Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Tuấn tại kỳ họp

09:12, 09/12/2011

BÀI PHÁT BIỂU

Của đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ,
Chủ tịch UBND tỉnh tại kỳ họp

Kính thưa:

- Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ;
- Chủ toạ kỳ họp;
- Thưa các vị đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu HĐND tỉnh và các vị đại biểu tham dự kỳ họp;
- Thưa toàn thể nhân dân.

Trước hết, thay mặt UBND tỉnh, tôi cảm ơn các vị đại biểu HĐND tỉnh đã đánh giá, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành trong năm 2011 và quan tâm đến những nội dung kiến nghị, chất vấn. Tôi xin tiếp thu đồng thời làm rõ một số nội dung lớn sau đây:

I. VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, ĐẢM BẢO AN NINH QUỐC PHÒNG NĂM 2011:

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, cùng với thuận lợi, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn do lạm phát tăng cao, thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại cho sản xuất... Song dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự giám sát chặt chẽ của HĐND, sự chỉ đạo tập trung, năng động, quyết liệt của chính quyền các cấp, sự phối hợp thường xuyên tích cực của MTTQ và các đoàn thể, cùng sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, của quân và dân trong tỉnh; chúng ta đã giành thắng lợi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh: Hoàn thành 100% các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, một số chỉ tiêu đạt cao nhất từ trước đến nay. Phát triển kinh tế hài hoà với phát triển và đảm bảo phúc lợi xã hội, thực hiện kịp thời chính sách, chế độ cho các đối tượng chính sách. Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đứng đầu cả nước về số tốt nghiệp trung học, thi học sinh giỏi và thi vào các trường đại học, cao đẳng công lập. Nổi bật là các lĩnh vực cụ thể sau:

1. Về kết quả thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội:

Quán triệt tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ, ngay từ những ngày đầu năm UBND tỉnh đã quyết định chỉ đạo tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố với số tiền là 45,204 tỷ đồng.

Ban hành các quyết định đình hoãn, chưa khởi công 16 công trình trong kế hoạch năm 2011 chưa cấp thiết.

Tăng nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội:

- Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với 11.814 hộ nghèo được vay vốn (bao gồm cả vay sản xuất), với số tiền là 176,841 tỷ đồng;

- Giúp 8.632 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, với tổng kinh phí là 260,833 tỷ đồng;

Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã hỗ trợ 2.396 hộ có nhà ở ổn định, an toàn, góp phần xoá đói, giảm nghèo bền vững, với số tiền là 17,25 tỷ đồng.

Tổng số lao động được giải quyết việc làm mới khoảng 30 ngàn lượt người, trong đó xuất khẩu lao động 2.760 người. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã mở 262 lớp với tổng số 8.848 lao động; trong đó có 3.135 lao động tại 83/96 xã xây dựng NTM. Qua điều tra, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt trên 75% với mức thu nhập từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng; vượt mục tiêu Đề án 1956 của Chính phủ đề ra.

Công tác quản lý thị trường được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Đã tổ chức nhiều đoàn liên ngành kiểm tra, thanh tra giá những mặt hàng thiết yếu; nhất là xăng dầu, thuốc tân dược, vật tư nông nghiệp, lương thực, thực phẩm, hàng giả, kém chất lượng không rõ nguồn gốc... không để tăng giá đột biến gây khó khăn cho sản xuất và tiêu dùng. Do đó, chỉ số tăng giá trên địa bàn thấp hơn bình quân của cả nước. Hỗ trợ lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp 70 tỷ đồng, góp phần làm giảm khó khăn cho doanh nghiệp.

2. Về đầu tư xây dựng cơ bản:

- Công tác GPMB được các cấp, các ngành và nhân dân đặc biệt quan tâm, hành động kiên quyết, quyết liệt có hiệu quả.

- Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội năm 2011 khoảng 15.000 tỷ đồng, tăng 25% so với 2010 (trong đó tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách tỉnh quản lý là 3.777 tỷ đồng).

- Đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 129 công trình (trong đó 106 công trình đã quyết toán và 23 công trình chưa quyết toán). Trong khoảng từ ngày 10 đến 15-1-2012 chúng ta tổ chức thông xe, khánh thành đường 21, đường 490C từ Nam Định đến Thịnh Long.

3. Về xây dựng nông thôn mới:

Tỉnh ta đã quyết định 96 xã thí điểm xây dựng NTM đạt 47% tổng số xã (TW giao 20%). Tuy mới triển khai, thời gian chưa nhiều, nhưng đã đạt được một số kết quả ban đầu phấn khởi.

- Đường giao thông nông thôn: Xây mới và cải tạo, nâng cấp được 510km (trong đó đường trục chính nội đồng là 216km), với tổng kinh phí 306,6 tỷ đồng; nhân dân đã hiến đất làm đường giao thông và công trình thuỷ lợi nội đồng khoảng 100ha. Việc này, được thể hiện rõ hơn ở một số huyện phía nam tỉnh.

- Các công trình thuỷ lợi:

Đầu tư xây dựng, nâng cấp được 3.371 cống, đập, trạm bơm (trong đó: 13 cống qua đê; 312 cống, đập cấp II, 2.947 cống, đập cấp III; 99 trạm bơm).

Nạo vét được 2.279,7km kênh (trong đó: 65,1km kênh cấp I; 443km kênh cấp II; 1.756,6 kênh cấp III); tổng khối lượng đào đắp là 3,6 triệu m3.

- Sau khi tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn, ngành điện đã hoàn thành cải tạo lưới điện hạ thế giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng; trong đó đã đầu tư xây dựng thêm 413 trạm biến áp mới, đưa tổng số trạm tăng 1,5 lần so với trước khi tiếp nhận. Hiện nay, đã xây xong, đưa vào vận hành 301 trạm; còn 112 trạm đang thi công, sẽ hoàn thành và đóng điện trước Tết Nguyên đán Nhâm Nhìn 2012.

- Trường học: Đầu tư xây dựng mới và cải tạo 696 phòng học với tổng mức đầu tư là 241,5 tỷ đồng (trong đó: xây mới 626 phòng; cải tạo, nâng cấp 70 phòng).

- Đầu tư xây dựng hạ tầng văn hóa:

Xây mới và cải tạo, nâng cấp 66 nhà văn hoá xã, nhà văn hoá thôn, xóm với kinh phí hỗ trợ là 16,8 tỷ đồng (trong đó xã 13, thôn, xóm 53).

Xây mới và cải tạo, nâng cấp 142 khu thể thao xã, khu thể thao thôn, xóm với kinh phí hỗ trợ là 22,5 tỷ đồng (trong đó xã 7, thôn, xóm 135).

- Chợ nông thôn: Đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp 32 chợ với kinh phí hỗ trợ là 11,2 tỷ đồng (trong đó: xây mới 8; cải tạo, nâng cấp 24).

- Trạm y tế xã: Cải tạo nâng cấp 20 trạm với kinh phí hỗ trợ là 10 tỷ đồng. Đầu tư trang thiết bị cho 196 trạm với kinh phí hỗ trợ là 3,92 tỷ đồng.

- Trụ sở xã: Xây mới, cải tạo, nâng cấp 20 trụ sở với kinh phí hỗ trợ là 36,1 tỷ đồng.

- Về vệ sinh môi trường: Xây mới 6 công trình cấp nước tập trung với kinh phí là 203 tỷ đồng; xây mới 28 bãi chôn lấp, xử lý rác thải với kinh phí hỗ trợ là 24,026 tỷ đồng.

- Tổng số kinh phí bằng các nguồn vốn hỗ trợ 96 xã, thị trấn xây dựng nông thôn mới năm 2011 là 246,296 tỷ đồng.

4. Xây dựng Thành phố Nam Định trở thành thành phố loại I trực thuộc tỉnh từng bước xây dựng thành phố trung tâm Nam đồng bằng sông Hồng:

Bằng cố gắng vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, cùng với sự giúp đỡ của các sở, ngành, các huyện, các bộ, Thành phố Nam Định có nhiều tiến bộ mới và được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận.

