Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tổ chức đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn”

08:02, 17/02/2012

Thực hiện Chương trình giám sát năm 2012 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong các ngày 15 và 16-2-2012, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã tổ chức đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn” tại Sở NN và PTNT, UBND huyện Xuân Trường. Đoàn giám sát tại Sở NN và PTNT do đồng chí Phạm Hồng Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh làm Trưởng đoàn Giám sát và thành viên là các vị trong Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, đại diện Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh.

Đồng chí Phạm Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh,Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh phát biểu ý kiến kết luận hội nghị.
Đồng chí Phạm Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ,
Chủ tịch HĐND tỉnh,Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh
phát biểu ý kiến kết luận hội nghị.

Tại buổi giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã nghe lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NN và PTNT, Sở KH và ĐT báo cáo về kết quả thực hiện các chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2006-2011 trên địa bàn tỉnh và những ý kiến đề xuất, kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Trong 6 năm qua, từ các nguồn vốn và ngân sách Nhà nước đã đầu tư rất lớn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh ta: Tổng số nguồn vốn ngân sách Nhà nước (giai đoạn 2006-2011) là hơn 9.324 triệu đồng; vốn trái phiếu Chính phủ và công trái giáo dục là hơn 2.472 triệu đồng. Vốn ODA là hơn 1.085 triệu đồng và vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Để phục vụ cho xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các bộ, ngành của Trung ương đã có nhiều nghị định, quyết định và thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đáp ứng được nguyện vọng của các địa phương và nhân dân ở nông thôn. Các chính sách đầu tư công đều đi vào cuộc sống và đã có tác dụng rất lớn trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần tích cực vào việc phục vụ sản xuất, đời sống. Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, khởi sắc và cuộc sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, các chính sách đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn như: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay phần lớn nông dân, các HTXNN chưa tiếp cận được nguồn vốn này. Nghị định 61 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhưng thực tế chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Vì vậy cần phải có các giải pháp và cơ chế đồng bộ, cần tạo điều kiện ưu đãi về cơ sở hạ tầng, về đất đai và vốn thì mới có đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp. Cơ cấu nguồn vốn theo Quyết định số 800 của Thủ tướng Chính phủ còn có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn. Một số tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới quá cao như tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu lao động… Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao, còn trông chờ, ỷ lại vào đầu tư từ ngân sách Nhà nước, còn gây khó khăn trong công tác GPMB thực hiện các dự án đầu tư…

Những đề xuất, kiến nghị của UBND tỉnh đối với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương là: Đề nghị Quốc hội sớm nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai tạo điều kiện cho việc tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá có hiệu quả. Đề nghị Chính phủ tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông thôn, sớm ban hành nghị định về chính sách quản lý đất lúa và có chính sách khuyến khích các địa phương và các hộ nông dân chuyên trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực. Đề nghị Chính phủ tiếp tục duy trì, tăng cường đầu tư cho các chương trình, mục tiêu quốc gia nhất là chương trình xây dựng NTM do nguồn lực trong dân còn mỏng, ngân sách của địa phương không nhiều nên việc đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn rất khó khăn.

Sở NN và PTNT đề nghị Chính phủ sớm giao ổn định diện tích đất lúa cho tỉnh Nam Định, tăng cường đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình sản xuất giống cây trồng, con nuôi, tạo nguồn giống tốt cho nông dân phát triển sản xuất… Sở KH và ĐT đề nghị Trung ương tăng cường hơn nữa vai trò quyết định, giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp, vai trò chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các cấp đối với đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính, đổi mới quản lý, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện đặc thù của từng vùng, từng lĩnh vực, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư từ mọi nguồn lực xã hội…

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc giám sát, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã ghi nhận những nỗ lực và kết quả của các cấp, các ngành, các địa phương đã đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2006-2011 trên địa bàn tỉnh ta, phân tích rõ những hạn chế cần được nhanh chóng khắc phục, sửa chữa và nhấn mạnh một số nội dung cần tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện là: Các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn thực sự vào cuộc sống và phát huy được hiệu quả cao nhất, trong đó cần chú ý tiếp tục đổi mới cơ cấu đầu tư một cách hợp lý, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư công, tổ chức tốt việc kiểm tra, giám sát các hoạt động đầu tư công để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sai phạm trong quản lý đầu tư, tránh thất thoát lãng phí, góp phần thực hiện có hiệu quả, kịp thời các chính sách pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh ta. Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh cũng ghi nhận các ý kiến đề xuất, kiến nghị của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT, Sở KH và ĐT để Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tổng hợp báo cáo với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành của Trung ương nghiên cứu, xem xét và giải quyết.

Ngày 16-2-2012, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ta do đồng chí Nguyễn Anh Sơn, TUV, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh làm trưởng đoàn đã giám sát tại UBND huyện Xuân Trường về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.

Trong giai đoạn 2006-2011, huyện Xuân Trường đã tiếp nhận khá nhiều chương trình, dự án đầu tư phát triển sản xuất và nâng cấp hạ tầng nông nghiệp, nông thôn với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng và đã phát huy hiệu quả tốt trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và cải thiện, nâng cao đời sống của nông dân, làm thay đổi khá toàn diện bộ mặt của nông thôn.

UBND huyện Xuân Trường kiến nghị Quốc hội và Chính phủ: Để vốn đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đạt hiệu quả hơn, Nhà nước cần lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, tuỳ theo mục tiêu hỗ trợ mà có mức hỗ trợ phù hợp để người dân có thể tiếp cận và thực hiện được. Ngoài ra, Quốc hội và Chính phủ cần sớm sửa đổi, bổ sung và ban hành các chính sách về giao đất ổn định lâu dài cho nông dân, về việc tích tụ ruộng đất cho đầu tư phát triển sản xuất hàng hoá…

Tin, ảnh: Phạm Quốc Tuấn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com