Ngày 24-11, ngày làm việc thứ 26, kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII. Các đại biểu làm việc tại hội trường, tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ
Bất cập, khó khăn trong giáo dục và đào tạo
Ðại biểu QH chất vấn các Bộ trưởng. |
Buổi sáng, khi chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Phạm Vũ Luận, nhiều đại biểu cho rằng, lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GDÐT) những năm qua đã có những chuyển biến khá tích cực về số lượng và cả chất lượng ở các bậc học. Nhu cầu học tập của nhân dân được bảo đảm ngày càng tốt hơn, kể cả con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tỷ lệ trẻ em đến trường đạt cao... Tuy nhiên, nhiều đại biểu QH cho rằng, chất lượng GDÐT vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước, thậm chí vấn đề đào tạo nguồn nhân lực được xem là một "điểm nghẽn" của sự phát triển đất nước. So sánh với các nước trong khu vực và quốc tế về trình độ chung GDÐT, nước ta còn ở mức thấp, thể hiện cả ở bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông (THPT) và cả đại học.
Liên quan vấn đề chất lượng giáo dục phổ thông, các đại biểu QH: Trần Minh Diệu (Quảng Bình), Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), Trương Văn Vở (Ðồng Nai)... nêu, năm 2007 tỷ lệ tốt nghiệp chỉ là 66,7%, trong đó nhiều trường có tỷ lệ dưới 30%, đến năm 2011 tỷ lệ tốt nghiệp là 95,72%, trong đó có hàng trăm trường tốt nghiệp 100%. Dư luận xã hội băn khoăn và nghi ngại thực chất của kết quả nói trên và cho rằng, việc coi thi, chấm thi của kỳ thi vừa qua có vấn đề. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, đã có văn bản yêu cầu các địa phương có kết quả thi tốt nghiệp cao phải báo cáo tình hình. Bộ GDÐT cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra, phúc khảo, phúc tra lại kết quả thi. Ðến thời điểm này, cho thấy kết quả thi tốt nghiệp của năm 2011 về cơ bản là phù hợp. Chất lượng có tăng lên là kết quả của việc Ðảng và Nhà nước ta, các cấp, các ngành, địa phương chú trọng đầu tư cho công tác giáo dục, từ việc kiên cố hóa trường lớp học, làm nhà công vụ, tăng đội ngũ giáo viên, các điều kiện phục vụ công tác dạy và học, xây dựng "trường học thân thiện, học sinh tích cực", từ đó chất lượng giáo dục ở nhiều nơi đã có chuyển biến tích cực.
Ðại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) và một số đại biểu khác cho rằng, những năm qua, vấn đề nổi lên là hầu hết học sinh dự thi THPT đều đỗ tốt nghiệp, phần lớn các em dự thi đại học cũng được xét tuyển thông qua nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Số lượng sinh viên ra trường bằng giỏi, bằng khá chiếm tỷ lệ rất cao. Tuy nhiên, trên thực tế, chất lượng sinh viên ngày càng thấp. Về vấn đề này, Bộ trưởng GDÐT Phạm Vũ Luận giải thích, việc xếp hạng học sinh Bộ đã có quy chế. Còn việc chấm, cho điểm, xếp hạng là việc của các trường. Ðể giải quyết việc này, ngành GDÐT đã tăng cường kiểm tra, kiểm định chất lượng nhà trường, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và thường xuyên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, qua đó giúp điều chỉnh dần hiện tượng một số trường dễ dãi trong việc cho điểm đánh giá về kết quả không tương xứng với năng lực thực chất. Bộ trưởng GDÐT thừa nhận, so với yêu cầu phát triển của đất nước, so với mong muốn của mỗi gia đình, người dân và cả của ngành, chất lượng đào tạo đại học còn yếu kém, bất cập.
