn hoá tinh thần của cộng đồng người Việt, một tín ngưỡng bản địa mà chính Nam Định là nơi khởi nguồn, quy tụ và lan toả của di sản văn hoá phi vật thể này. Với những giá trị văn hoá đó, ngay từ đợt xếp hạng di tích đầu tiên của Việt Nam vào những năm 60 của thế kỷ trước, quần thể kiến trúc Phủ Dầy đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp quốc gia. Từ đó đến nay, chính quyền các cấp và nhân dân tỉnh Nam Định nói chung, nhân dân xã Kim Thái và huyện Vụ Bản nói riêng thường xuyên quan tâm trùng tu, nâng cấp các di tích quần thể Phủ Dầy và phát triển hệ thống hạ tầng, tổ chức lễ hội hằng năm với các hoạt động hầu đồng, nghi lễ chầu văn và hát chầu văn, góp phần làm tăng thêm giá trị văn hoá tinh thần của cộng đồng người Việt trong cả nước.

Được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ VH, TT và DL, vừa qua tỉnh Nam Định đã lập hồ sơ di sản văn hoá phi vật thể nghi lễ chầu văn của người Việt ở Nam Định để đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, tiến tới lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Cuộc hội thảo khoa học về văn hoá thờ Nữ thần (thờ Mẫu) hôm nay không chỉ tập trung làm rõ văn hoá của tục thờ Mẫu ở Việt Nam và châu Á, góp phần vào việc phát huy các giá trị đối với phát triển xã hội trong xã hội hiện đại mà nó còn có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở khoa học để tỉnh Nam Định tiếp thu lập hồ sơ khoa học về nghi lễ chầu văn để trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Đồng thời là cơ sở khoa học để tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá quần thể kiến trúc Phủ Dầy cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu, bảo tồn nghi lễ chầu văn và hát chầu văn của người Việt ở Nam Định.

Đặc biệt cuộc hội thảo này được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định và lễ hội truyền thống Trần Hưng Đạo (tháng Tám giỗ Cha) và cũng là ngày sinh của Mẫu theo truyền thuyết 15-8 âm lịch nên càng có ý nghĩa sâu sắc, không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học mà còn cả đông đảo nhân dân Nam Định và nhân dân cả nước. Với tinh thần ấy, chúng tôi tin tưởng cuộc hội thảo khoa học của chúng ta sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Một lần nữa thay mặt lãnh đạo tỉnh Nam Định, tôi chúc các vị đại biểu, khách quý, các nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế cùng toàn thể quý vị sức khoẻ, hạnh phúc và có chuyến nghiên cứu thực tế tại Nam Định - quê hương của Thánh Cha và Thánh Mẹ với nhiều kỷ niệm và ấn tượng tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn !



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com