Sáng 2-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị toàn toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Hà Nội và tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước. Tại đầu cầu Hà Nội có Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành ở Trung ương. Tại các địa phương là Chủ tịch UBND, Phó chủ tịch UBND phụ trách công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo cùng đại diện lãnh đạo một số ngành có liên quan. Mục tiêu của Hội nghị nhằm hoàn thiện cơ chế phối hợp để giải quyết tốt hơn việc khiếu nại, tố cáo của công dân.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu dự Hội nghị tại cầu Hà Nội. |
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại Hội nghị, từ năm 2008 đến nay, tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp. Tình trạng đơn thư gửi tràn lan mang tính phổ biến, nhất là trong các dịp có sự kiện chính trị. Có nhiều vụ việc phát sinh từ những năm trước, đã được xem xét, giải quyết nhưng công dân vẫn khiếu kiện, chủ yếu là liên quan đến đất đai (chiếm hơn 70%); bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội…
Có hiện tượng những người, nhóm người khiếu nại “liên kết” với nhau để khiếu nại đông người. Trong một số trường hợp có sự xúi giục, kích động của các thế lực thù địch nhằm lôi kéo những người đi khiếu nại liên kết đông người có những hành vi quá khích, gây rối.
Theo báo cáo của Bộ Tài Nguyên và Môi trường thì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo về đất đai gia tăng là do một số địa phương chưa làm tốt việc tiếp dân, nhận đơn, chưa hướng dẫn cụ thể theo pháp luật về việc nộp đơn đúng cơ quan có thẩm quyền, để tình trạng người đi khiếu kiện đi hết nơi này đến nơi khác, một nội dung đơn mà gửi đi rất nhiều cơ quan nên tình trạng chuyển đơn “lòng vòng” vẫn xảy ra. Khi phát sinh khiếu kiện, đã không tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, thậm chí né tránh, đùn đẩy, dẫn đến tình trạng công dân gửi đơn vượt cấp lên Trung ương.
Để giải quyết tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Chính phủ đề nghị cần phải xác định công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp trong công tác. Hoàn thiện cơ chế phối hợp đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của hệ thống cơ quan quyền lực Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị 4 giải pháp giải quyết công tác khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh tới giải pháp tăng cường công tác quản lý đất đai nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo trên lĩnh vực này. Củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động của cơ quan làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đại diện Bộ Công an đề nghị đẩy mạnh công tác xây dựng hệ thống pháp luật, tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực (tập trung vào lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở, đầu tư, xây dựng…). Quốc hội cần sớm ban hành Luật về tiếp công dân, Luật về biểu tình làm cơ sở đấu tranh, xử lý những trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo gây rối.
Chiều 2-5, theo kế hoạch, đại dại diện các địa phương sẽ báo cáo, trao đổi về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và Thủ tướng Chính phủ sẽ kết luận Hội nghị.
Theo: qdnd.vn