Ngày 6-10-2011, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức tọa đàm với chủ đề đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào “Xây dựng khu dân cư 5 không” gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các đồng chí: Trần Lương Bằng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các tổ chức thành viên MTTQ tỉnh; cán bộ Mặt trận ở một số địa phương trong tỉnh tham dự.
Phong trào “Xây dựng khu dân cư 5 không” (không hộ nghèo, không có tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội và ô nhiễm môi trường, không có trẻ em thất học, bỏ học, không có người sinh con thứ 3 trở lên, không có người khiếu kiện trái pháp luật), là phong trào cụ thể hóa các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được Ủy ban MTTQ tỉnh phát động vào tháng 5-2001. Qua hơn 10 năm thực hiện, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các khu dân cư trong tỉnh, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, tham gia giải quyết hiệu quả những vấn đề thiết thực như giảm nghèo; phòng chống, bài trừ tệ nạn, hủ tục, bảo vệ môi trường; vấn đề trẻ em thất học, bỏ học; công tác Dân số - KHHGĐ, vấn đề an ninh nông thôn… Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, toàn tỉnh đang chung sức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đòi hỏi phong trào xây dựng “khu dân cư 5 không” phải đổi mới nội dung, cách làm theo hướng cụ thể, thiết thực hơn. Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng dự thảo đề án đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào “xây dựng khu dân cư 5 không” gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới gồm: không có hộ nghèo, không có tội phạm, tệ nạn xã hội và mất an ninh trật tự; không có người sinh con thứ 3 trở lên; không có ô nhiễm môi trường và văn hóa; không có tổ chức, chi hội đoàn thể xếp loại trung bình, yếu kém. Kèm theo mỗi nội dung là các tiêu chí đánh giá cụ thể.
Tại buổi tọa đàm, các ý kiến đều đánh giá cao mục đích, nội dung dự thảo đề án; thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào việc lựa chọn, xây dựng các nội dung, các tiêu chí của phong trào; việc bình xét, đánh giá, các hình thức công nhận cũng như các giải pháp thực hiện, đảm bảo khi ban hành đề án bám sát thực tiễn, có tính khả thi cao, có sức lan tỏa mạnh mẽ, được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ, trực tiếp tham gia, góp phần giải quyết hiệu quả những vấn đề cụ thể, thiết thực ở khu dân cư hiện nay, qua đó đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương. Các ý kiến đóng góp tại buổi tọa đàm sẽ được Ủy ban MTTQ tỉnh lựa chọn, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo đề án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện trong phạm vi toàn tỉnh./.
Duy Hưng