Tuy nhiên, Bộ trưởng đưa ra con số so sánh kết quả đánh giá của tổ chức quốc tế: Chỉ số xếp hạng giáo dục của Việt Nam những năm qua đã tăng vọt, từ 120/141 quốc gia lên hạng 61, tăng 59 bậc. Năm 2008, những yếu kém của giáo dục được xếp hạng thứ ba trong số những nguyên nhân hạn chế khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, năm nay đã hạ xuống vị trí số 6. Về câu hỏi của đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) và một số đại biểu khác về vấn đề thành lập trường đại học, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Theo số liệu thống kê, từ năm 2006 đến năm 2011, qua sáu năm đã thành lập 84 trường đại học, trong đó thành lập mới 33 trường và nâng cấp từ các trường cao đẳng lên đại học 51 trường. Trong 84 trường đại học được thành lập, 59 trường công lập, 35 trường tư thục. Hiện nay cả nước có 202 trường đại học, 218 trường cao đẳng. Các điều kiện về thành lập trường cũng đã được nâng lên, như điều kiện về tiền vốn, điều kiện về đất đai, cơ sở vật chất, các yêu cầu về điều kiện bảo đảm chất lượng... Ðại biểu Phan Văn Tường đặt lại vấn đề, nhiều trường không tuyển đủ sinh viên, có trường nguy cơ phải đóng cửa, trong khi đó sinh viên đi học ở nước ngoài ngày càng tăng là vì sao? Bộ trưởng trả lời: Không phải chỉ năm nay một số trường đại học mới không tuyển đủ chỉ tiêu. Nguyên nhân là do một số ngành học, như những ngành liên quan nông, lâm, ngư nghiệp; xã hội, nhân văn; khoa học cơ bản, mặc dù nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực và những nhu cầu để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết, nhưng do có những khó khăn về vấn đề tìm việc, chế độ đãi ngộ nên không thu hút học sinh.
Thực hiện công bằng trong giáo dục
Một số đại biểu chất vấn Bộ trưởng GDÐT chung quanh việc một số địa phương vừa qua công khai "nói không" với sinh viên dân lập, phân biệt người tốt nghiệp đại học trong và ngoài công lập? Bộ trưởng khẳng định, quan điểm của Bộ là không phân biệt các hệ đào tạo, kể cả chính quy, tại chức hay đào tạo từ xa. Việc mở các lớp đại học tại chức tại địa phương là vì nhu cầu đào tạo cán bộ tại đó. Còn hình thức đào tạo từ xa cũng là một tiến bộ mới, có nhiều ưu điểm vượt trội. Bộ trưởng nêu rõ: Thực tế một số địa phương từ chối nhận sinh viên tốt nghiệp tại chức, dân lập. Ðây là sự cảnh báo nghiêm túc để chấn chỉnh lại chất lượng đào tạo những hệ học này. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận, so với yêu cầu của sự nghiệp CNH, HÐH đất nước và so với mong muốn của Ðảng, của nhân dân và của ngành giáo dục - đào tạo, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực là bất cập, còn có những yếu kém. Chính vì vậy, Ðảng ra chỉ thị phải đổi mới căn bản và toàn diện công tác giáo dục và đào tạo trong nhiều năm tới.
Các đại biểu Ya Duck (Lâm Ðồng), Tôn Thị Ngọc Hạnh (Ðác Nông), Nông Thị Bích Liên (Hà Giang)... phản ánh thực trạng đến lớp của con em đồng bào dân tộc thiểu số từ bậc phổ thông cho đến đại học hiện nay rất khó khăn. Hiện nay chất lượng giáo dục cả nước nhìn chung ngày càng ổn định, nhưng chất lượng giáo dục giữa học sinh miền núi và đồng bằng vẫn còn một khoảng cách khá xa. Vậy ngành giáo dục có những chính sách gì để bảo đảm thực hiện công bằng trong giáo dục? Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời: Về học sinh dân tộc, các chính sách hiện nay đã có ưu tiên như sau: Thứ nhất là chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ. Về cơ bản được triển khai ở các tỉnh miền núi, biên giới và hải đảo, đã và sẽ tiếp tục tập trung giải quyết vấn đề thiếu trường lớp. Thứ hai, đối với thầy, cô giáo, đã có chính sách thu hút được hưởng phụ cấp trong năm năm đầu. Mặt khác, các điều kiện về chính sách ưu đãi cũng được áp dụng đối với học sinh dân tộc nội trú, dân tộc bán trú, các chế độ hỗ trợ về sách vở, tiền ăn. Bộ trưởng cho biết: Bộ GDÐT đã thống nhất với Hội đồng Dân tộc của QH sau kỳ họp này sẽ có cuộc họp hai bên với Ủy ban Dân tộc nhằm tổng kết các chính sách đối với học sinh dân tộc, và đã đề xuất với Chính phủ, Quốc hội một chính sách mới đối với học sinh người dân tộc cũng như đối với các thầy, cô giáo công tác tại khu vực đặc thù này. Chúng ta đã tập trung rất nhiều nguồn lực, rất nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng GDÐT các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Các vùng này đã có chuyển biến bước đầu. Tuy nhiên, đây là ba "vùng trũng" về chất lượng giáo dục, vì thế cần có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa.
