Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là dịch cúm gia cầm đang có diễn biến rất phức tạp ở các tỉnh: Quảng Bình, Nghệ An, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định… Nguyên nhân là do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y; người chăn nuôi còn chủ quan, chưa thực hiện các biện pháp phòng dịch; công tác kiểm dịch còn hạn chế… Để thực hiện nghiêm túc Công điện số 1108/CĐ-TTg ngày 31-7-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn giao trách nhiệm cho lực lượng trưởng thôn, xóm phối hợp chặt chẽ với mạng lưới thú y thực hiện giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi; kiểm tra rà soát nắm chắc tình hình chăn nuôi, tổng đàn, tình hình dịch bệnh nhất là đối với đàn vịt; vận động các tổ chức đoàn thể, người dân cùng tham gia giám sát dịch; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo, không giấu dịch. Giao trách nhiệm cụ thể cho tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cấp chính quyền và đơn vị liên quan từ huyện, thành phố đến thôn xóm, tổ dân phố trong phòng chống, khoanh vùng xử lý ngăn chặn dịch bệnh; trách nhiệm của người chăn nuôi trong phòng bệnh và tiêu huỷ gia cầm bị bệnh khi có dịch xảy ra trên địa bàn. Địa phương nào chủ quan, lơ là không tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, để dịch lây lan ra diện rộng thì người đứng đầu chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND cấp trên.
Ảnh minh họa/Internet. |
Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 15-2-2012 của Chủ tịch UBND tỉnh về phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thuỷ sản; Sở NN và PTNT chỉ đạo mạng lưới thú y từ tỉnh đến cơ sở xác định tổng đàn gia súc, gia cầm, số gia súc trong diện tiêm phòng vụ thu năm 2012, tổ chức thực hiện tiêm phòng triệt để số gia súc phải tiêm phòng.
Các ngành Công an, Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm lưu thông trên các trục đường giao thông chính của tỉnh, huyện. Lực lượng an ninh, thú y xã tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn. Phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm từ vùng có dịch không rõ nguồn gốc đặc biệt gia cầm nhập lậu vào tỉnh theo đúng quy định pháp luật.
Hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, gia cầm nên nuôi nhốt; tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng đàn vận nuôi, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất vào khẩu phần thức ăn; thường xuyên vệ sinh sạch sẽ khu vực chăn nuôi, rắc vôi bột lối đi và xung quanh khu vực chăn nuôi, khu vực giết mổ, chợ buôn bán gia súc, gia cầm; định kỳ phun thuốc sát trùng từ 1-2 lần/tuần.
Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền về tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch để toàn thể cán bộ, nhân dân nhận thức rõ trách nhiệm trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Đề nghị Uỷ ban MTTQ tỉnh cùng các tổ chức đoàn thể tích cực chủ động tuyên truyền các hội viên, đoàn viên tham gia tích cực tuyên truyền và phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, nhất là dịch cúm gia cầm. Ngành Y tế chủ động phối hợp với ngành NN và PTNT thực hiện có hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và dịch cúm A H5N1 trên người./.
PV