* Thảo luận về: Chương trình mục tiêu quốc gia; Sử dụng trái phiếu Chính phủ và hai dự án luật.
Các đại biểu QH thảo luận tại hội trường. |
Ngày 8-11, ngày làm việc thứ 14, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIII. Buổi sáng, các đại biểu làm việc tại Hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) 5 năm 2011-2015 và Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ (TPCP) 5 năm 2011-2015.
Buổi chiều, các đại biểu làm việc tại tổ, thảo luận hai dự án: Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và Luật Giá.
Giai đoạn 2011-2015: GDP tăng từ 6,5% đến 7%
Trong phiên làm việc buổi sáng, tại Hội trường, các đại biểu QH đã nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Báo cáo nêu rõ, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp vào dự thảo lần thứ nhất, ngày 27-10-2011, Ðoàn Thư ký kỳ họp đã gửi dự thảo lần thứ hai xin ý kiến các đại biểu QH. Ðến ngày 2-11, Ðoàn Thư ký đã nhận được 146 ý kiến đại biểu QH, trong đó có 62 ý kiến thống nhất với dự thảo Nghị quyết, 84 ý kiến góp ý trực tiếp vào dự thảo nghị quyết.
Mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 là: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh. Bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tăng cường hoạt động đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Các đại biểu QH đã bỏ phiếu thông qua mục tiêu tổng quát này, với 90,20% đại biểu tán thành.
Tiếp đó, QH đã bỏ phiếu thông qua toàn bộ Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 với 89,20% đại biểu tán thành. Trong đó, có một số chỉ tiêu đáng chú ý là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5-7%. Nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 50% GDP, dư nợ quốc gia không quá 50% GDP. Số lao động được tạo việc làm tám triệu người. Tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân 2%/năm và giảm bình quân 4%/năm đối với các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 85%.
Ðể thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015, QH nhất trí tập trung thực hiện ba đột phá, 12 định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.
Thực hiện hiệu quả các chương trình MTQG và nguồn vốn TPCP
Thảo luận tại Hội trường, một số đại biểu QH nhất trí với Chính phủ về việc bố trí vốn TPCP giai đoạn 2011-2015 cao nhất là 225 nghìn tỷ đồng, tương ứng 45 nghìn tỷ đồng mỗi năm; không bổ sung mới các công trình, dự án và triển khai thực hiện rà soát, cắt, giảm, hoãn, chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các công trình, dự án đã có trong danh mục sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2011-2015. Nhiều đại biểu QH nhất trí với 16 chương trình MTQG giai đoạn 2011-2015, tuy nhiên cần rà soát, loại bỏ các nội dung mang tính chất chi thường xuyên thuộc nhiệm vụ của các bộ, ngành, đồng thời tăng tỷ trọng chi đầu tư, giảm tỷ trọng chi thường xuyên của từng chương trình MTQG.
Các đại biểu Danh Út (Kiên Giang), Lệ Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) và một số đại biểu khác cho rằng, các chương trình MTQG giai đoạn vừa qua còn những bất cập, hạn chế, nhiều chỉ tiêu chưa đạt hiệu quả, chưa đạt kế hoạch đề ra do các chương trình chồng chéo, phân tán khiến việc thực hiện bị dàn trải và ngân sách chưa bảo đảm được. Vì vậy, trong giai đoạn tới, Chính phủ nên ghép một số chương trình liên quan đến giải quyết việc làm, đào tạo nghề vào chung nhóm giảm nghèo; chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn nên gộp vào chương trình lớn là mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Việc lồng ghép các chương trình MTQG là một chủ trương được nhiều đại biểu QH tán thành.
Ðối với nguồn vốn TPCP, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) và một số đại biểu khác chỉ ra những hạn chế, trong đó, đáng chú ý là tổng mức đầu tư nguồn vốn TPCP trong giai đoạn trước đã tăng gấp 10 lần, làm mức nợ công tăng nhanh. Chính phủ cần phân tích, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan liên quan, từ đó đưa ra những giải pháp hiệu quả. Ðại biểu này nêu rõ, các cơ quan như: QH, Chính phủ và những địa phương được thụ hưởng nguồn vốn TPCP đều có những hạn chế. QH chưa tính toán thấu đáo, danh mục đầu tư liên tục mở rộng trong khi công tác giám sát chưa thường xuyên, không kịp thời nên không phát hiện được những bất cập, gây lãng phí đầu tư. Chính phủ cần xử lý nghiêm việc để tăng quy mô dự án không hợp lý... Bên cạnh đó, cần làm rõ nguyên nhân vì sao các địa phương thường xuyên đề nghị tăng mức đầu tư và mở rộng quy mô dự án. Những vấn đề nêu trên cần được xem xét và báo cáo công khai với các đại biểu QH.