Ðổi mới một cách căn bản và toàn diện
Trả lời câu hỏi về việc cấu trúc lại nền giáo dục, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Trong Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng đã khẳng định là đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đào tạo; đổi mới cả nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học; đổi mới quản lý giáo dục theo chuẩn hóa, xã hội hóa, hội nhập quốc tế. Trên tinh thần này, Ban cán sự Ðảng của Bộ Giáo dục - Ðào tạo vừa qua đã thành lập Ban chỉ đạo để triển khai quán triệt tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Ðại hội XI, tiếp tục nghiên cứu và phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương thành lập các nhóm nghiên cứu, các ban nghiên cứu về các nội dung liên quan đổi mới căn bản, toàn diện GDÐT. Theo kế hoạch, Bộ GDÐT và Ban Tuyên giáo Trung ương cùng với sự tham gia của các cơ quan hữu quan, các chuyên gia trong và ngoài ngành giáo dục có hiểu biết về lý luận, thực tiễn trong và ngoài nước để xây dựng đề án này.
Tham gia trả lời chất vấn của đại biểu QH về vấn đề GDÐT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Chính phủ rất quan tâm làm thế nào đổi mới một cách toàn diện, đồng bộ hệ thống giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Ðây cũng là xu hướng ở nhiều nước trên thế giới. Vấn đề đổi mới công tác quản lý trong GDÐT là khâu đột phá. Theo đó, phải hoàn chỉnh lại quy hoạch giáo dục bậc đại học, phổ thông và cơ sở nghề theo phân cấp trách nhiệm. Vấn đề thứ hai là thực hiện phân cấp trong quản lý. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quyết định phân cấp cho chính quyền địa phương tham gia việc giám sát điều kiện hình thành hoạt động các cơ sở giáo dục đại học và dạy nghề. Thứ ba, phải hoàn chỉnh quy chế quản lý nhà nước ở các cấp học, trên cơ sở đó đẩy mạnh tính tự chủ của cơ sở giáo dục từ phổ thông đến giáo dục đại học. Thứ tư, phải nâng cao chất lượng đội ngũ hiệu trưởng các trường. Vì đây chính là các "tư lệnh" của ngành giáo dục tại hơn 30 nghìn trường phổ thông và hơn 400 trường đại học và cao đẳng.
Phó Thủ tướng cũng đã tập trung phân tích nhiều vấn đề liên quan công tác GDÐT được các đại biểu quan tâm.
Phát biểu ý kiến kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng GDÐT, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: Có thể nói, công tác GDÐT trong những năm vừa qua đã có những chuyển biến khá tích cực. Tuy nhiên, các đồng chí Bộ trưởng GDÐT và Phó Thủ tướng đều thừa nhận chất lượng GDÐT chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Chúng ta cần tiếp tục thực hiện những chủ trương, chiến lược của Chính phủ và những Nghị quyết của Quốc hội, những Nghị quyết của Ðảng về công tác này tốt hơn nữa. Theo Chủ tịch QH, thời gian tới, phải tiếp tục việc đầu tư cho GDÐT cả nước nói chung, đặc biệt quan tâm hơn nữa đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở các vùng khó khăn, miền Tây Nam Bộ, miền núi phía bắc, vùng duyên hải miền trung, để bảo đảm công bằng trong sự nghiệp GDÐT. Ngoài việc quản lý nhà nước nói chung, cần sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, mỗi gia đình và của hệ thống chính trị đối với sự nghiệp GDÐT, đưa sự nghiệp giáo dục đào tạo của chúng ta phát triển trong một giai đoạn mới, đáp ứng nhu cầu và yêu cầu công cuộc phát triển đất nước.
