Tập trung phát triển CN-TTCN, làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2011-2015

07:11, 25/11/2011

Ngày 23-11-2011, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết số 06 ngày 25-7-2011 của BCH Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 37 ngày 12-8-2011 của UBND tỉnh về phát triển CN-TTCN, làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2011-2015. Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các Sở: KH và ĐT, TN và MT, NN và PTNT, KH và CN, Xây dựng, Tài chính, LĐ-TB và XH; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.

Thực hiện Nghị quyết 06 của BCH Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển CN-TTCN, làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2011-2015. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2015: Giá trị sản xuất CN-TTCN, làng nghề trên địa bàn nông thôn giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 25%/năm trở lên, đến năm 2015 đạt 14.320 tỷ đồng (theo giá cố định năm 1994) đạt 34.830 tỷ đồng (theo giá hiện hành), chiếm tỷ trọng 55% trở lên trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; 80% số xã có giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 10% trở lên; phấn đấu 100% số xã xây dựng nông thôn mới của tỉnh có nghề, làng nghề; 100% làng nghề tiểu thủ công nghiệp hiện có đạt tiêu chí làng nghề của Bộ NN và PTNT; giải quyết thêm việc làm cho 50 nghìn lao động, đưa tổng số lao động CN-TTCN ở khu vực nông thôn lên 161 nghìn người. Ba nhiệm vụ cơ bản được đặt ra là: Tập trung phát triển các CCN, điểm công nghiệp (ĐCN); trong đó tổ chức quản lý 7 CCN đã cơ bản xây xong, đến năm 2013 hoàn thành xây dựng hạ tầng 14 CCN đang đầu tư, đến năm 2015 hoàn thành xây dựng hạ tầng 12 CCN đã được quy hoạch với tổng mức đầu tư đến năm 2015 dự kiến 1.676 tỷ đồng; xây dựng các ĐCN tại các địa phương có khả năng phát triển CN-TTCN với quy mô 1,5-2ha/ĐCN. Phát triển nghề, làng nghề CN-TTCN; trong đó tập trung củng cố, phát triển 94 làng nghề hiện có và phát triển nghề, làng nghề mới. Phát triển doanh nghiệp ở nông thôn. UBND tỉnh cũng xây dựng 5 nhóm giải pháp chính để thực hiện mục tiêu đề ra, gồm: Giải pháp quy hoạch, kế hoạch; Giải pháp về cơ chế chính sách; Giải pháp về nguồn lực cho phát triển; Giải pháp về môi trường; Giải pháp về hành chính, quản lý.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch của UBND tỉnh là cơ hội cho các địa phương phát triển CN-TTCN, làng nghề ở khu vực nông thôn, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và là động lực chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ nhằm tăng thu nhập và làm giàu ở khu vực nông thôn, phục vụ cho chương trình xây dựng NTM. Hiện nay, tỉnh ta đã quy hoạch 12 KCN và đã quyết định xây dựng 32 CCN, tới đây tỉnh và các địa phương rà soát, điều chỉnh lại các CCN. Riêng xây dựng ĐCN là vấn đề mới, xây dựng ĐCN phải gắn chặt với xây dựng NTM và CCN. Tỉnh đang xây dựng dự thảo và sẽ ban hành trong tháng 12-2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các ĐCN và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn nhằm huy động vốn của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xây dựng các ĐCN. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về phát triển CN-TTCN, làng nghề ở nông thôn. Trong quá trình thực hiện, có những đề xuất để tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

Tuấn Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com