Ngày 14-5-2012, đồng chí Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tại huyện Ý Yên.
Từ ngày 13-4-2012 đến nay, dịch lợn tai xanh đã xảy ra tại 141 hộ chăn nuôi thuộc 22 thôn, ở các xã Yên Khánh, Yên Hồng, Yên Chính và Thị trấn Lâm, với tổng số 738 con lợn mắc bệnh. Dịch lở mồm long móng xảy ra từ ngày 23-4 đến ngày 2-5-2012 làm 27 con lợn mắc bệnh tại 2 hộ của xã Yên Phú. Tổng số lợn chết và phải tiêu huỷ do bị dịch tai xanh và lở mồm long móng đến ngày 12-5 là 264 con, với tổng trọng lượng 7.944,5kg. Ngày 8-5-2012, dịch cúm gia cầm phát sinh tại hộ ông Phạm Văn Vịnh, xã Yên Hồng với tổng số 3.460 con vịt. Ngày 10-5-2012, toàn bộ số vịt trên đã được tiêu huỷ theo quy định. Huyện Ý Yên đã tổ chức khoanh vùng dập dịch, lập 12 chốt gác kiểm dịch, tiêm vắc-xin tai xanh chống dịch cho 17.217 con lợn, cấp 2.100 lít thuốc sát trùng cho các xã, thị trấn có dịch và vùng uy hiếp để triển khai khử trùng, tiêu độc… Riêng các xã, thị trấn có dịch đã thực hiện khử trùng tiêu độc ngày 2 lần trên toàn địa bàn.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên trong đoàn đã đến kiểm tra tại các hộ có gia súc, gia cầm mắc bệnh, dịch ở Thị trấn Lâm và xã Yên Hồng. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ rõ những tồn tại trong công tác phòng, chống, dập dịch như phát hiện và khoanh vùng dập dịch chưa kịp thời; chốt gác kiểm dịch còn tổ chức ít, chưa có chốt gác liên xã, liên ngành mà mới chỉ có chốt gác ở những địa phương có dịch; công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh ở các địa phương hiệu quả còn thấp nên nguy cơ dịch phát sinh cao. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong thời gian tới, huyện Ý Yên chủ động phối hợp với Sở NN và PTNT tuyên truyền về dịch bệnh gia súc, gia cầm, sự cần thiết phải tiêm vắc-xin phòng bệnh; tập trung chỉ đạo lực lượng thú y, lãnh đạo các xã, thị trấn hướng dẫn các hộ nuôi làm vệ sinh, khử trùng, tiêu độc thật tốt khu chuồng trại; định kỳ khử trùng tiêu độc nhất là khi có dịch xảy ra. Huyện dành một phần kinh phí mua thuốc và động viên các hộ mua thuốc, vôi bột về phòng dịch; hướng dẫn các hộ nuôi nhập giống tại các cơ sở có uy tín, giống tốt, không bệnh tật. Trước mắt, các xã, thị trấn xảy ra dịch và vùng uy hiếp định kỳ tiêu độc khử trùng 2 ngày 1 lần, những xã khác 5 ngày một lần đến khi công bố hết dịch; tăng cường các chốt gác kiểm dịch, lập các chốt liên ngành, liên xã để kiểm tra; kiểm tra giám sát chặt chẽ các hộ giết mổ, các hộ mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và thịt gia súc, gia cầm. Huyện Ý Yên đánh giá cụ thể công tác phòng, dập dịch; phân công lãnh đạo huyện, các đồng chí trong ban thường vụ huyện uỷ, thường trực kiểm tra, giám sát hằng ngày tại các xã xảy ra dịch; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ngành phối hợp với huyện Ý Yên chỉ đạo dập dịch; Đài PT-TH tỉnh, Báo Nam Định tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các biện pháp vệ sinh, khoanh vùng dập dịch để người chăn nuôi biết, không chủ quan; Sở Tài chính phối hợp với Sở NN và PTNT soát xét lại các hộ bị dịch, chỉ đạo hỗ trợ cho các hộ đã tiêm vắc-xin đầy đủ khi bị tiêu huỷ do dịch. Đặc biệt, xã Yên Hồng tuy đã tiêu huỷ 80 con lợn bị dịch tại 20 hộ, song nguy cơ còn cao, xã phải khoanh vùng dập dịch kịp thời, quyết liệt hơn nữa; phải tổ chức tiêu độc, khử trùng 2 ngày/lần đến khi công bố hết dịch, trước mắt 50 hộ nuôi nhiều nên khoan giếng, lọc nước sơ bộ để tắm cho lợn và tiến tới dùng bể biogas xử lý chất thải, bảo đảm hợp vệ sinh./.
Tất Thắc