* Thảo luận ba dự án luật
Ngày 9-11, ngày làm việc thứ 15, kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII. Buổi sáng, các đại biểu làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua ba nghị quyết, đó là: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; Nghị quyết về kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015; Nghị quyết về kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 và thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Buổi chiều, các đại biểu làm việc ở tổ, thảo luận các dự án: Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Các đại biểu QH thảo luận tại hội trường. |
Mở đầu phiên họp buổi sáng, QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và Ủy viên Ðoàn Thư ký kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Phúc đọc dự thảo nghị quyết nói trên. Trên cơ sở đó, QH đã biểu quyết thông qua mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2012 gồm: Năm chỉ tiêu kinh tế, sáu chỉ tiêu xã hội, ba chỉ tiêu môi trường. Mục tiêu tổng quát là: Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Năm 2012, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6% - 6,5%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ giảm hộ nghèo 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 79%... Trên cơ sở này, QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ nghị quyết nói trên với 452 đại biểu tán thành, bằng 90,4% tổng số đại biểu QH.
Trước khi thông qua Nghị quyết về kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015, QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về kế hoạch nói trên và nghe Ủy viên Ðoàn Thư ký kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH Ðinh Văn Nhã đọc dự thảo nghị quyết này. Với 445 đại biểu tán thành, bằng 89% tổng số đại biểu, QH đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, tổng mức đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015 không quá 225.000 tỷ đồng.
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và Phó Chủ nhiệm Ủy ban này, Ðinh Văn Nhã đọc dự thảo, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 với 410 đại biểu tán thành, bằng 82% tổng số đại biểu QH. Theo nghị quyết, giai đoạn 2011 - 2015 có 16 chương trình mục tiêu quốc gia; tổng mức kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 không quá 276.372 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách trung ương là 105.392 tỷ đồng (chưa bao gồm số đã phân bổ cho chương trình 135 giai đoạn 3 và chương trình 30a năm 2011), ngân sách địa phương là 61.542,5 tỷ đồng, vốn ngoài nước là 19.987,5 tỷ đồng; vốn tín dụng là 39.815 tỷ đồng và vốn huy động khác là 49.635 tỷ đồng.
Thời gian làm việc còn lại của buổi sáng, QH đã thảo luận dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Các ý kiến phát biểu đều nhất trí về sự cần thiết ban hành luật này và những nội dung cơ bản của dự thảo luật. Tuy nhiên, các đại biểu QH đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể vào nhiều vấn đề của dự thảo luật. Trước hết là về phạm vi điều chỉnh. Một số ý kiến tán thành không đưa nước nóng, nước khoáng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của luật này, nhưng đề nghị đưa nước biển ven bờ vào phạm vi điều chỉnh của luật này (Huỳnh Văn Tiếp - Cần Thơ). Ðại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị luật này điều chỉnh cả tài nguyên nước thuộc vùng biển Việt Nam và cần được bảo vệ như nước trên đất liền. Một số ý kiến đề nghị phân cấp thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước đến cấp huyện. Một số ý kiến đề cập vấn đề tài chính về tài nguyên nước và tán thành việc thu thuế tài nguyên nước, nhưng đề nghị không nên thu thuế đối với trường hợp khai thác mặt nước nuôi trồng thủy sản quy mô lớn. Nếu thu thì Nhà nước cần có chính sách miễn giảm thời gian đầu khai thác. Một số ý kiến đề nghị làm rõ một số khái niệm và chỉnh sửa câu chữ trong dự thảo luật.
Buổi chiều, QH thảo luận tổ về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; và dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền.