- Ngày 22-11-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2084/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố Nam Định đến năm 2025, xác định “Thành phố Nam Định là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và xã hội của vùng Nam đồng bằng sông Hồng”.

- Ngày 28-11-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2106/QĐ-TTg công nhận Thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, về đích trước thời gian 4 năm. Như vậy, thành phố chúng ta đã đứng trong tốp 13 đô thị lớn của cả nước.

Trong năm 2011, đã đầu tư xây dựng một số công trình điểm nhấn với tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng (chưa bao gồm dự án WB). Hoàn thành thảm bê tông nhựa một số tuyến đường nội thành như: đường Hưng Yên, đường Vỵ Xuyên, đường Hai Bà Trưng, đường Phạm Hồng Thái, đường Nguyễn Bính; thi công xong nút giao thông Lộc An, Lộc Hoà, trạm bơm Quán Chuột và một số tuyến cống thoát nước thuộc dự án WB...

Cơ bản hoàn thành một số hạng mục công trình cải tạo nâng cấp thảm nhựa đường Phù Nghĩa; nâng cấp, cải tạo và mở rộng công viên Vỵ Xuyên, kênh T3-11...

Đang tập trung thi công đường nối từ đường Đông A đến đường Trần Hưng Đạo, đường Trần Thánh Tông (Bốt Đỏ - Phù Nghĩa), đường Giải Phóng, thảm một số tuyến đường nội thành: Trần Huy Liệu, Hùng Vương, Trần Quang Khải, Hoàng Hoa Thám, Mạc Thị Bưởi và một số công trình phục vụ công tác chỉnh trang, trang trí đô thị...

5. Về an ninh - quốc phòng:

- Phối hợp chặt chẽ với Quân khu 3 tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Nam Định năm 2011. Trong thời gian ngắn đã cơ động chuyển toàn bộ các cơ quan của tỉnh về nơi sơ tán đảm bảo bí mật, Thành phố Nam Định diễn tập thành công thực hiện lệnh thiết quân luật, phòng chống bạo loạn, Công an tỉnh giải thoát con tin. Các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng huy động tàu thuyền bảo vệ biển đảo đạt kết quả tốt.

- Giữ vững an ninh quốc phòng, đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn, an toàn xã hội đạt kết quả tốt.

II. VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2012:

Năm 2012 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, thực hiện 7 Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh uỷ; là năm tiếp tục thực hiện các giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Chúng ta tiếp tục huy động mọi nguồn lực, nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển; phấn đấu tăng trưởng kinh tế hợp lý đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp, xây dựng 37,4%; Dịch vụ 34,0%; Nông, lâm, thuỷ sản 28,6%...

Để thực hiện tốt mục tiêu trên, các cấp, các ngành tập trung cao một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11/NQ-CP và Kế hoạch số 07/KH-UBND về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội:

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các nguyên vật liệu quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
- Thực hành tiết kiệm chi, chú trọng thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách với các đối tượng chính sách.

- Huy động mọi nguồn lực, tập trung cho đầu tư phát triển, kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tập trung vốn cho các công trình dự án cấp thiết, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả. Ưu tiên các công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, các công trình cần thiết phải hoàn thành trong năm 2012, vốn đối ứng ODA và các công trình có khả năng hoàn thành trong năm 2013 góp phần chống khủng hoảng nợ công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường kiểm tra các chủ đầu tư trong việc thực hiện các quy định về quản lý đầu tư, lựa chọn nhà thầu; xử lý nghiêm những trường hợp cố tình lựa chọn nhà thầu năng lực kém dẫn đến tiến độ triển khai thực hiện chậm, chất lượng công trình không đảm bảo.

- Hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao đầu tư vào tỉnh, các doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, các đơn vị sản xuất giống trong nông nghiệp… Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Tích cực tranh thủ sự đồng tình, giúp đỡ toàn diện của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để tạo vốn cho đầu tư phát triển.

