Thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề

07:11, 08/11/2011

Ngày 7-11, kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ 13. Các đại biểu QH dành cả một ngày thảo luận ở hội trường việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế (KKT), làng nghề.

Vai trò các KKT và làng nghề ở nước ta

Các đại biểu QH thảo luận tại hội trường.
Các đại biểu QH thảo luận tại hội trường.

Thảo luận tại hội trường về vấn đề nêu trên, phần lớn ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí với các nội dung trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH, do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ  và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng  trình bày. Báo cáo giám sát đã nêu thực trạng tình hình môi trường và những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong công tác bảo vệ môi trường tại KKT, làng nghề hiện nay. Phần lớn ý kiến cho rằng, sau gần mười năm thực hiện chính sách về việc xây dựng các KKT tại Việt Nam cho thấy, đây là một chủ trương đúng đắn của Ðảng và Nhà nước ta trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của một số địa phương.

Ðối với làng nghề, theo số liệu tổng hợp của báo cáo giám sát, nước ta hiện nay có 4.575 làng nghề, trong đó có 1.324 làng nghề được công nhận và 3.221 làng có nghề. Các ý kiến phát biểu nhận thấy, những năm gần đây, nhờ chủ trương đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HÐH đất nước, đa dạng hóa các thành phần kinh tế, các làng nghề đã tham gia vào phát triển KT-XH ở nông thôn, góp phần giải quyết việc làm trong vùng và nhiều lao động từ các vùng khác đến. Hoạt động sản xuất nghề nông thôn đã tạo ra việc làm cho hơn 11 triệu lao động, thu hút khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn, đặc biệt có những địa phương đã thu hút được hơn 60% lao động của cả làng. Việc phát triển kinh tế làng nghề đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, giảm đói nghèo, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, góp phần từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn nước ta.

Nhiều bất cập trong công tác bảo vệ môi trường

Bên cạnh việc đánh giá những kết quả đạt được, nhiều đại biểu đề cập những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý môi trường đối với các KKT, làng nghề tại nhiều địa phương. Ðại biểu Dương Trung Quốc (Ðồng Nai) nhận xét, đối tượng giám sát là 15 KKT biển, nhưng báo cáo thì rất chung chung, không hề có thông tin gì liên quan biển. Các đại biểu: Nguyễn Minh Lâm (Long An), Nguyễn Thu Anh (Lâm Ðồng), Thân Ðức Nam (Ðà Nẵng), Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), Mã Ðiền Cư (Quảng Ngãi),... nhận xét: Công tác bảo vệ môi trường (BVMT) ở các làng nghề thời gian qua mới chỉ thông qua công tác tuyên truyền, vận động. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ BVMT làng nghề của các cấp, ngành và địa phương còn thiếu rõ ràng, chồng chéo. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BVMT tương đối đầy đủ, tuy nhiên nhiều quy định thiếu tính khả thi đối với làng nghề, dẫn đến việc tổ chức thực hiện pháp luật của chính quyền địa phương các cấp nhiều hạn chế. Thực tế vừa qua cho thấy, chưa phân định rõ trách nhiệm quản lý của các cấp, các ngành từ T.Ư đến địa phương. Việc tổ chức thực hiện chưa thường xuyên, công tác kiểm tra, thanh tra chưa mang lại hiệu quả cao. Trong phần lớn các văn bản quy phạm pháp luật vừa qua, chưa quy định cụ thể trách nhiệm về BVMT đối với chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng KKT, bên cạnh đó chưa nhất quán về khái niệm và cách thức áp dụng chung về phí BVMT đối với nước thải, gây lúng túng trong triển khai thực hiện... Ðại biểu Ly Kiều Vân (Quảng Trị) cho rằng, công tác quản lý nhà nước đối với vấn đề ô nhiễm môi trường vừa qua tại các KKT, làng nghề chưa thật sự được quan tâm đúng mức. Việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực này còn xem nhẹ, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, chưa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa...

