Thông qua Nghị quyết dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012

08:11, 11/11/2011

* Thảo luận kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất và dự án trồng mới năm triệu ha rừng; dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính

Ngày 10-11, kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ 16. Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2012 và thảo luận về Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011- 2015 và Quy hoạch sử dụng đất, giai đoạn 2011-2020; Việc thực hiện dự án trồng mới năm triệu ha rừng toàn quốc.

Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc ở tổ, thảo luận về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tăng lương tối thiểu lên 1.050.000 đồng/tháng từ 1-5-2012

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu tại hội trường.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu tại hội trường.

Ðầu giờ làm việc buổi sáng, các đại biểu QH nghe Ủy ban Thường vụ QH Báo cáo tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2011, dự toán NSNN năm 2012 và dự thảo Nghị quyết của QH về dự toán NSNN năm 2012. Theo dự thảo Nghị quyết của QH về dự toán NSNN năm 2012, tổng số thu cân đối NSNN là 740.500 tỷ đồng; tổng số chi cân đối NSNN là 903.100 tỷ đồng; mức bội chi NSNN là 140.200 tỷ đồng, tương đương 4,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Theo Nghị quyết, QH giao Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt; cơ cấu lại chi NSNN theo hướng ưu tiên cho con người, bảo đảm an sinh xã hội; điều chỉnh cơ cấu chi đầu tư phát triển nhằm thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế; phối hợp đồng bộ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành chặt chẽ thu, chi ngân sách; bảo đảm tỷ lệ chi cho các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, y tế theo đúng Nghị quyết của QH; giữ vững an ninh tài chính quốc gia. Trong năm 2012, Chính phủ phát hành 45.000 tỷ đồng trái phiếu đầu tư cho lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục. Cũng theo Nghị quyết, từ ngày 1-5-2012 thực hiện mức lương tối thiểu 1.050.000 đồng/tháng, phụ cấp công vụ 25% cho cán bộ, công chức; lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tốc độ tăng lương tối thiểu.

Các đại biểu QH đã lần lượt biểu quyết thông qua từng nội dung về tổng thu ngân sách, tổng chi ngân sách, mức bội chi ngân sách năm 2012. Tiếp đó, với 450 đại biểu tán thành, bằng 90% tổng số đại biểu, QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ nội dung Nghị quyết dự toán NSNN năm 2012.

Cân đối quy hoạch, sử dụng đất và chú trọng phát triển rừng bền vững

Tại hội trường, trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu QH đã thảo luận về Kế hoạch sử dụng đất 5 năm, giai đoạn 2011-2015 và Quy hoạch sử dụng đất, giai đoạn 2011-2020; Việc thực hiện dự án trồng mới năm triệu ha rừng.

Thảo luận về Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011- 2015, các đại biểu cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn nêu ra sự mất cân đối trong quy hoạch và sử dụng đất thời gian qua. Các đại biểu Lê Văn Học (Lâm Ðồng), Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, công tác quy hoạch và sử dụng đất còn tập trung quá nhiều cho phát triển công nghiệp, dịch vụ. Trong khi đó, đất quy hoạch xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển giao thông, phát triển giáo dục, đào tạo và bảo đảm an sinh xã hội rất hạn chế. Ðại biểu Trương Văn Vở (Ðồng Nai) cho rằng, nhiều mục tiêu về quy hoạch, sử dụng đất thời gian qua không đạt yêu cầu một phần do công tác điều hành từ Chính phủ còn hạn chế.

Trong Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011- 2020, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ tạm dừng quy hoạch đất cho khu công nghiệp, đồng thời tăng quỹ đất cho giáo dục, đào tạo, y tế, giao thông; quy hoạch đất nông nghiệp năng suất cao, chuyên canh, nhằm ổn định sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, tăng xuất khẩu. Các đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu), Ðinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề nghị, việc quy hoạch và sử dụng đất trong thời gian tới phải giải quyết những mâu thuẫn giữa các nhóm lợi ích, đặc biệt bảo đảm quyền lợi của người dân khi có đất bị thu hồi. Chính phủ cần đánh giá cụ thể tác động về xã hội, về môi trường khi thực hiện quy hoạch và sử dụng đất, nhất là đối với việc thu hồi đất nông nghiệp để phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ. Cần xác định rõ mục tiêu quy hoạch, sử dụng đất theo hướng phục vụ lợi ích của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Không để tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm ảnh hưởng đến việc quy hoạch và sử dụng đất.