- Nâng cao chất lượng công tác cải cách thủ tục hành chính, liên thông thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao ở tất cả các lĩnh vực. Làm tốt hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, phấn đấu đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh.

2. Về xây dựng nông thôn mới:

Tiếp tục thúc đẩy tiến độ chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 tại 96 xã, thị trấn trong tỉnh. Ngân sách tỉnh dành khoảng 257.000 triệu đồng, lớn hơn năm 2011, đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tỉnh sẽ cấp hỗ trợ theo tiến độ huy động vốn và tiến độ xây dựng công trình. Trong chỉ đạo điều hành phải chống khuynh hướng nóng vội, đồng thời cũng phải chống khuynh hướng chờ đợi, trông chờ vào cấp trên, phải xác định chủ thể xây dựng nông thôn mới là nông dân với sự quyết liệt, sáng tạo của cán bộ xã, lãnh đạo huyện, thành phố, có sự hỗ trợ của Nhà nước và các doanh nghiệp. Những việc cần làm ngay là:

- Rà soát các loại quy hoạch xây dựng nông thôn mới bảo đảm tính thống nhất, phù hợp của các quy hoạch, đảm bảo tính khả thi, nhất là quy hoạch quản lý và sử dụng đất có hiệu quả.

- Tập trung cao cho kế hoạch dồn điền đổi thửa. Coi dồn điền đổi thửa là tiền đề quyết định sự nghiệp xây dựng nông thôn mới. Phải dồn điền đổi thửa theo quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với làm thủy lợi và giao thông đồng ruộng, hình thành được vùng sản xuất cây chuyên canh, vùng chuyển đổi, để thuận lợi cho tưới tiêu, đưa cơ khí vào sản xuất giảm bớt lao động nặng nhọc cho nông dân, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao hiệu quả trên ha canh tác. Dồn đất công vào một số vùng để quản lý và sử dụng có hiệu quả.

- Lựa chọn các dự án theo hướng tập trung cho sản xuất và các công trình phúc lợi theo phương châm làm từ đồng về làng, từ các hộ ra xóm, thôn lên xã, xây mới kết hợp với sửa chữa, nâng cấp các công trình hiện có, tránh tư tưởng bỏ cũ làm mới hoàn toàn. Có giải pháp huy động vốn và sử dụng vốn hỗ trợ của các cấp ngân sách có hiệu quả để chuyển dịch cơ cấu sản xuất nâng cao thu nhập cho nông dân.

- Tăng cường đào tạo nghề, phát triển làng nghề, kêu gọi các doanh nghiệp về nông thôn đầu tư sản xuất góp phần giải quyết lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường.

- Chú trọng củng cố, xây dựng các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch vững mạnh, phân công các đoàn thể một số việc cụ thể, xây dựng đời sống văn hóa, tuyên truyền các hộ dân tham gia thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng NTM.

- Các huyện, xã chưa làm tốt cần đến nghiên cứu những bài học rút ra của các xã Hải Toàn, Hải Đường, huyện Hải Hậu và xã Nghĩa Sơn huyện Nghĩa Hưng để thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM trong năm 2012 và những năm tiếp theo.

- Nâng cao tinh thần trách nhiệm và quyết tâm, tính năng động, sáng tạo của tất cả các cấp các ngành, của cả hệ thống chính trị.

3. Về xây dựng Thành phố Nam Định thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng:

Tập trung triển khai công tác quản lý quy hoạch, từng bước thực hiện quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đẩy mạnh tiến độ thi công các dự án điểm nhấn, chỉnh trang đô thị, trước mắt hoàn thành công trình điểm nhấn, thoát nước, vệ sinh môi trường, xây dựng tuyến phố văn minh, các khu vui chơi, giải trí… Tăng cường công tác quản lý đô thị, có các biện pháp tuyên truyền vận động nhân dân chung sức xây dựng thành phố trung tâm vùng, làm chuyển biến nhận thức và tinh thần xây dựng đô thị loại I của toàn dân .

