Nghe Báo cáo tổng kết và thẩm tra Dự án trồng mới năm triệu ha rừng

08:11, 01/11/2011

* Thảo luận ở tổ về Chương trình mục tiêu Quốc gia và Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011 - 2015

Ngày 31-10, ngày làm việc thứ tám, kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII. Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại Hội trường, nghe Báo cáo của Chính phủ về tổng kết Dự án trồng mới năm triệu ha rừng và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH về việc thực hiện dự án này. Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, QH thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2012.

Dự án trồng mới năm triệu ha rừng còn nhiều bất cập

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Ðức Phát đã trình bày Báo cáo tổng kết Dự án trồng mới năm triệu ha rừng. Theo đó, đây  là một dự án đặc biệt, với địa bàn thực hiện trải khắp các địa phương trên phạm vi cả nước, với đối tượng hưởng lợi chính là đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các dân tộc thiểu số, được thông qua tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa X bằng Nghị quyết số 08/1997/NQ-QH10 ngày 5-12-1997. Ðến nay, cả nước đã giao 9.999.892 ha đất lâm nghiệp, trong đó, giao cho các doanh nghiệp nhà nước 2.291.904 ha; các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ 3.981.858 ha; hộ gia đình, cá nhân 2.806.357 ha; cộng đồng dân cư 70.730 ha; các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang 228.512 ha, tổ chức khác 620.531 ha.  Diện tích đất rừng cho thuê 75.191 ha, trong đó các tổ chức kinh tế trong nước thuê 54.911 ha; hộ gia đình, cá nhân thuê 1.709 ha; tổ chức nước ngoài thuê 18.571 ha. Tổng số vốn Dự án đã huy động là 31.858 tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư 7.281 tỷ đồng, chiếm 22,9%; ngân sách địa phương 1.215,2 tỷ đồng, chiếm 3,6%; vốn tín dụng 2.260,2 tỷ đồng, chiếm 7%; vốn của các tổ chức 2.000 tỷ đồng, chiếm 6,2%; vốn do các hộ gia đình tự bỏ ra (bao gồm cả giá trị công lao động và hoạt động liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác) 15.788,7 tỷ đồng, chiếm 50%; vốn nước ngoài là 3.312,4 tỷ đồng, chiếm 10,3%.

Các đại biểu QH thảo luận tại hội trường. Ảnh: THANH CHƯƠNG
Các đại biểu QH thảo luận tại hội trường.
Theo Báo cáo của Chính phủ, những năm qua, công tác bảo vệ rừng tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện trên cả ba mặt: Số vụ vi phạm giảm: năm 1998 là 62.357 vụ, năm 2005 là 39.440 vụ (giảm 37%) và đến năm 2010 là 33.857 vụ (giảm 46%); Diện tích rừng mất đi do các hành vi vi phạm lâm luật tuy vẫn còn lớn, nhưng cũng đã có xu hướng giảm, nếu năm 1998 là 18.377 ha, năm 2005 là 13.942 ha (giảm 24%) thì đến năm 2010 là 7.415 ha (giảm 60%). Ðến năm 2010 đã có 1.249.600 hộ gia đình với 4.657.000 lao động tham gia Dự án, trong đó có 484.890 hộ nghèo (chiếm 38,6%), chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng cao. Quá trình 13 năm thực hiện dự án trồng mới năm triệu ha rừng cho thấy, đây là một chủ trương đúng, được nhân dân đồng tình ủng hộ; nhận thức và trách nhiệm của các địa phương và người dân được nâng lên rõ rệt.

Bên cạnh những thành quả quan trọng mà dự án trồng mới năm triệu ha rừng đạt được, về những hạn chế, Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện Dự án của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ: Việc tổ chức thực hiện Dự án còn lúng túng, hoạt động của Ban chỉ đạo, Ban điều hành, Ban quản lý Dự án trong giai đoạn 1998-2005 chưa hiệu quả. Việc quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp không ổn định; việc triển khai thực hiện quy hoạch chậm, quy hoạch chủ yếu trên hồ sơ địa chính, chưa chú trọng việc cắm mốc ranh giới trên thực địa; có sự chênh lệch lớn về diện tích khi chuyển đổi rừng phòng hộ sang rừng sản xuất và một số vấn đề như tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống người dân chưa được quan tâm tháo gỡ kịp thời sau khi thực hiện theo quy hoạch mới.

Việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp thực hiện chưa tốt, chậm tiến độ. Tỷ lệ diện tích rừng đã giao cho các chủ quản lý còn thấp, chỉ chiếm 61% so với tổng diện tích đất lâm nghiệp; trong đó sự tham gia của các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư chưa tương xứng với tiềm năng (hiện chỉ chiếm 21,5% so với tổng diện tích đất lâm nghiệp và 35% so với diện tích đã được giao, cho thuê). Việc cấp vốn ngân sách nhà nước cho Dự án còn chậm, cơ chế, chính sách cho vay vốn tín dụng còn bất cập, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng cho trồng rừng sản xuất. Việc cho thuê đất lâm nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài còn có một số vấn đề bất cập, gây bức xúc trong dư luận. Ðộ che phủ rừng ở một số tỉnh còn thấp, chất lượng, trữ lượng rừng chưa cao, khả năng cung cấp gỗ của rừng còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của công nghiệp chế biến gỗ. Ở một số tỉnh, độ che phủ rừng còn thấp, như tỉnh Hậu Giang 1,6%, tỉnh Ðồng Tháp 2,2%; một số tỉnh ở Tây Nguyên và Ðông Nam Bộ độ che phủ giảm đi sau khi thực hiện Dự án như tỉnh Ðác Lắc giảm 6,6%, tỉnh Bình Phước giảm 10,6%.

Tình trạng chặt phá rừng trái phép và cháy rừng vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, công tác bảo vệ rừng vẫn còn khó khăn, phức tạp. Công tác bảo vệ rừng tuy đã có bước chuyển biến nhưng các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra phổ biến, có nơi, có lúc hết sức gay gắt, nhất là tình hình chống người thi hành công vụ; tình trạng đốt phá rừng để làm nương rẫy còn xảy ra ở nhiều nơi; nhiều khu rừng trồng xong, hết tiền đầu tư bảo vệ có nguy cơ bị phá hoặc bị cháy rất cao.

Từ thực trạng nêu trên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH đã có những kiến nghị cụ thể đối với QH và Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng công tác bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.

Quan tâm chất lượng, hiệu quả, hiệu lực sau hoạt động giám sát

Về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2012, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH giám sát hai chuyên đề tại hai kỳ họp trong năm; Ủy ban Thường vụ QH giám sát ba chuyên đề tại các phiên họp trong năm; Hội đồng Dân tộc giám sát hai, ba chuyên đề, các Ủy ban giám sát một, hai chuyên đề.

Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến đề nghị của các cơ quan liên quan, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH xem xét, quyết định hai trong ba nội dung sau để tiến hành giám sát tại hai kỳ họp trong năm 2012. Chuyên đề một: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chuyên đề hai: Việc thực hiện chính sách pháp luật để giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai trong lĩnh vực hành chính; Chuyên đề ba: Việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Thảo luận tại Hội trường về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2012, các đại biểu QH tập trung đóng góp ý kiến đối với hiệu quả, hiệu lực sau quá trình giám sát của QH. Các đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Nguyễn Anh Sơn (Nam Ðịnh) và nhiều đại biểu khác  cho rằng, "hậu" giám sát đang là một khâu yếu, còn nhiều hạn chế trong hoạt động giám sát của QH. Cần có một cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi kết quả giám sát của QH, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của hoạt động giám sát. Bên cạnh đó, cần công khai kết quả giám sát để đại biểu QH được biết, đồng thời tổ chức thảo luận tại Hội trường về kết quả giám sát này. Ngoài ra, các cơ quan báo chí cần được tham gia hoạt động giám sát của QH để góp phần nâng cao hiệu quả thông tin, sự phản hồi, phản biện của các tầng lớp nhân dân đối với  công tác giám sát.

