Ngày 3-7-2012, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Công thương tổ chức tổng kết dự án xây dựng mô hình doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, hộ nông dân tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Dự hội nghị có các đồng chí: Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương; Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Liên minh HTX Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam; một số Cty, siêu thị, doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, hộ nông dân tham gia dự án cùng một số doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh.
HTX Hào Kiệt, xã Liên Minh (Vụ Bản) cung ứng vật tư nông nghiệp cho xã viên. |
Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2152/QĐ-TTg ngày 24-11-2010 về hỗ trợ kinh phí cho các địa phương thực hiện Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020”, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát, lựa chọn thực hiện thí điểm 2 mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị được lựa chọn tham gia dự án gồm Cty CP Lương thực Nam Định, Cty TNHH Bao bì kim loại CFC Nam Định, HTX dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), một số hộ sản xuất kinh doanh và 594 hộ nông dân của các huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng. Triển khai thực hiện dự án, các Cty đã tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức về cơ chế chính sách pháp luật trong thực hiện hợp đồng, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quy trình kỹ thuật sản xuất và thu hoạch; tổ chức cho các hộ sản xuất kinh doanh, hộ nông dân tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình tại các tỉnh Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nam… Trong năm 2011 và đầu năm 2012, Cty CP Lương thực Nam Định đã chủ động cung ứng trên 4.700 tấn phân bón các loại và thu mua 300 tấn thóc vụ mùa. Riêng vụ xuân năm 2012, Cty đã thu mua được 200 tấn thóc với giá theo hợp đồng. Cty TNHH Bao bì kim loại CFC đã liên kết với HTX dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình thu mua 240 tấn cà chua (210 tấn cà chua nhót, 30 tấn cà chua quả to) với tổng giá trị 1 tỷ 131 triệu đồng; 150 tấn dưa chuột bao tử với giá trị 675 triệu đồng. Kết quả từ dự án cho thấy, các hộ nông dân đã yên tâm sản xuất vì có đầu ra cho sản phẩm. Nông dân được hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật canh tác; các kỹ năng cần thiết trong việc thực hiện hợp đồng kinh tế… Các doanh nghiệp đã kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc sản phẩm nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến góp phần bảo đảm ổn định chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Các HTX đã nâng cao được trách nhiệm, uy tín đồng thời duy trì ổn định hoạt động, tăng thu nhập cho tập thể, xã viên HTX.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Thứ trưởng Bộ Công thương và đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao những kết quả mà các ngành, các cấp và các Cty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hộ nông dân tham gia dự án đạt được trong thời gian qua. Để 2 mô hình được duy trì và nhân rộng, thời gian tới, các cấp, các ngành cần thực hiện tốt Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 8-11-2010 của Ban TVTU và Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 12-11-2010 của UBND tỉnh triển khai Chương trình xây dựng NTM tỉnh Nam Định giai đoạn 2010-2015. Trong đó thực hiện tốt quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, tập trung dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Tiến hành xây dựng đồng bộ mạng lưới phân phối thương mại nông thôn theo quy hoạch phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm tạo mối quan hệ giữa sản xuất nông nghiệp với kênh phân phối thương mại nông thôn. Các ngành NN và PTNT, Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân tỉnh tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những thành công của mô hình đến các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và hộ nông dân. Trên cơ sở đó khuyến khích, vận động các Cty, doanh nghiệp và nông dân tích cực tham gia nhân rộng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương phối hợp với các cấp, các ngành tích cực tham mưu với UBND tỉnh các giải pháp, kế hoạch cụ thể từ nay đến năm 2015 để nhân rộng mô hình ở các địa phương một cách đồng bộ, toàn diện và mang lại hiệu quả thiết thực. Các cấp, các ngành liên quan cần hướng dẫn các đối tượng thụ hưởng các cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước triển khai sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Công thương tham mưu với Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và xây dựng NTM; tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho dự án nhằm tạo điều kiện trong việc đào tạo, tập huấn nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và hộ nông dân./.
Thanh Tuấn