Phần lớn ý kiến phát biểu đồng tình với nội dung Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH về sự cần thiết phải ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL). Khoa học đã chứng minh, ước tính hằng năm Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, người hút thuốc phải chi hàng chục nghìn tỷ đồng để mua thuốc lá, hàng nghìn tỷ đồng cho việc khám bệnh, chữa bệnh do hút thuốc lá gây ra... Nhiều đại biểu quan tâm về nội dung xử lý vi phạm quy định cấm hút thuốc lá và đề nghị, để bảo đảm tính khả thi của quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn (Ðiều 9) và địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá (Ðiều 10) cần quy định chi tiết, cụ thể hơn về thẩm quyền và quy trình xử lý vi phạm. Chung quanh quy định quyền và trách nhiệm của người đứng đầu địa điểm cấm hút thuốc lá (Ðiều 13), nhiều đại biểu cho rằng, nội dung vẫn còn chung chung, rất khó để khắc phục tình trạng hút thuốc tràn lan như hiện nay. Việc quy định người đứng đầu địa điểm cấm hút thuốc lá có quyền yêu cầu chấm dứt việc hút thuốc lá, yêu cầu người vi phạm ra khỏi cơ sở của mình và thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý... lâu nay chưa được thực thi đầy đủ.
Một số ý kiến băn khoăn việc ban hành Luật PCTHTL có thể làm tăng tình trạng buôn lậu thuốc lá. Bởi vì, hiện nay, tình trạng buôn lậu thuốc lá diễn ra ở nhiều địa phương, qua nhiều năm và liên quan nhiều yếu tố như kiểm soát biên giới chưa đủ mạnh, nguồn lực hạn chế, chính sách khác nhau giữa các nước trong khu vực... Việc PCTHTL và công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá cần thực hiện song song mới mang lại hiệu quả. Chung quanh một số nội dung cơ bản của dự thảo luật, một số đại biểu đồng tình với quy định hình thành quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng như dự thảo Luật, theo hướng không những tăng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, mà còn phải huy động sự đóng góp của người hút thuốc lá và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc lá chịu trách nhiệm bồi hoàn cho công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Việc thành lập quỹ như kinh nghiệm ở một số nước trong khu vực đã triển khai thực hiện khá thành công, thể hiện mạnh mẽ cam kết chính trị của Nhà nước, tạo nguồn tài chính bền vững và xã hội hóa hoạt động nâng cao sức khỏe nhân dân.
Nhiều đại biểu cũng đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT) và cơ bản nhất trí với nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH. Tội rửa tiền đã được quy định trong Bộ luật Hình sự của nước ta, tuy nhiên các quy định về phòng và xử lý bằng biện pháp hành chính mới được quy định trong các văn bản dưới luật. Luật PCRT cùng với Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ tạo thành hệ thống pháp luật có hiệu lực để phòng, chống rửa tiền; phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, đồng thời thể hiện sự cam kết cao của Nhà nước ta với các tổ chức quốc tế.
Một số đại biểu tập trung thảo luận về: Phạm vi điều chỉnh và tên gọi của luật; tính thống nhất của hệ thống pháp luật và nội luật hóa các cam kết quốc tế; những nội dung cụ thể liên quan khái niệm "rửa tiền" (Ðiều 4); về cá nhân có ảnh hưởng chính trị (khoản 14 Ðiều 4 và Ðiều 13); về các quy định có liên quan quyền cơ bản của công dân, quyền bí mật, riêng tư của cá nhân; về trách nhiệm quản lý nhà nước; những vấn đề liên quan hợp tác quốc tế... trong dự thảo luật.
Nhiều đại biểu quan tâm nội dung liên quan Cơ quan phòng, chống rửa tiền, theo đó, cơ bản nhất trí với dự thảo luật quy định Cơ quan phòng, chống rửa tiền là đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có chức năng làm đầu mối thu thập, xử lý và chuyển giao các thông tin liên quan rửa tiền... Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc giao Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước làm đầu mối thu thập, xử lý và chuyển giao thông tin, kể cả thông tin không liên quan hoạt động ngân hàng là chưa phù hợp. Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, khi phát hiện hoặc nghi ngờ có hành vi rửa tiền thì tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo trực tiếp cho Cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm và Viện Công tố. Vì thế, đầu mối Cơ quan Phòng, chống rửa tiền nên là Bộ Công an, giữ vai trò nòng cốt trong lĩnh vực quan trọng và phức tạp này. Một số ý kiến khác đề nghị, cần có sự thống nhất giữa quy định về các hành vi rửa tiền trong dự án luật với quy định về các hành vi rửa tiền trong Bộ luật Hình sự hiện hành.
Theo: nhandan.com.vn