Ngày 27-6-2012, UBND tỉnh tổ chức hội nghị bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí Uỷ viên Ban TVTU: Đoàn Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Quang An, Giám đốc Sở KH và ĐT; lãnh đạo các Sở: Tài chính, Xây dựng, TN và MT, Công thương, Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng Nhà nước, Ban Quản lý các KCN của tỉnh, Cty Điện lực Nam Định, Hải quan Nam Định và hơn 300 giám đốc các doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. |
6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 14,1% so cùng kỳ năm 2011. Giá trị sản xuất công nghiệp (tính theo giá cố định 1994) ước đạt 6.044 tỷ đồng, tăng 21,1% so cùng kỳ và đạt 40,5% kế hoạch năm. UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án vào KCN trên địa bàn với tổng số vốn đăng ký hơn 1.082 tỷ đồng và trên 55 triệu USD. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 8.443 tỷ đồng tăng 21,6% so cùng kỳ. Giá trị hàng xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 130,4 triệu USD, tăng 11,1% so cùng kỳ và đạt 37,3% kế hoạch năm. Giá trị hàng hoá nhập khẩu ước đạt 83,9 triệu USD, tăng 8,7% so cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ tháng 6 giảm 0,07% so với tháng 5; tính chung 6 tháng đầu năm tăng 2,33% so với tháng 12-2011. Tính đến hết tháng 6, nguồn vốn ngân sách tỉnh và trái phiếu Chính phủ đã giải ngân đạt 1.125 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 898 tỷ đồng, đạt 47,3% dự toán bằng 83% so cùng kỳ. Số dư nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng ước đạt 14.126 tỷ đồng, tăng 4,95% so đầu năm. 4 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp, hỗ trợ lãi suất vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ không quá 13% kể từ ngày 11-6-2012. Đã cấp đăng ký kinh doanh cho 231 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 812 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 4.428 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 35.758 tỷ đồng.
Tại hội nghị, Cục Thuế tỉnh đã báo cáo tình hình miễn giảm thuế theo Nghị quyết 13 của Chính phủ; lộ trình giảm lãi suất tín dụng. Đại diện các doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến đề xuất với tỉnh tập trung vào các vấn đề: Tạo nguồn vốn, mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp đầu tư, định giá tài sản để vay vốn, giảm chi phí sản xuất, tăng cường xúc tiến đầu tư, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ cho nông dân tiêu thụ sản phẩm, mở rộng tiêu dùng nội địa…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương sự cố gắng của các doanh nghiệp trong việc khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh. Để các doanh nghiệp có định hướng phát triển trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch chỉ rõ: Tỉnh đã xác định tập trung phát triển các ngành công nghiệp là dệt may công nghệ cao; cơ khí, điện tử; công nghiệp chế biến; công nghiệp điện, sản xuất vật liệu xây dựng nhẹ. Không khuyến khích phát triển dệt may trên địa bàn Thành phố Nam Định, không khuyến khích các dự án đầu tư nước ngoài có số vốn dưới 10 triệu USD. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; tập hợp các đề xuất để báo cáo bổ sung cơ chế, chính sách. Các doanh nghiệp cần tích cực tra cứu cơ chế chính sách thông qua mạng điện tử. Ngành Ngân hàng cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thẩm định dự án, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn nhanh chóng; các ngân hàng cần cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, lãi suất; xác định giá tài sản theo sát giá thị trường; đồng hành với doanh nghiệp bằng cách cơ cấu lại nợ để doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất thấp; công khai lãi suất và thủ tục vay. Các dự án đã thông báo vị trí đất triển khai xây dựng, các ngành, các cấp quan tâm cho công tác GPMB, nhất là các dự án công nghệ cao. Rà soát lại việc sử dụng đất tại các khu, CCN, thu hồi đất của doanh nghiệp sử dụng không hiệu quả. Ngành Thuế cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 13 của Chính phủ; đối với các khoản nợ của doanh nghiệp, Cục Thuế tỉnh thu nợ nhưng phải bảo đảm ổn định sản xuất của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thường xuyên phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước để giải quyết vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh./.
Tin, ảnh: Trung Dũng