Minh bạch thị trường xăng dầu và điện
Ðầu giờ làm việc buổi chiều, Bộ trưởng Tài chính Vương Ðình Huệ trả lời chất vấn của các đại biểu QH về công tác điều hành giá xăng dầu; vấn đề lỗ và lãi trong kinh doanh của ngành điện và thu nhập của cán bộ, công nhân viên trong ngành này; một số doanh nghiệp sản xuất điện đang đứng trước nguy cơ phá sản do bán điện giá thấp cho Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN); vấn đề nợ công của Việt Nam; hiệu quả hoạt động của Quỹ bình ổn giá. Bộ trưởng Vương Ðình Huệ cho biết, về nguyên tắc quản lý điều hành giá, Chính phủ điều hành theo quy tắc của thị trường có sự quản lý của Nhà nước, tôn trọng sự định giá của doanh nghiệp, bảo đảm các doanh nghiệp kinh doanh có lãi phù hợp. Nếu không thực hiện theo nguyên tắc này, sẽ không thu hút được đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, cần tuân thủ nguyên tắc không bao cấp tràn lan và không thực hiện bù chéo cho nhau. Hiện nay, trong ngành điện, đang thực hiện bao cấp cho sản xuất thép và xi-măng. Ðiện thương phẩm bán cho hai ngành này có giá thấp là 914 đồng. Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đã nhập phôi thép vào Việt Nam, dùng năng lượng giá rẻ để sản xuất thép và bán ra nước ngoài. Hiện nay, Nhà nước đã và đang triển khai các biện pháp bình ổn giá điện, trợ giá cho người nghèo, người thu nhập thấp.
Kết quả kinh doanh của ngành điện được nhiều đại biểu QH quan tâm đặt câu hỏi. Bộ trưởng Vương Ðình Huệ cho biết, năm 2010, trong kinh doanh điện, EVN lỗ hơn tám nghìn tỷ đồng, lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 15 nghìn tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân chính là EVN phải mua điện giá cao của một số nhà sản xuất ngoài ngành để phục vụ nhu cầu tiêu thụ điện năng của cả nước. Việc đầu tư ngoài ngành của EVN có khoản lỗ, có khoản lãi nhưng không tính vào lỗ của EVN trong kinh doanh điện.
Về điều hành giá điện, Bộ trưởng Tài chính khẳng định, sẽ triển khai theo nguyên tắc thị trường, tuy nhiên chủ trương chung sẽ tìm mọi cách giảm giá thành điện, nếu tăng sẽ tăng kiềm chế. Giá bán điện cho hộ nghèo được giữ nguyên như hiện hành và những hộ gia đình có mức tiêu thụ điện trung bình sẽ không phải trả tiền điện cao. Giá điện năm 2012 dự kiến tăng 4,6%.
Về vấn đề EVN mua điện giá thấp của một số nhà sản xuất, gây khó khăn cho các doanh nghiệp này, Bộ trưởng Vương Ðình Huệ thừa nhận là có hiện tượng này và theo hợp đồng đã ký kết là trong 40 năm sẽ không thay đổi giá. Do tỷ giá và lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao trong thời gian qua nên các doanh nghiệp sản xuất điện bán giá thấp gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề này đã được các bộ, ngành trao đổi cụ thể và Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tháo gỡ. Tham gia trả lời chất vấn, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã làm rõ hơn vấn đề giá điện. Theo đó, những doanh nghiệp bán điện giá thấp là doanh nghiệp độc lập, quy mô nhỏ, mới xây dựng, mới kinh doanh, hoạt động phụ thuộc vào nguồn nước về... cho nên kinh doanh không thuận lợi. Ðược sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 41 quy định phương pháp xác định giá phát điện; trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành khung giá phát điện và phê duyệt hợp đồng mua bán điện. Theo đó, EVN xem xét lại các hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp bán điện giá thấp, nếu có biến động quá lớn, ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình sản xuất của doanh nghiệp thì có thể điều chỉnh.
