Thảo luận ở tổ tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách TW năm 2012

08:10, 26/10/2011

* Thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Khiếu nại

Ngày 24-10, buổi sáng Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2011; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách TW năm 2012; buổi chiều Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Khiếu nại.

Tránh bình quân, dàn trải và thiếu tập trung trong chi ngân sách Nhà nước

Thảo luận tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2011; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách TW năm 2012, nhiều đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. 

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ. Ảnh: PV
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ.

Bên cạnh ghi nhận những kết quả từ việc Chính phủ ban hành kịp thời Nghị quyết số 11/NQ-CP với các giải pháp đúng đắn, kịp thời, nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, một số đại biểu cho rằng, về chính sách chi NSNN năm 2011 vẫn chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế. Thực tế cho thấy, tình trạng bình quân, dàn trải, chia cắt và thiếu tập trung trong chi NSNN chưa được cải thiện. Thực trạng đó là do hiệu lực quản lý, điều hành NSNN chưa nghiêm, kỷ luật tài chính còn lỏng lẻo và thiếu đồng bộ. Một số đại biểu cho rằng, các công trình trọng điểm, dự án chuyển tiếp chưa thật sự được ưu tiên bố trí vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả; trong khi nhiều dự án mới chưa thật sự cấp bách vẫn được khởi công. Điều đó cho thấy việc thực hiện chưa nghiêm Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Nhiều đại biểu nhận xét, trong báo cáo thẩm tra nêu Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu công, nhưng tổng số chi NSNN vừa qua vẫn vượt dự toán 9,7%. Đây là mức tăng khá lớn trong bối cảnh đang thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt. Đề cập tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2011; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách TW năm 2012, một số ý kiến đề xuất, để đổi mới một cách toàn diện và cơ bản, cần bắt đầu từ việc sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, qua đó thay đổi phương thức phân bổ đầu tư truyền thống. Cách phân bố hiện nay dễ xảy ra tình trạng "chạy" dự án, "chạy" ngân sách. Một số đại biểu lo ngại mức bội chi NSNN hiện nay liên tục và kéo dài trong nhiều năm, từ đó dẫn đến tình trạng nợ công và nợ nước ngoài ở mức khá cao so với các nước trong khu vực. Nhiều đại biểu đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ giải trình rõ về nguyên nhân tăng chi, thẩm quyền quyết định tăng chi đầu tư phát triển vượt so với dự toán. Bên cạnh đó, thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội thực hiện chức năng giám sát của mình, thẩm định lại các dự án đầu tư, các dự toán nhằm quản lý chặt chẽ các khoản chi từ NSNN.

Về dự toán NSNN năm 2012, một số đại biểu cho rằng, cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, chấp hành nghiêm quy định của Luật NSNN, tuân thủ đúng thẩm quyền quyết định NSNN của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian tới, cần cơ cấu lại chi NSNN, bảo đảm việc bố trí, phân bổ ngân sách có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên chi cho con người và lĩnh vực an sinh xã hội; bảo đảm các tỷ lệ đối với giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ theo Nghị quyết của Quốc hội. Nhiều đại biểu đề nghị, cần quan tâm đầu tư thích đáng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đầu tư phát triển vùng kinh tế động lực có khả năng thu ngân sách lớn; ưu tiên cho các vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và các địa phương có khả năng bứt phá để tự cân đối ngân sách...

Nhiều ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật Khiếu nại

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Khiếu nại. Mở đầu, các đại biểu đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khiếu nại.

Báo cáo đã nêu rõ tám vấn đề chung, năm vấn đề cụ thể còn ý kiến khác nhau về dự thảo và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Quốc hội xem xét. Thí dụ, về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, qua thảo luận, có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành cơ chế giải quyết khiếu nại như quy định của dự thảo luật. Theo đó, việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại được thực hiện ở hai cấp. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cơ chế giải quyết khiếu nại như dự thảo luật về cơ bản tương tự như cơ chế hiện hành chưa bảo đảm thật sự khách quan và kém hiệu quả; tuy nhiên, cần đổi mới cơ chế giải quyết để việc giải quyết khiếu nại có hiệu quả hơn.

Trên cơ sở báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp ý kiến về dự thảo luật này. Một trong số những vấn đề lớn, thu hút nhiều đại biểu tham gia thảo luận là phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo luật.

Về phạm vi điều chỉnh có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án luật, đồng thời đề nghị làm rõ thêm việc áp dụng luật này đối với đơn vị sự nghiệp công lập; đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Loại ý kiến thứ hai đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Khiếu nại. Theo đó công dân được quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mọi cơ quan, tổ chức trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm bảo đảm quyền khiếu nại của công dân được ghi nhận tại Điều 74 của Hiến pháp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, khiếu nại và giải quyết khiếu nại xảy ra ở tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước và xã hội, mỗi lĩnh vực lại có đặc thù riêng cho nên trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết khiếu nại ở mỗi lĩnh vực là khác nhau, ở các loại hình cơ quan, tổ chức là khác nhau. Do đó, Luật Khiếu nại không thể quy định cụ thể trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết khiếu nại cho tất cả lĩnh vực, tất cả các loại hình cơ quan, tổ chức khác nhau. Mặt khác, để cụ thể hóa quy định tại Điều 74 của Hiến pháp thì trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết khiếu nại của công dân không chỉ được quy định trong Luật Khiếu nại, mà còn được quy định trong nhiều đạo luật khác như Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự... Vì vậy, đề nghị được giữ phạm vi điều chỉnh của luật là "Quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước".

Tuy nhiên, để bảo đảm quyền khiếu nại của công dân được quy định tại Điều 74 của Hiến pháp và cũng phù hợp với Luật Tố tụng hành chính vừa được Quốc hội ban hành, thực tiễn giải quyết khiếu nại hiện nay và kế thừa quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, vấn đề này cần được xử lý trong quy định về áp dụng pháp luật Khiếu nại và giải quyết khiếu nại tại Điều 3 của dự thảo luật. Cụ thể như sau:

1- Khiếu nại và giải quyết khiếu nại của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam được áp dụng theo quy định của luật này, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

2- Khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong các đơn vị sự nghiệp công lập được áp dụng theo quy định của luật này.

3- Căn cứ vào các quy định của luật này, các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về khiếu nại trong cơ quan, tổ chức mình.

4- Trường hợp luật khác có quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại thì áp dụng theo quy định của luật đó.

Các ý kiến phát biểu cũng đề cập một số vấn đề khác như: Tiếp công dân, khiếu nại nhiều người, thẩm quyền giải quyết khiếu nại...

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com