* Thảo luận dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi
Ngày 11-11, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ 17, các đại biểu làm việc tại hội trường, thảo luận dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi; biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2012 và bốn dự án luật, gồm: Luật Lưu trữ, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Ðo lường.
Các đại biểu Quốc Hội thảo luận tại hội trường. |
Ðầu giờ làm việc buổi sáng, các đại biểu nghe Ủy ban Thường vụ QH trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và dự thảo Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2012. Theo dự thảo Nghị quyết, trong năm 2012, QH sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; xem xét báo cáo công tác của các cơ quan của QH, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu QH đối với thành viên Chính phủ; giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai.
QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2012, với 424 đại biểu tán thành, bằng 84,80% tổng số đại biểu QH.
Tiếp đó QH thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG). Ða số ý kiến tán thành việc ban hành luật này, nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý, bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, giảm thiểu rủi ro đối với hệ thống ngân hàng, nâng cao niềm tin của người dân với hệ thống tài chính. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đưa ra nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện dự thảo luật liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước đối với BHTG, các loại hình BHTG, mô hình hoạt động của tổ chức BHTG.
Ðề cập đối tượng áp dụng của luật, nhiều ý kiến tán thành quy định của dự thảo luật chỉ BHTG của người gửi tiền là cá nhân vì đây là đối tượng cần được bảo hiểm. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, cần mở rộng đối tượng được BHTG là các loại hình doanh nghiệp, các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các khoản quỹ hoạt động nhân đạo, từ thiện và các hộ gia đình.
Quy định đối với loại tiền gửi được bảo hiểm thu hút nhiều đại biểu tham gia, góp ý kiến. Một số đại biểu cho rằng, dự thảo luật quy định không BHTG đối với ngoại tệ là không hợp lý. Thực tế hiện nay, việc gửi vàng, ngoại tệ đang được thực hiện tại nhiều ngân hàng và các tổ chức tín dụng và là nguồn lực lớn đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách bảo hiểm đối với các loại tài sản này, nhưng cần quy đổi ra đồng tiền Việt Nam. Ðiều này nhằm tránh những bất cập của thị trường vàng, ngoại tệ và thu hút nguồn lực lớn từ vàng, ngoại tệ trong dân phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các đại biểu: Phan Văn Quý (Nghệ An), Nguyễn Anh Sơn (Nam Ðịnh) cho rằng, dự luật quy định chỉ BHTG đối với tiền đồng Việt Nam là phù hợp xu thế chung của thế giới. Thực tế nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới có nền kinh tế phát triển với hệ thống ngân hàng vững chắc cũng không bảo hiểm đổi đối với vàng và ngoại tệ.
Về hoạt động quản lý nhà nước đối với tổ chức BHTG, đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) và một số đại biểu khác cho rằng, trước mắt có thể để Chính phủ thành lập tổ chức BHTG, Ngân hàng Nhà nước quản lý về nghiệp vụ. Tuy nhiên, về lâu dài nên để tổ chức BHTG hoạt động độc lập không nên thuộc Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước và sự minh bạch cũng như hiệu quả hoạt động của BHTG sẽ được kiểm tra, giám sát thông qua Kiểm toán Nhà nước. Nhiều đại biểu đồng tình với mô hình hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận của tổ chức BHTG, nhưng đề nghị cần có hình thức bảo hiểm đối với chính hoạt động của tổ chức BHTG. Ðại biểu Ðặng Xuân Huy (Ðồng Tháp) cho rằng, BHTG là hoạt động tài chính, nhưng tổ chức BHTG hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận có thể gây rủi ro cho tổ chức BHTG.
Cùng với những nội dung nói trên, các đại biểu cũng góp ý kiến đối với quyền và trách nhiệm của người được BHTG, hạn mức trả tiền bảo hiểm...
Buổi chiều, QH tiến hành thông qua bốn dự án luật, gồm: Luật Lưu trữ, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Ðo lường.
QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý ba dự án luật là: Luật Lưu trữ, Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo, trong đó nêu rõ các ý kiến của đại biểu QH trong các phiên thảo luận về các dự án luật nói trên, những ý kiến được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo luật và những vấn đề Ủy ban Thường vụ QH đề nghị được giữ nguyên như dự thảo trình QH. Trên cơ sở đó, QH đã lần lượt biểu quyết thông qua một số điều, khoản cụ thể của các dự thảo luật, rồi biểu quyết thông qua toàn bộ các dự thảo luật này.
Dự thảo Luật Lưu trữ, sau khi đã được tiếp thu, chỉnh lý có bảy chương, 42 điều. QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật này với 435 đại biểu tán thành, bằng 87% tổng số đại biểu QH.
Dự thảo Luật Khiếu nại có tám chương, 70 điều, được QH biểu quyết thông qua với 434 đại biểu tán thành, bằng 86,8% tổng số đại biểu QH.
Dự thảo Luật Tố cáo có tám chương, 50 điều, được QH biểu quyết thông qua với 434 đại biểu tán thành, bằng 86,8% tổng số đại biểu QH.
Tiếp đó, QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Ðo lường. Sau khi đã tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Ðo lường có chín chương, 58 điều, được QH biểu quyết thông qua với 430 đại biểu tán thành, bằng 86% tổng số đại biểu QH.
Theo: nhandan.com.vn