Ðại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) cho rằng, công tác quản lý về môi trường làng nghề không thống nhất, mỗi nơi mỗi khác. Nơi thì giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường, nơi thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong khi cán bộ môi trường không được đào tạo, không có chuyên môn nghiệp vụ. Một trong những nguyên nhân yếu kém trong công tác quản lý về môi trường ở KKT và làng nghề, theo đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này vừa thiếu, vừa thừa, vừa chồng chéo, vừa thực hiện không nghiêm.

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội

Sau khi đánh giá thực trạng môi trường ở các KKT và làng nghề, nhiều đại biểu cho rằng, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ CNH, HÐH đất nước và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay, đòi hỏi sự vào cuộc với trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Các đại biểu: Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Bùi Thị An (Hà Nội), Thân Ðức Nam (Ðà Nẵng), Phạm Văn Tấn (Nghệ An)... cho rằng, thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa công tác nắm tình hình, tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân gây ra. Ðồng thời, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác BVMT. Công tác quy hoạch, phát triển các KKT, các làng nghề phục vụ quá trình phát triển trong tương lai cần được quan tâm. Ðối với các làng nghề, nhiều đại biểu cho rằng, việc sắp xếp, quy hoạch lại làng nghề cần chú ý những đặc điểm, đặc thù làng nghề truyền thống gắn với bản sắc văn hóa lâu đời của người dân nông thôn, nếu không quan tâm vấn đề này sẽ làm mất sự sáng tạo, sức sống của làng nghề  vốn có.

Theo ý kiến của một số đại biểu khác, cần  tránh tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo diễn ra tại không ít địa phương vừa qua, gây khó khăn cho công tác quản lý nói chung và việc quản lý môi trường nói riêng. Một vấn đề quan trọng khác là cần thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, cần cân nhắc kỹ về mặt lợi ích kinh tế trước mắt và những ảnh hưởng, tác động môi trường về lâu dài... Chung quanh vấn đề này, đại biểu Bùi Thị An (TP Hà Nội) nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành và địa phương cũng như người dân trong việc nhận thức sâu sắc hơn nữa về giá trị của sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Theo đại biểu này, nếu chúng ta chỉ chú trọng tăng trưởng GDP, tăng lợi nhuận kinh tế trước mắt, trong khi xem nhẹ vấn đề môi trường, trong tương lai thế hệ con cháu sẽ gánh chịu hiểm họa do ô nhiễm môi trường gây ra. Vì thế, cần tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, kiến thức về BVMT, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT của các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại các KKT, làng nghề... Theo đại biểu Ngô Ðức Mạnh (Bình Thuận), thời gian tới cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa chương trình đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, gắn việc đầu tư cho "tam nông" với các vấn đề BVMT, và coi vấn đề thực hiện chính sách "tam nông" là chìa khóa để cải thiện môi trường ở các làng nghề.

Nhiều đại biểu đề nghị thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động của các KKT, làng nghề; tăng cường giám sát việc phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp BVMT. Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác giám sát của QH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, các Ðoàn ÐBQH và ÐBQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật BVMT và việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với KKT và làng nghề. Bên cạnh những kiến nghị trên, nhiều đại biểu QH đề nghị, ngay tại kỳ họp này, QH xem xét ra Nghị quyết về giám sát "việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các KKT, làng nghề"; đề nghị Chính phủ xây dựng Chương trình, mục tiêu quốc gia xử lý ô nhiễm môi trường nói chung, trong đó có xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề giai đoạn 2011-2015. Theo đó, cần rà soát, phân loại làng nghề, qua đó xem xét đưa các cơ sở công nghiệp nhỏ ra khỏi làng nghề mà thu hút vào các khu công nghiệp. Ðồng thời, chấm dứt hoạt động của những làng nghề gây độc hại (Huỳnh Văn Tính - Tiền Giang, Phạm Tất Thắng - Vĩnh Long, Phạm Thị Mỹ Lệ - Bình Phước).

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng QH chưa cần thiết ban hành nghị quyết về giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các KKT, làng nghề vì dự thảo còn thiếu cơ sở pháp lý, thiếu cơ sở thực tiễn.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com