Ngày làm việc thứ 20, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận ba dự án luật

07:11, 17/11/2011

Ngày 16-11, ngày làm việc thứ 20, kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII. Các đại biểu thảo luận ba dự án: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Bộ luật Lao động (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi).

Nhiều băn khoăn về tính khả thi

Các đại biểu QH thảo luận tại hội trường.
Các đại biểu QH thảo luận tại hội trường.

Buổi sáng, các đại biểu QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Các ý kiến phát biểu đều đồng tình về sự cần thiết ban hành luật này như Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH cùng tên gọi của luật là Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và phạm vi điều chỉnh của luật như quy định trong dự thảo. Vấn đề được thảo luận nhiều là tính khả thi của luật. Theo ý kiến các đại biểu: Trần Văn Bản (Bình Ðịnh), Trương Thị Yến Linh (Cà Mau), Nguyễn Hoàng Việt (Ðồng Tháp), Ma Thị Thúy (Tuyên Quang)... thì Ðiều 7 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó Khoản 7: Cấm bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi và Khoản 1 Ðiều 25 quy định về bán thuốc lá, trong đó cơ sở bán thuốc lá phải treo biển không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi, là không khả thi vì không có điều kiện, căn cứ để xác định tuổi của người mua thuốc lá, nhất là ở các quán bán nước chè đồng thời bán thuốc lá. Một số ý kiến cho rằng, chúng ta mới chú ý công tác tuyên truyền giáo dục, còn những chế tài xử lý vi phạm chưa cụ thể, chưa đủ mạnh do đó khó thực hiện (Bùi Mạnh Hùng - Bình Phước). Thực tiễn những năm qua cho thấy, kết quả việc thực hiện quy định cấm hút thuốc lá ở địa điểm công cộng theo Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ còn rất hạn chế. Gần năm năm thi hành nhưng chỉ xử phạt được một vài trường hợp, tình trạng hút thuốc lá vẫn diễn ra công khai ở các điểm công cộng, kể cả trường học, bệnh viện. Ðề nghị cần nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể về thẩm quyền, thủ tục xử lý người vi phạm thì các quy định nói trên mới có tính khả thi.

Vấn đề thứ hai thu hút nhiều ý kiến là quy định về in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá. Hầu hết ý kiến tán thành với quy định của dự thảo (Ðiều 14) là: Thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh và phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mặt chính trước và mặt chính sau trên tất cả các bao bì thuốc lá, bảo đảm rõ ràng, dễ nhìn. Ý kiến khác đề nghị quy định in cảnh báo sức khỏe bằng chữ viết và hình ảnh chiếm ít nhất 30% diện tích mặt chính trước, mặt chính sau trên tất cả các vỏ bao thuốc lá. Có ý kiến tán thành việc in cảnh báo sức khỏe, nhưng nên cân nhắc việc quy định tỷ lệ diện tích in cảnh báo và đề xuất trong thời gian trước mắt nên quy định là 30%.

Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu thảo luận là việc thành lập Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Các đại biểu: Nguyễn Hoàng Việt, Trương Thị Yến Linh, Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang), Nguyễn Thu Anh (Lâm Ðồng), tán thành quy định về vấn đề này trong dự thảo. Ðại biểu Trần Văn Bản tuy tán thành, nhưng đề nghị không đưa nội dung: "Nâng cao sức khỏe cộng đồng" vào quỹ này, vì dễ dẫn đến việc sử dụng sai mục đích. Các đại biểu: Dương Ngọc Ngưu (Ðiện Biên), Ðặng Ðình Luyến (Khánh Hòa) và một số đại biểu khác cho biết, dự án luật này liên quan nội dung Hiến pháp và nhiều đạo luật khác như Luật Doanh nghiệp... Do đó đề nghị cần rà soát lại để bảo đảm tính tương thích của luật này và các luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Bảo đảm quyền lợi người lao động

Buổi chiều, các đại biểu làm việc ở tổ, thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Thảo luận dự án Bộ luật Lao động, hầu hết ý kiến phát biểu tán thành việc ban hành luật này, nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động. Một số đại biểu đề nghị, cùng với các quy định bảo vệ quyền lợi người lao động, Bộ luật cần đưa ra những quy định bảo vệ cả người sử dụng lao động, vì hai đối tượng này có quan hệ không thể tách rời.

Nhiều đại biểu đề cập vấn đề tiền lương, tiền công được quy định trong Bộ luật Lao động. Tiền lương tối thiểu phải hướng đến mục tiêu bảo vệ người lao động,  bảo đảm để người lao động sống đủ bằng tiền lương của mình. Ðối với quy định làm thêm giờ, hầu hết các đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định theo hướng chỉ cho phép làm thêm giờ đối với một số ngành, nghề nhất định và phải có sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động còn nhiều ý kiến khác nhau. Một số đại biểu cho rằng, nên nâng độ tuổi nghỉ hưu nhằm sử dụng tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là những người làm công tác khoa học, thợ bậc cao... Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị, cần chia theo nhóm lao động nặng nhọc, nhóm lao động trí óc, nhóm làm công tác khoa học... để quy định độ tuổi nghỉ hưu phù hợp với từng nhóm. Về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, các đại biểu đề nghị, nên quy định mức nghỉ thai sản tối thiểu là bốn tháng, tối đa là sáu tháng và tạo điều kiện để lao động nữ có thể lựa chọn, quyết định thời điểm nghỉ thích hợp. Cần quy định thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nữ khu vực nông nghiệp, nông thôn, vì hiện nay chưa có quy định đối với nhóm đối tượng này.

Thảo luận dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), hầu hết đại biểu tán thành  sớm ban hành luật này nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Ðảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhiều đại biểu đề nghị, luật cần đưa ra những quy định nhằm khẳng định địa vị pháp lý của công đoàn không chỉ là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động mà còn phải cùng cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhiều đại biểu quan tâm góp ý kiến về vai trò của tổ chức công đoàn trong việc tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật. Một số đại biểu cho rằng, thời gian qua nhiều cuộc đình công xảy ra, trong đó có nhiều cuộc đình công trái pháp luật do chưa có quy định cụ thể về việc đình công và vai trò của tổ chức công đoàn trong việc giải quyết các vụ đình công. Do vậy, luật cần đưa ra quy định cụ thể theo hướng khi giải quyết tranh chấp lao động, đình công, tổ chức công đoàn phải tham gia đầy đủ vào việc giải quyết, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, cũng như hướng dẫn để người lao động không vi phạm pháp luật. Ðồng thời, xem xét ban hành quy định nhằm bảo vệ người lao động đình công hợp pháp và cấm đình công trái pháp luật.

Một vấn đề mới quy định trong dự thảo luật được nhiều đại biểu góp ý kiến là quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài. Hầu hết ý kiến phát biểu tán thành quy định này, nhưng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc thêm vì liên quan đến việc bảo đảm an ninh, trật tự xã hội. Về vấn đề đại diện cho tập thể lao động ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, hầu hết các đại biểu tán thành không thành lập tổ chức đại diện của người lao động (có chức năng như tổ chức công đoàn) ở các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, cũng không nên quy định ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn thì Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở sẽ đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động như trong dự thảo luật.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com