[links()]
Trong các ngày 29 và 30-9-2012, tại Thành phố Nam Định và huyện Vụ Bản, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam (Hội Di sản văn hóa Việt Nam); Chi hội Folklore châu Á phối hợp với Sở VH, TT và DL tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa thờ Nữ thần (Mẫu) ở Việt Nam và châu Á - Bản sắc và giá trị”. Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; GS Jang Jong Young, Chủ tịch Hội Folklore châu Á; ông Weonmo Park, đại diện ICHCAP - Trung tâm hạng 2 UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Phạm Cao Phong, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam; lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ; hơn 300 đại biểu trong nước và đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Lào và Vương quốc Anh.
Đoàn Chủ toạ Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhiệt liệt chào mừng các đại biểu tham dự hội thảo. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở khoa học để tỉnh Nam Định tiếp thu lập hồ sơ khoa học về nghi lễ chầu văn để trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Đồng thời là cơ sở khoa học để tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá quần thể kiến trúc Phủ Dầy cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu, bảo tồn nghi lễ chầu văn và hát chầu văn của người Việt ở Nam Định (Toàn văn bài phát biểu của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đăng số báo hôm nay).
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Folklore châu Á nêu rõ: Thờ Nữ thần (ở một số nước là Mẫu) là một tín ngưỡng. Tục thờ Nữ thần là thế giới quan, nhân sinh quan của cư dân nông nghiệp châu Á, đồng thời là triết lý về tinh thần yêu nước, sức mạnh, đạo lý của các dân tộc. Trên phương diện văn hoá, tục thờ Nữ thần là bức tranh đa dạng, sinh động về nghệ thuật diễn xướng dân gian, phản ánh nhiều giá trị văn hóa đã được sáng tạo, tích tụ và trao truyền từ đời này sang đời khác, làm nên sức sống vĩnh cửu của các Nữ thần (Mẫu). Hội thảo là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, nhằm tôn vinh giá trị của Đạo Mẫu, lên đồng và chầu văn - di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Việt Nam, là cơ sở lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Phát biểu tại Hội thảo, GS Jang Jong Young, Chủ tịch Hội Folklore châu Á mong rằng, các đại biểu đại diện cho các quốc gia khác có nhiều ý kiến và công trình khoa học sâu sắc về giá trị văn hóa cũng như truyền thống thờ Nữ thần (Mẫu) của các nước trong khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Đây là cơ hội để các nước quảng bá về văn hóa thờ Nữ thần (Mẫu) của nước mình và là cơ sở để nền văn hóa các nước có thể tiến gần hơn với danh hiệu di sản phi vật thể thế giới.
Tại Hội thảo đã có hơn 60 báo cáo khoa học được trình bày bằng tiếng Việt, Trung Quốc, Hàn Quốc và tiếng Anh xung quanh hai chủ đề: Thông tin và nghiên cứu các vấn đề bản sắc văn hóa và giá trị văn hóa của tục thờ Nữ thần (Mẫu) ở các nước châu Á. Bản sắc văn hóa của tục thờ Nữ thần thể hiện rất phong phú qua các truyền thuyết, nghi lễ, phong tục thờ cúng của các địa phương, dân tộc; giá trị văn hóa của tục thờ Nữ thần góp phần phát huy các giá trị đối với sự nghiệp phát triển xã hội hiện đại. Trong chương trình Hội thảo, các đại biểu được thưởng thức chương trình diễn xướng chầu văn, hầu đồng tại phủ Vân Cát và phủ Tiên Hương, xã Kim Thái (Vụ Bản)./.
Tin, ảnh: Khánh Ngọc
[links()]