Ðánh giá việc thực hiện Nghị quyết của QH về dự án trồng mới năm triệu ha rừng, nhiều đại biểu ghi nhận kết quả đạt được trong việc thực hiện dự án. Tuy nhiên, kết quả đó chưa tương xứng với mức đầu tư của một dự án lớn. Các đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình), Lê Ðắc Lâm (Bình Thuận) cho rằng, việc thực hiện dự án còn lúng túng, việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng còn chậm. Nhiều mục tiêu cơ bản của dự án chưa thực hiện được. Các đại biểu này đề nghị, Chính phủ cần báo cáo cụ thể về kết quả kiểm toán đối với dự án, kiểm điểm trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm trong khi thực hiện dự án, nhất là trách nhiệm trong việc phá rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế.

Nhiều đại biểu nhất trí QH ra Nghị quyết kết thúc dự án trồng mới năm triệu ha rừng giai đoạn 1998-2010. Tuy nhiên, QH cần giao Chính phủ xây dựng kế hoạch về trồng và phát triển rừng trong thời gian tới theo hướng đẩy mạnh phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường đi đôi với phát triển kinh tế rừng, bảo đảm đời sống nhân dân khu vực có rừng. Ðại biểu Thào Xuân Sùng (Sơn La) đề nghị, công tác phát triển và bảo vệ rừng thời gian tới cần được thực hiện bằng một chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm huy động mọi nguồn lực để phát triển công tác trồng và bảo vệ rừng. QH và Chính phủ cần tiếp tục thực hiện chính sách điều tiết lương thực ổn định trong 10 năm cho các hộ dân làm nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng và hỗ trợ gạo để người dân trồng rừng và bảo vệ rừng thay thế nương, rẫy. Những chính sách nói trên đang được thí điểm tại tỉnh Lâm Ðồng và tỉnh Sơn La, được nhân dân ủng hộ, đồng tình rất cao.

Nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm hành chính

Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về  dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tại các tổ có phóng viên Báo Nhân Dân dự, qua thảo luận của các đại biểu, nhận thấy, hầu hết ý kiến tán thành với việc xây dựng  dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính để thay thế Pháp luật hiện hành được ban hành từ năm 1989 đã xuất hiện những bất cập, hạn chế; đồng thời cho rằng luật này được ban hành càng sớm càng tốt để đáp ứng yêu cầu của thực tế cuộc sống.

Ðối với một số vấn đề cụ thể của dự án luật, các đại biểu có một số ý kiến, quan điểm khác nhau. Ðại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) nêu vấn đề: Nên tách việc xử lý và xử phạt các vi phạm hành chính thành hai luật riêng để tránh trùng lắp và bảo đảm tính khả thi cao trong thực tế. Ðối với các hình thức xử phạt, Ban soạn thảo luật cần chú ý tính khả thi của quy định xử phạt bằng hình thức lao động. Cơ quan nào sẽ tổ chức và quản lý người vi phạm thực thi việc lao động; lao động ở đâu, làm việc gì là vấn đề cần quan tâm và có quy định cụ thể... Mức phạt mà dự thảo Luật đưa ra là quá cao so với thu nhập của người dân và cần được nghiên cứu, xem xét, bởi những vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thêm về sự tham gia của luật sư và người trợ giúp pháp lý đối với người vi phạm hành chính. Các đại biểu này cho rằng, cần phân loại những vụ việc cụ thể để có quy định phù hợp, không phải tất cả các vi phạm hành chính đều cần đến luật sư và người trợ giúp pháp lý.

Chưa thống nhất với quan điểm về việc tách thành hai luật riêng, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, nếu tách thành hai luật sẽ cần thêm thời gian nghiên cứu, soạn thảo trong khi việc ban hành luật về vấn đề này là rất cần thiết. Về việc nâng mức xử phạt hành chính, đại biểu này cho rằng, cần làm rõ cơ sở và tính khả thi bởi có những hành vi bị xử phạt cao nhất lên đến hai tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngoài xử phạt bằng tiền mặt, rất cần có những biện pháp bắt buộc đi kèm để ngăn chặn kiểu phạt cho tồn tại và phạt rồi tiếp tục cho làm. Ý kiến này được một số đại biểu QH tán thành.

Một số đại biểu nêu rõ, mức phạt tối đa và tối thiểu như dự án luật đưa ra là cao, nên hạ xuống. Về vấn đề này, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), Vũ Hải (Bình Thuận) lại cho rằng, mức phạt thấp sẽ không đủ tính răn đe, không hiệu quả đối với rất nhiều vi phạm hành chính đem lại nguồn thu bất chính rất cao. Vì vậy, luật cần đưa ra những mức phạt thật nặng, thật nghiêm khắc để người vi phạm không dám tái phạm, qua đó góp phần bảo đảm kỷ cương của pháp luật. Về vấn đề này, có đại biểu đề nghị nên quy định mức phạt tăng dần, lần vi phạm thứ hai phạt cao hơn lần thứ nhất và lần thứ ba cao hơn lần thứ hai.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com