Ðối với vấn đề thu nhập của công nhân viên EVN khoảng 7,3 triệu đồng/tháng trong khi kinh doanh thua lỗ đang gây nhiều thắc mắc trong dư luận xã hội, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu rõ, trong thực tế, EVN có nhiều loại phụ cấp bên cạnh lương cơ bản và các phụ cấp chiếm khoảng 25% tiền lương. Vì vậy, khi công bố về thu nhập của công nhân viên trong ngành, lãnh đạo EVN cần có giải trình chi tiết. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra về mức lương của công nhân viên EVN có được thực hiện đúng quy định của pháp luật hay không.
Một trong những vấn đề "nóng" được nhiều đại biểu QH quan tâm và đặt câu hỏi chất vấn là thực trạng, kết quả kinh doanh của ngành xăng dầu. Bộ trưởng Vương Ðình Huệ nêu rõ, trong năm 2011, nếu không có biến động lớn về tỷ giá, các doanh nghiệp xăng dầu thực hiện tốt định mức và các quy định của Nhà nước thì có thể có lãi. Bộ Tài chính sẽ có báo cáo cụ thể kết quả kiểm tra các doanh nghiệp xăng dầu sau khi hoàn thành công tác kiểm tra, giám sát và xem xét giải trình của các doanh nghiệp xăng dầu.
Về điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua đã điều chỉnh bốn lần, trong đó có hai lần tăng giá và hai lần giảm giá. Giá bán xăng dầu phải phù hợp giá thành quốc tế, bởi Việt Nam nhập khẩu 70% số lượng xăng dầu. Bộ trưởng lưu ý, giá bán xăng dầu là giá thành phẩm chứ không phải giá dầu thô. Ðây là hai loại giá khác nhau và nếu không rõ ràng sẽ gây sự hiểu lầm cho người tiêu dùng. Trong thời gian tới, việc điều hành giá xăng dầu sẽ thực hiện theo Nghị định 84 của Chính phủ, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã làm rõ hơn vấn đề lỗ-lãi trong kinh doanh của ngành xăng dầu. Theo đó, ngành này được phép hoạt động đầu tư ngoài ngành trên năm lĩnh vực. Nếu tính kết quả của cả năm loại hình thì ngành xăng dầu có lãi, nhưng nếu tính riêng kinh doanh xăng dầu thì lỗ.
Trả lời những câu hỏi về nợ công của Việt Nam, trước sự lo lắng, băn khoăn của nhiều đại biểu QH, Bộ trưởng Vương Ðình Huệ nêu rõ, nợ công của nước ta đang ở mức an toàn. Bởi 79% số tiền vay của Việt Nam là vay từ nguồn ODA với kỳ hạn vay và ân hạn lâu (có khoản vay tới 50 năm mới phải trả nợ) trong khi lãi suất rất thấp. Các khoản vay của Việt Nam khác với nhiều nước đi vay thế giới ở chỗ chủ yếu là vay ưu đãi. Vấn đề quan trọng là Việt Nam vay như thế nào, sử dụng thế nào và trả nợ ra sao. Hiện nay, tổng chi phí trả nợ chiếm 15% tổng thu ngân sách. Nhưng có khoảng 1,5% số nợ phải trả hằng năm là các doanh nghiệp phải trả do vay lại của Nhà nước. Bộ trưởng nêu một số giải pháp để quản lý nợ công tốt, đó là giảm bội chi; tăng cường năng lực, hiệu lực quản lý nợ công; tăng cường quản lý rủi ro về giá và lãi suất; ổn định kinh tế vĩ mô...
Ðối với câu hỏi về hiệu quả hoạt động của Quỹ bình ổn giá trong thời gian qua, Bộ trưởng Tài chính cho biết, hiện có 30 tỉnh, thành phố tham gia bán hàng bình ổn giá, với gần năm nghìn điểm, trong đó, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có nguồn kinh phí phục vụ bình ổn giá lớn nhất. Việc bán hàng bình ổn giá đã có những tác động tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, hạn chế tăng giá, góp phần làm giảm lạm phát, nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc bán hàng bình ổn giá mới chủ yếu hỗ trợ qua cho vay vốn với lãi suất 0%; quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa còn kém và lợi nhuận rơi vào các khâu trung gian; nhiều địa phương chưa bán hàng bình ổn giá ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu làm rõ thêm một số vấn đề về lộ trình giá xăng dầu, điện. Theo đó, hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt việc hình thành thị trường cạnh tranh về xăng dầu, cạnh tranh về điện. Tuy nhiên, các bước đi cần thận trọng, phù hợp tình hình kinh tế đất nước.
