Chỉ thị về việc phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2012

08:02, 15/02/2012

Ngày 13-02-2012, UBND tỉnh đã ra Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2012. Nội dung như sau:

Theo thông báo của Bộ NN và PTNT từ đầu năm đến nay dịch cúm gia cầm đã phát sinh tại 4 xã của 4 huyện thuộc các tỉnh Quảng Trị, Thanh Hóa, Sóc Trăng làm 1.683 con gia cầm mắc bệnh chết, số gia cầm buộc phải tiêu hủy là 4.032 con; ngoài ra một số địa phương như Nghệ An, Bạc Liêu, Kiên Giang, Thái Nguyên, Hà Nội bắt đầu có hiện tượng gia cầm mắc bệnh, chết nghi do cúm gia cầm.

Ở tỉnh ta, năm 2011, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản của tỉnh tiếp tục phát triển, sản lượng thịt gia súc, gia cầm tăng 3%, sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng 7,9% so với năm 2010, đã góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi và nuôi trồng thủy sản vẫn xảy ra ở một số hộ, gây thiệt hại và ảnh hưởng tới phát triển chăn nuôi. Chăn nuôi trang trại, gia trại tiếp tục phát triển nhưng tốc độ còn chậm, quy mô nhỏ, quy hoạch thiếu đồng bộ. Trình độ kỹ thuật và quản lý còn thấp, việc ứng dụng công nghệ và các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất còn hạn chế. Năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo.

Để phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn dịch bệnh, có khả năng cạnh tranh, đảm bảo tốc độ tăng trưởng phù hợp và đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các ngành có liên quan triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và người dân để nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa trong quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn. Tiếp tục chỉ đạo quy hoạch vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung, kỹ thuật tiên tiến gắn với quy hoạch các cơ sở giết mổ, chế biến. Chỉ đạo chuyển đổi chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại; chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp theo hướng giảm giá trị sản xuất ngành trồng trọt, tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của ngành nông nghiệp.

2. Tập trung đầu tư ứng dụng mạnh mẽ công nghệ sinh học, công nghệ cao vào sản xuất nhằm tạo sản phẩm có chất lượng tốt, tính cạnh tranh cao và phát huy được tiềm năng lợi thế của từng vùng để vừa tạo thương hiệu cho sản phẩm phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, vừa đảm bảo ổn định kinh tế chính trị xã hội.

3. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính… để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng các cơ sở giống, chế biến thức ăn, giết mổ gia súc, gia cầm nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, tiềm năng về lao động của tỉnh.

4. Kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ quản lý ngành chăn nuôi từ tỉnh đến cơ sở để đảm bảo địa phương có đủ nhân lực, thực hiện tốt công tác quản lý và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Kiên quyết không để thiếu cán bộ chuyên ngành chăn nuôi ở cấp huyện.

5. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác thú y phòng chống và dập dịch kịp thời nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh cho động vật, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản:

5.1. Củng cố, duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Ban chỉ đạo sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản các cấp từ tỉnh đến cơ sở, phân công thành viên Ban chỉ đạo phụ trách từng vùng, miền và lĩnh vực cụ thể để kiểm tra, đôn đốc cơ sở thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản;

5.2. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thực hiện tốt quy trình vệ sinh phòng bệnh, đặc biệt áp dụng biện pháp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học. Chọn mua con giống khỏe mạnh, không nhiễm bệnh ở những cơ sở có uy tín, có đủ điều kiện sản xuất kinh doanh và được cơ quan thú y kiểm dịch. Cải tạo tốt ao đầm trước khi thả nuôi để loại bỏ các tác nhân gây bệnh; xử lý nguồn nước trước khi đưa vào ao nuôi; giữ môi trường ao nuôi không bị ô nhiễm; định kỳ phòng bệnh cho các đối tượng nuôi. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, báo cáo và xử lý dịch bệnh kịp thời;

5.3. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm năm 2012 theo kế hoạch của UBND tỉnh và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn (vụ xuân vào tháng 2, 3; vụ thu vào tháng 8, 9; tiêm phòng bổ sung hằng tháng cho đàn vật nuôi mới phát sinh). Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp nhằm bảo vệ và phát triển sản xuất chăn nuôi;

5.4. Xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu tiêm phòng bắt buộc về số lượng gia súc, gia cầm phải tiêm cho từng xã, phường, thị trấn. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức triển khai tiêm phòng đồng loạt nhằm đảm bảo nhanh gọn, đúng thời gian, để phát huy tối đa hiệu quả của vắc xin; thực hiện tiêm điểm ở diện hẹp để rút kinh nghiệm trước khi tổ chức tiêm đại trà và chịu trách nhiệm về kết quả tiêm phòng của địa phương mình;

5.5. Chỉ đạo làm tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; tăng cường công tác kiểm tra giám sát phát hiện dịch bệnh nhằm báo cáo và xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh phát sinh không để dịch lây lan ra diện rộng.

5.6. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm các quy định về tiêm phòng vắc xin, kiểm dịch động vật, kinh doanh thuốc thú y và các quy định khác về phòng chống dịch bệnh động vật.

6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao:
6.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tổng kết, đánh giá công tác chăn nuôi, trên cơ sở đó tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng đề án phát triển chăn nuôi đến năm 2020; xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản năm 2012; phối hợp với UBND các huyện, thành phố chủ động công tác phòng và dập dịch.

- Chỉ đạo Chi cục Thú y cung ứng đầy đủ kịp thời các loại vắc xin và vật tư đảm bảo chủng loại, chất lượng cho các địa phương; tổ chức tập huấn kỹ thuật cho lực lượng tham gia tiêm phòng; tăng cường công tác quản lý nhằm phát hiện và xử lý nghiêm kịp thời các trường hợp vi phạm trong sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng và phòng chống dịch bệnh.

6.2. Sở Y tế: Chỉ đạo các cơ sở y tế trong tỉnh phối hợp với Sở NN và PTNT xây dựng kế hoạch xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh gia súc, gia cầm lây sang người, theo dõi diễn biến sức khỏe, bảo đảm an toàn cho những người tham gia tiêm phòng, dập dịch và sức khỏe cộng đồng.

6.3. Sở Tài chính: Bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời cho công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, thủy sản năm 2012; hướng dẫn Sở NN và PTNT tổ chức mua sắm vắc xin, dụng cụ, vật tư phục vụ tiêm phòng theo đúng quy định.

6.4. Các ngành Công an, Công thương,  Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các tổ chức đoàn thể với chức năng nhiệm vụ của mình phối kết hợp với ngành NN và PTNT tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung trên.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan quán triệt thực hiện tốt các nội dung trên, thường xuyên báo cáo kết quả và những vấn đề phát sinh về UBND tỉnh (qua Sở NN và PTNT) để có biện pháp chỉ đạo kịp thời./.

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Viết Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com