Về lựa chọn hai trong ba chuyên đề để tiến hành giám sát trong năm 2012, các đại biểu QH có nhiều ý kiến khác nhau. Một số đại biểu đề nghị chọn chuyên đề một và bổ sung chuyên đề giám sát về thực hiện pháp luật về an toàn giao thông, bởi hiện nay, tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông đang diễn ra phức tạp, gây bức xúc và ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Ðại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị chọn chuyên đề một và chuyên đề ba, trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm tra, giám sát đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; bởi đây là những vấn đề quan trọng, đang được nhiều cử tri và các tầng lớp nhân dân quan tâm. Thực hiện tốt giám sát chuyên đề này, QH sẽ góp phần nâng cao chất lượng đầu tư công, nâng cao mức sống của nông dân và xử lý kịp thời các sai phạm. Ðại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) lại cho rằng, QH nên chọn chuyên đề hai và chuyên đề ba, trong đó, chuyên đề hai có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống xã hội hiện nay bởi tình trạng khiếu kiện kéo dài liên quan đất đai đang diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, cần có phương hướng giải quyết triệt để.

Ưu tiên đầu tư các chương trình quan trọng, cấp bách

Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận tổ, đóng góp ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2006-2010, triển khai kế hoạch năm 2011 và đề xuất danh mục Chương trình MTQG giai đoạn 2012-2015; về kế hoạch vốn trái phiếu 5 năm 2011-2015.

Các đại biểu Võ Kim Cự, Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh), Nguyễn Ðức Hải (Quảng Nam), Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh)... cho rằng, trong 15 Chương trình MTQG, có 12 chương trình được tiếp tục thực hiện từ giai đoạn 2006-2010, ba chương trình thực hiện mới trong năm 2011, là: Chương trình nông thôn mới; Chương trình phòng, chống HIV/AIDS; Chương trình đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Chính phủ, các bộ, ngành cần rà soát kỹ, cụ thể danh mục ưu tiên các công trình quan trọng, cấp bách, như các công trình giao thông liên tỉnh, liên huyện, nhất là tại các địa phương thường xuyên bị bão lũ. Cần tăng cường nguồn lực cho y tế tuyến huyện, xây dựng ký túc xá cho sinh viên. Cần ưu tiên hàng đầu cho chương trình phát triển nông thôn mới, tập trung lồng ghép nhiều nguồn lực cho lĩnh vực này. Ðây là vấn đề vừa cơ bản vừa cấp bách, cần triển khai lâu dài, góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội... vùng nông thôn.

Báo cáo của Chính phủ nêu một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG, trong đó Chương trình MTQG nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình MTQG vệ sinh an toàn thực phẩm đã không đạt mục tiêu đề ra; 7/20 chỉ tiêu của Chương trình MTQG về văn hóa cũng không đạt kết quả như mong muốn... Vì thế, nhiều đại biểu đề nghị, thời gian tới, Chính phủ cần rà soát, tổng kết một số chương trình đã hoàn thành, đồng thời lựa chọn một số chương trình thật sự cấp thiết, có ý nghĩa chính trị - xã hội, có tầm quan trọng đặc biệt để tập trung triển khai, tránh việc xây dựng quá nhiều Chương trình mục tiêu, bố trí vốn dàn trải, trùng lắp về nội dung, không đủ nguồn lực để hoàn thành mục tiêu trong thời hạn đã quyết định, dẫn tới kém hiệu quả.

Ðại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh), Trần Ngọc Tăng (Hà Tĩnh) kiến nghị cần chú trọng một số dự án lĩnh vực thông tin, giáo dục, truyền thông, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Các Chương trình MTQG cần thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, và đây là yếu tố quan trọng mang lại hiệu quả lâu dài, bền vững.

Ðối với Báo cáo của Chính phủ về kế hoạch sử dụng trái phiếu 5 năm 2011-2015, nhiều đại biểu cho rằng, cần ưu tiên bố trí vốn để đầu tư các lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo tại các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn của đất nước; tăng cường năng lực tuyến y tế ở cơ sở; quan tâm các công trình kiên cố trường, lớp học; xây dựng ký túc xá sinh viên...

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com