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đáp ứng nhu cầu phát triển
Cuối buổi chiều, các đại biểu tiến hành chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình về các giải pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, góp phần bảo đảm giá trị đồng tiền và bình ổn thị trường tiền tệ; công tác kiểm tra, xử lý các tổ chức tín dụng và cán bộ, nhân viên các ngân hàng vi phạm; việc bảo đảm vốn cho sản xuất, kinh doanh và chống lạm phát, không để nền kinh tế rơi vào trì trệ.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu), Touneh Drong Minh Thắm (Lâm Ðồng) và nhiều đại biểu khác về phương án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong thời gian tới; số lượng ngân hàng đang hoạt động yếu kém và phương án xử lý, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong nhiều năm qua, hệ thống ngân hàng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phát triển của nền kinh tế từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu, đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải thay đổi cho phù hợp. Việc tái cơ cấu không phải là do hệ thống ngân hàng yếu kém quá, nếu không tái cơ cấu sẽ nảy sinh hệ lụy. Thực tế, thời gian qua nhiều ngân hàng trên thế giới chao đảo do suy thoái kinh tế, nhưng các ngân hàng của chúng ta vẫn đứng vững, mặc dù có nhiều yếu kém. Ðiều này cho thấy, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng xuất phát từ bản thân nội tại của nền kinh tế cần chuyển sang giai đoạn phát triển mới và việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng phải coi là việc làm bình thường.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình nêu rõ, từ nay đến cuối năm 2011, Chính phủ sẽ ban hành Ðề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, theo hướng bảo đảm hệ thống ngân hàng an toàn, hoạt động lành mạnh, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; bảo đảm đáp ứng nhu cầu về vốn và chất lượng vốn cũng như các dịch vụ ngân hàng. Hệ thống ngân hàng sẽ được tái cơ cấu theo hướng đa dạng về sở hữu, đa dạng về quy mô. Trong đó có từ 10 đến 15 ngân hàng lớn làm trụ cột. Ðối với những ngân hàng nhỏ nhưng hoạt động lành mạnh vẫn để tồn tại, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Tuy nhiên, khó khăn trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là xử lý các tổ chức tín dụng hoạt động yếu kém.
Về chất lượng hoạt động của các ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện nay cả nước có 37 ngân hàng cổ phần, trong đó có tám ngân hàng hoạt động lành mạnh, làm trụ cột cho hệ thống ngân hàng thương mại; tám ngân hàng hoạt động ở mức trung bình; tám ngân hàng quy mô nhỏ, nhưng hoạt động lành mạnh và chín ngân hàng nhỏ và chưa lành mạnh. Tỷ lệ ngân hàng hoạt động yếu kém không quá 5% tổng số ngân hàng.
Ðại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) và một số đại biểu khác đặt câu hỏi, việc quy định trần lãi suất huy động tiền gửi là 14% có gây thiệt thòi cho người gửi tiền không, khi mà lạm phát tăng cao và tại sao các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng.
Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trần lãi suất huy động 14% được quy định cuối năm 2010 là có ý nghĩa tích cực và vẫn có lợi cho người gửi tiền trong điều kiện lạm phát năm 2011 dự báo chỉ khoảng 7%. Tuy nhiên, chúng ta đã giữ mức trần lãi suất đó quá lâu, khi mà lạm phát đã tăng cao, nên không phù hợp, không phản ánh đúng thực tế thị trường, khiến người gửi tiền có lúc bị thiệt thòi. Gần đây, nhất là từ tháng 8- 2011 lạm phát đã có chiều hướng giảm, nên việc tiếp tục giữ trần lãi suất huy động 14% như hiện nay lại trở nên phù hợp. Ðối với việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, có thời điểm một số doanh nghiệp chưa tiếp cận được, vì ngân hàng không đủ vốn do nhu cầu vay cao.
Sáng hôm nay (25-11), các đại biểu QH tiếp tục chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình về những nội dung liên quan đến ngành ngân hàng.
Theo: nhandan.com.vn