Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc sơ kết việc thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”

08:09, 10/09/2012

Chiều 7-9-2012, tại trụ sở Chính phủ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956) đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về tình hình thực hiện Đề án 6 tháng đầu năm 2012. Dự hội nghị có lãnh đạo một số bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tham gia hội nghị, tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Bùi Đức Long, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ cùng các thành viên trong BCĐ thực hiện Đề án 1956 của tỉnh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Trong 6 tháng đầu năm 2012, ở 49 tỉnh, thành phố có báo cáo lên BCĐ Trung ương đã tiếp tục chủ động tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho 883 giáo viên dạy sơ cấp nghề; bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho gần 2 nghìn người... Các địa phương đã lựa chọn được 1.301 lượt nghề đào tạo, trong đó đã có 1.116 lượt nghề có chương trình và tài liệu giảng dạy, 185 lượt nghề mới bổ sung, đang triển khai xây dựng chương trình giảng dạy. Nhà nước đã hỗ trợ 2.460 tỷ đồng để đầu tư cho 530 cơ sở đào tạo nghề trong cả nước xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, kết quả thực hiện Đề án 1956 trong 6 tháng đầu năm 2012 của cả nước còn thấp, chỉ có 135.397 lao động nông thôn được dạy nghề, đạt 28,4% kế hoạch năm. Trong số 91.486 người đã học xong, có 82% người có việc làm. Tính từ năm 2010 khi bắt đầu triển khai thực hiện đề án, đến nay đã có 889.726 lao động nông thôn học nghề, trong đó 73% có việc làm đúng với nghề được đào tạo. Nhờ học nghề đã có 23.548 hộ thoát nghèo, 15.679 hộ có kinh tế khá và 378 xã có trên 10% số hộ gia đình có kinh tế khá. Tại tỉnh ta, các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố đã tích cực phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phát triển giáo viên, người quản lý dạy nghề; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề; ký hợp đồng để nâng tổng số cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh lên 58 cơ sở. Đến tháng 8-2012, toàn tỉnh đã có 4.550 lao động được học nghề, đạt 87% kế hoạch đề ra, trong đó 3.500 lao động học nghề phi nông nghiệp, 1.050 lao động học nghề nông nghiệp. Từ nay đến cuối năm 2012, BCĐ Trung ương yêu cầu các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện đào tạo nghề theo kế hoạch; tích cực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã; nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn, không chạy theo số lượng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện đề án… Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố, một số bộ, ngành đã kiến nghị những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện Đề án 1956 nhằm phát triển nguồn nhân lực lao động nông thôn đạt kết quả tốt nhất.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ ghi nhận những kết quả trong công tác đào tạo nghề tại các địa phương; biểu dương những địa phương có cách làm sáng tạo, đạt kết quả cao. Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị: Thời gian tới, các địa phương cần tập trung kiện toàn BCĐ đề án ở cơ sở; rà soát, bổ sung kịp thời nhân sự chuyên trách tại phòng LĐ-TB và XH cấp huyện; phát triển dạy nghề theo hướng chọn huyện là đơn vị triển khai trực tiếp, các sở, ngành có nhiệm vụ phối hợp thực hiện; tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền với nông dân, nhất là đồng bào dân tộc. Phấn đấu đến cuối năm 2012 phải có 100% cấp huyện có ít nhất 1 cơ sở dạy nghề công lập đóng vai trò nòng cốt để thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn. Các tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị sơ kết công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào tháng 2-2013, tiến tới sơ kết 3 năm thực hiện trong toàn quốc. Bộ LĐ-TB và XH phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 2012-2015, nghiên cứu và trình Thủ tướng Chính phủ chỉnh sửa Quyết định 1956 cho phù hợp với tình hình thực tế./.

Thanh Ngọc
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com