Trong các ngày 30-12-2011 và 3-1-2012, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã tổ chức Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng tại Sở LĐ-TB và XH, huyện Nghĩa Hưng và khảo sát thực tế tại xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng). Đoàn giám sát do đồng chí Nguyễn Anh Sơn, TUV, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh làm trưởng đoàn.
Tại Sở LĐ-TB và XH, lãnh đạo sở đã báo cáo với Đoàn giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh từ năm 2005-2011. Tỉnh ta có số người có công với cách mạng rất lớn, với trên 3,6 vạn liệt sỹ (trong đó có gần 14 nghìn thân nhân liệt sỹ đang hưởng trợ cấp tuất), 1.240 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 2,5 vạn thương binh và 1,4 vạn bệnh binh; 530 cán bộ lão thành cách mạng và tiền khởi nghĩa, gần 1.500 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, trên 10 nghìn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học… Việc giải quyết chính sách ưu đãi đối với người có công từ năm 2005 đến nay được thực hiện đúng quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định số 54 của Chính phủ. Sở LĐ-TB và XH đã tuyên truyền sâu rộng nội dung các văn bản, hướng dẫn để các cấp, các ngành và nhân dân hiểu rõ, cùng phối hợp triển khai thực hiện nhằm góp phần giải quyết kịp thời, chính xác các chế độ chính sách của Nhà nước đã ban hành tại địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công còn một số tồn tại: Sự phối hợp của các cấp, các ngành tại địa phương trong việc tham gia xác nhận đối tượng chưa chặt chẽ, lực lượng cán bộ làm công tác giải quyết chính sách người có công ở các cấp còn mỏng, không được đào tạo cơ bản, nhận thức của một số đối tượng người có công còn hạn chế, có đối tượng đề nghị giải quyết chính sách không đúng với quy định của Nhà nước…
Sở LĐ-TB và XH kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, chế độ chính sách với người có công cho phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại huyện Nghĩa Hưng, lãnh đạo UBND huyện đã báo cáo với đoàn giám sát kết quả thực hiện chính sách pháp luật về người có công với cách mạng trên địa bàn huyện từ năm 2005-2011. Huyện Nghĩa Hưng có trên 3.000 liệt sỹ, 79 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 3.100 thương, bệnh binh và trên 1.400 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, điôxin… Những năm qua, huyện đã tổ chức thực hiện tốt chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng. Tập trung giải quyết trên 5.000 lượt người, truy tặng 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, truy tặng 11 liệt sỹ, giải quyết 356 trường hợp thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, giải quyết chế độ chính sách cho 129 thanh niên xung phong và 1.865 người bị nhiễm chất độc hoá học… Từ năm 2006 đến nay, huyện đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 95 nhà ở cho người có công có khó khăn về nhà ở với số tiền hỗ trợ 773 triệu đồng, trong đó xây mới 20 nhà… Huyện đề nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan khi ban hành các văn bản về chế độ, chính sách với người có công cần đồng bộ, có văn bản hướng dẫn quy định cụ thể, rõ đối tượng, điều kiện và các chế độ, trợ cấp để địa phương thực hiện thuận lợi…
Tại các buổi giám sát, đoàn giám sát đã trao đổi với lãnh đạo Sở LĐ-TB và XH và UBND huyện Nghĩa Hưng một số nội dung cần được làm rõ trong việc đánh giá tình hình thực hiện chính sách pháp luật về người có công trên địa bàn, nhất là những bài học kinh nghiệm, những khó khăn, vướng mắc cần được tiếp tục tháo gỡ và những giải pháp để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Chiều ngày 3-1-2012, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã đi khảo sát thực tế tại xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng), đến thăm và tặng quà 2 bà mẹ liệt sỹ là mẹ Bùi Thị Rong, 82 tuổi ở thôn Hanh Thụ và mẹ Bùi Thị Rện, 83 tuổi ở thôn Hưng Đạo./.
Nghĩa Châu