4. Duy trì thành tích cao của ngành GD và ĐT. Đổi mới các hoạt động văn hóa, tuyên truyền phục vụ thiết thực nhiệm vụ chính trị của địa phương và đáp ứng yêu cầu sinh hoạt văn hóa - thể dục thể thao của nhân dân. Tích cực chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định. Đón nhận khen cao của Đảng và Nhà nước, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Thành phố Nam Định là đô thị trực thuộc tỉnh và Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII - 2014.

5. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân kết hợp với xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh. Xây dựng các lực lượng vũ trang, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên và lực lượng an ninh cơ sở. Hoàn thành nhiệm vụ tuyển quân năm 2012. Tăng cường đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm an toàn giao thông giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tích cực phòng chống tham nhũng, tập trung cao cho công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhất là các vụ việc kéo dài theo luật. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý những phát sinh ngay từ cơ sở bằng các biện pháp hòa giải, đối thoại.

III. VỀ Ý KIẾN CỦA CÁC CỬ TRI:

Những vấn đề tôi trình bày trên đã bao hàm cơ bản nội dung câu hỏi của các đại biểu HĐND và cử tri toàn tỉnh. Đồng thời các vị đại biểu HĐND tỉnh và cử tri đã nghe các đồng chí lãnh đạo các sở, ngành trả lời chất vấn.

Riêng đề nghị của một số cử tri huyện Hải Hậu về hỗ trợ đền bù tài sản từ 1995 trở về trước; việc này UBND tỉnh đã trả lời nhiều lần, nay tôi trả lời lần cuối cùng là: Chính sách hỗ trợ đền bù GPMB của Nhà nước không có "hồi tố".

Về mức hỗ trợ cho cán bộ các đoàn thể cơ sở đã trình HĐND tỉnh là sự quan tâm riêng của tỉnh ngoài chế độ của Nhà nước và phù hợp với cân đối ngân sách của tỉnh, là sự đón trước mức tăng lương của Nhà nước vào năm 2012. Các chức danh kiêm nhiệm sẽ được xem xét trong năm 2012.

Về tuyển dụng cán bộ tốt nghiệp đại học chính quy về xã, phường công tác, chúng ta kiên trì thực hiện nghiêm Nghị quyết 08 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; yêu cầu lãnh đạo các xã, phường, các huyện, thành phố phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho cán bộ công tác tốt.

Đối với Đề án Dân quân tự vệ, theo luật thì các khoản chi được tính theo mức của các bộ hướng dẫn. Số cụ thể đã báo cáo các vị đại biểu, đây là cơ sở báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính để cân đối ngân sách cho tỉnh hàng năm; thực hiện Luật Dân quân tự vệ trong phạm vi được cân đối hàng năm từ ngân sách Trung ương cho ngân sách tỉnh.

Những nội dung khác UBND tỉnh tiếp thu và phân loại theo thẩm quyền giải quyết như sau:

1. Những nội dung thuộc thẩm quyền Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương UBND tỉnh sẽ báo cáo lên các cơ quan liên quan.

2. Những nội dung thuộc thẩm quyền của các sở, ngành; UBND tỉnh giao các sở, ngành trả lời bằng văn bản đến các đoàn đại biểu HĐND tỉnh để trả lời các cử tri và trực tiếp giải quyết.

3. Những nội dung thuộc thẩm quyền UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố giải quyết theo luật định và chế độ chính sách.

Kính thưa:

- Chủ tọa kỳ họp!
- Các vị đại biểu!

Thay mặt UBND tỉnh, một lần nữa tôi xin cảm ơn sự quan tâm của các vị đại biểu HĐND và cử tri toàn tỉnh. Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ban, ngành và các đơn vị thực hiện nghiêm những Nghị quyết kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XVII đề ra.

Kính chúc các đồng chí và các vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc.
Chúc kỳ họp thành công tốt đẹp.
Xin cảm ơn./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com