Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Viết Hưng kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các huyện: Vụ Bản và Nghĩa Hưng

07:09, 07/09/2012

Ngày 5-9-2012, đồng chí Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại 2 huyện Vụ Bản và Nghĩa Hưng. Cùng đi với đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh có lãnh đạo MTTQ Việt Nam tỉnh và các Sở: NN và PTNT, Công thương, Y tế.

Từ đầu năm 2012 đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 40 hộ của 24 thôn ở 20 xã thuộc 5 huyện: Ý Yên, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Xuân Trường và Vụ Bản với tổng số gia cầm phải tiêu huỷ là 27.697 con. Đặc biệt từ cuối tháng 8 đến nay, vẫn còn các ổ dịch phát sinh tại 2 huyện Vụ Bản và Nghĩa Hưng. Sau khi kiểm tra thực tế tại các hộ có dịch cúm gia cầm và nghe lãnh đạo 2 xã: Đại Thắng (Vụ Bản) và Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng) báo cáo cách phát hiện, khoanh vùng dập dịch, tiêu huỷ, khử trùng, tiêu độc… đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trao đổi với UBND từng huyện về 5 nguyên nhân xảy ra dịch và cách khắc phục.

Phun thuốc khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi gia cầm mới phát dịch (ảnh minh họa/Internet).
Phun thuốc khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi gia cầm mới phát dịch
(ảnh minh họa/Internet).

Đến nay, cơ bản 2 huyện đã khống chế được dịch, triển khai đúng theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh và ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của tỉnh, song một số xã chưa triển khai khoanh vùng dập dịch mà mới xử lý tại ổ dịch; chưa tổ chức lực lượng phun thuốc khử trùng tiêu độc tập trung, dùng vôi bột còn ít; tư tưởng cán bộ ở cơ sở còn chủ quan, chưa quyết liệt. Riêng huyện Nghĩa Hưng, cả huyện và xã chưa quyết liệt khoanh vùng dập dịch, phát hiện ổ dịch chưa kịp thời, thuốc khử trùng tiêu độc còn phát bình quân cho các xã, thị trấn mà chưa tập trung cho xã, vùng có dịch, chưa lập chốt gác tại xã có dịch. Thời gian tới, 2 huyện phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để dập tắt dịch cúm gia cầm, không để dịch phát sinh. Lãnh đạo huyện phải phân công cụ thể cán bộ phụ trách cơ sở kiểm tra, đôn đốc, giám sát, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế. Lãnh đạo huyện giao ban hằng ngày và hằng tuần, chỉ đạo tăng cường tuyên truyền dịch cúm gia cầm và cách phòng, chống trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngành Thú y phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức tập huấn về cách phát hiện, khoanh vùng dập dịch, xử lý dịch cho lãnh đạo xã, lực lượng thú y và các lực lượng chức năng. Huyện chỉ đạo dùng đủ lượng vôi bột trong phòng, chống dịch; xã tổ chức lực lượng chuyên trách phát thuốc, phun thuốc khử trùng, tiêu độc tập trung tại vùng dịch. Sở Y tế chỉ đạo lực lượng y tế huyện, xã bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân, nhất là các địa phương xảy ra dịch cúm gia cầm; phát hiện, khám và điều trị kịp thời người bị ốm trong vùng có dịch. Các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển các cơ sở giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm; đồng thời tổ chức tốt vệ sinh khử trùng, tiêu độc, nhất là dùng vôi bột trong phòng chống dịch./.

Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com