Bảo đảm tính cạnh tranh về giá
Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về hai dự án: Luật Giá và Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Thảo luận dự án Luật Giá, các đại biểu tán thành với việc ban hành Luật Giá nhằm tiếp tục đổi mới phương thức quản lý giá, khắc phục những bất cập hiện tại để quản lý giá phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường; bảo đảm khuyến khích cạnh tranh về giá; bảo đảm để hệ thống giá trong nền kinh tế chủ yếu do thị trường quyết định, xóa bỏ các hình thức bao cấp qua giá không phù hợp cam kết quốc tế.
Nhiều đại biểu cho rằng, một trong những mục tiêu quan trọng của việc ban hành Luật Giá là các quy định phải phù hợp cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước vào quan hệ cung - cầu, tuy nhiên, một số quy định trong dự thảo luật chưa thể hiện rõ mục tiêu này. Do vậy, đề nghị cần hoàn chỉnh các quy định theo hướng Nhà nước chỉ thể hiện vai trò quản lý dưới góc độ là cơ quan ban hành chính sách, pháp luật, thực hiện thanh tra, kiểm tra và điều tiết ở mức độ nhất định. Bên cạnh đó, Nhà nước chỉ điều chỉnh, can thiệp trực tiếp vào giá bằng các biện pháp kinh tế là chủ yếu khi thị trường có biến động lớn, tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống nhân dân.
Liên quan công tác bình ổn giá; các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá; thẩm quyền quyết định công bố biện pháp bình ổn giá, một số đại biểu đề nghị, cần quy định theo hướng bảo đảm tính công bằng khi triển khai thực hiện công tác bình ổn giá và bổ sung biện pháp kiểm soát, cơ chế xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện cũng như có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm quy định về bình ổn giá. Một số đại biểu cho rằng, những quy định trong dự luật về các mặt hàng hóa, dịch vụ nằm trong diện bình ổn giá quá rộng. Do vậy, chỉ nên bình ổn giá đối với các mặt hàng liên quan lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và năng lượng. Ðây là những mặt hàng liên quan mật thiết đến đời sống người dân. Những mặt hàng khác cần để vận hành theo cơ chế thị trường, nhằm nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy phát triển.
Nhiều đại biểu đề nghị, dự thảo luật cần có quy định cụ thể để giải quyết tình trạng chuyển giá tại doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thuế.
Tạo ý thức tự giác trong việc thực thi pháp luật
Thảo luận Dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành luật này, nhằm góp phần nâng cao ý thức pháp luật, hướng tới cuộc sống văn minh, góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, những quy định trong dự thảo luật còn chung chung, chưa có định hướng rõ ràng. Nhiều đại biểu đề nghị, dự thảo luận cần quy định cụ thể nhằm thúc đẩy xã hội hóa phổ biến, giáo dục pháp luật. Một số đại biểu cho rằng, cần tăng cường phổ biến, giáo dục trong giới trẻ thông qua nhiều hình thức, không chỉ giới hạn trong tiết giáo dục công dân như hiện nay. Thậm chí có thể tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật ngay từ các trường mầm non, qua đó xây dựng ý thức tự giác tuân thủ pháp luật từ bé.
Nhiều đại biểu cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến ý thức tuân thủ pháp luật hiện nay chưa cao do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật không được thực hiện bài bản, nghiêm túc. Hiện nay, cán bộ phổ biến, giáo dục pháp luật tại các bộ, ngành, địa phương và trong các doanh nghiệp vẫn kiêm nhiệm nên hiệu quả của công tác này hạn chế. Trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật không chỉ thuộc về Nhà nước, các tổ chức chính trị mà là trách nhiệm của toàn xã hội.
Nhiều đại biểu đề nghị cần chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với người lao động, vì đây là lực lượng quan trọng làm ra của cải vật chất cho xã hội, nhưng thông tin về pháp luật đến với những đối tượng này chưa thường xuyên, khiến những tranh chấp giữa người lao động và chủ doanh nghiệp diễn ra nhiều trong thời gian qua. Một số đại biểu đề nghị không nên quy định riêng về các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho một số đối tượng đặc thù như phạm nhân, học sinh trường giáo dưỡng... vì như vậy mang tính phân biệt, thậm chí miệt thị.
Theo: nhandan.com.vn