Ngày 25-11-2011, Hội Sinh vật cảnh (SVC) tỉnh đã tổ chức đại hội lần thứ IV (nhiệm kỳ 2011-2016). Các đồng chí: Đỗ Phượng, Chủ tịch Hội SVC Việt Nam; Bùi Đức Long, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Công Chuyên, Uỷ viên Ban TVTU, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ; đại diện 18 Hội SVC của các tỉnh, thành phố trong cả nước đến dự.
Toàn tỉnh hiện có 11 Hội SVC huyện, thành phố, 225 cơ sở hội xã, phường, thị trấn, 1.486 chi hội với tổng số 17.550 hội viên. Thực hiện Chỉ thị số 16 ngày 18-6-2006 của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh phong trào SVC thành một ngành kinh tế, 5 năm qua, toàn tỉnh đã chuyển đổi 1.983ha theo quy hoạch sang làm kinh tế SVC, đưa tổng diện tích làm SVC toàn tỉnh lên 4.583ha. Năm 2010 thu nhập từ SVC ước đạt 1.200 tỷ đồng, bình quân thu nhập 222 triệu đồng/ha. 10 tháng đầu năm 2011, thu nhập từ SVC ước đạt 1.700 tỷ đồng, bình quân thu nhập 250 triệu đồng/ha, giá trị SVC hiện còn ước 12 nghìn tỷ đồng. Từ hoạt động SVC đã xuất hiện hàng chục nghìn vườn cảnh, khuôn viên cây xanh, cây cảnh; một số cơ sở SVC còn tham gia dự án trồng tre bảo vệ đê, kè, trồng rừng phòng hộ ven biển. Riêng năm 2010, số cây bổ sung vào các di tích lịch sử, nghĩa trang, công sở, trường học là 12.650 cây. Trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hội SVC tỉnh đã tuyển chọn 104 tác phẩm tham gia triển lãm trưng bày SVC tại thủ đô. Thu nhập từ kinh tế SVC tăng dần theo các năm, từ mức trung bình 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đến năm 2011 đạt 10%, một số huyện, xã đạt 15-20%. Nhiệm kỳ 2011-2016, toàn tỉnh phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn có tổ chức hội thực hiện xã hội hoá phong trào SVC; 70% cơ sở hội đạt tiêu chuẩn khá và vững mạnh, không có cơ sở yếu kém; mở rộng xây dựng, kết nạp các CLB chim cảnh, cá cảnh, đá cảnh, gỗ lũa… Phấn đấu đến năm 2015 SVC toàn tỉnh đạt 20% GDP; 25 nghìn hội viên và 90% số hội viên được phổ cập kiến thức cơ bản về SVC. Đẩy mạnh phát triển SVC tại các nơi công cộng, công sở, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; bảo tồn các cây cổ thụ, bảo tồn phát triển SVC tại các di tích lịch sử văn hóa, tạo cảnh quan môi trường sinh thái, để tạo thành ngành kinh tế mạnh; đào tạo nghề cho nông dân nhân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Phát biểu tại đại hội, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận những thành tích đã đạt được của Hội SVC trong thời gian qua và nhấn mạnh: Trong thời gian tới Hội SVC cần đẩy mạnh tuyên truyền, để SVC thực sự trở thành một ngành kinh tế tạo thu nhập cao cho hội viên, cho nông dân; tập trung vào tận dụng, cải tạo vườn tạp để phát triển SVC, góp phần xây dựng nông thôn mới. Làm tốt công tác dạy nghề, truyền nghề; đồng thời phối hợp với các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể để dạy nghề SVC. Thường xuyên tổ chức triển lãm, trưng bày SVC, đưa SVC vào cơ quan, công sở, công trình công cộng; trưng bày, triển lãm, giao lưu…, tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm SVC. Năm 2012 tỉnh ta có nhiều ngày kỷ niệm lớn, nhất là kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Thành phố Nam Định trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh…, tỉnh sẽ tổ chức Festival SVC lớn, Hội SVC cần có sự chuẩn bị đóng góp tích cực./.
Tuấn Anh