Thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Tố cáo

08:10, 26/10/2011

* Nghe Báo cáo về phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Báo cáo công tác của Viện trưởng KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao; Báo cáo  về công tác thi hành án và đặc xá

Ngày 25-10, kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII sang ngày làm việc thứ tư. Buổi sáng, các đại biểu làm việc ở Hội trường thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tố cáo. Buổi chiều, QH nghe Báo cáo của Chính phủ về phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Báo cáo công tác của Viện trưởng Kiểm sát Nhân dân tối cao (KSNDTC), Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC); Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án và đặc xá.

Bảo vệ người tố cáo và giải quyết tố cáo kịp thời, chính xác

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tố cáo theo ý kiến đóng góp của các đại biểu QH tại Kỳ họp thứ 8, QH khóa XII, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo Ủy ban Pháp luật gửi dự thảo Luật Tố cáo và dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tố cáo xin ý kiến tại các Ðoàn đại biểu Quốc hội. Tính đến ngày 7-10-2011, Ủy ban Pháp luật đã nhận được báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận về dự thảo luật này tại 40 trong số 63 đoàn đại biểu QH. Trên cơ sở đó đã tiếp thu, chỉnh lý để trình QH xem xét thông qua tại kỳ họp này. Dự thảo Luật Tố cáo gồm tám chương, 54 Ðiều.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường.

Sau khi nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tố cáo, các đại biểu QH đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.

Các điều 9, 10, 11 quy định về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo và người giải quyết tố cáo... được nhiều đại biểu QH quan tâm, phát biểu ý kiến đóng góp. Ðại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) đề nghị dự thảo luật cần có quy định xử phạt nghiêm minh việc lợi dụng tố cáo để  chống lại Ðảng, xuyên tạc chế độ, chính sách của Nhà nước, gây mất ổn định tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội. Ðại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) nêu vấn đề: Việc xây dựng Luật Tố cáo không chỉ đơn thuần là việc tách các điều khoản từ Luật Khiếu nại, tố cáo ra mà cần được nghiên cứu cụ thể, bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ và đáp ứng được yêu cầu của tình hình thực tế. Dự thảo luật đã có những quy định về việc bảo vệ người tố cáo, vì vậy trong Ðiều 10 cần bổ sung quy định về bảo vệ người bị tố cáo sai sự thật. Ðiều 9 dự thảo luật có quy định về quyền được yêu cầu giữ bí mật thông tin của người tố cáo. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, trên thực tế, có không ít người tố cáo sẵn sàng công khai danh tính. Cho nên dự thảo luật nên sửa thành chỉ bảo vệ thông tin của người tố cáo khi có yêu cầu. Ðại biểu này cho rằng, Ðiều 37 quy định về việc bảo vệ người tố cáo tại nơi công tác, làm việc là rất khó khả thi bởi quy định còn chung chung và không phù hợp với thực tế. Ðại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị, dự thảo luật cần quy định thêm về bảo vệ người giải quyết tố cáo và quy định cụ thể đơn vị, cơ quan nào có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo khi có yêu cầu.

Ðiều 19 của dự thảo luật quy định chỉ xem xét, giải quyết đối với các tố cáo rõ họ tên, địa chỉ... Nhiều đại biểu QH đồng ý quan điểm này nhằm tránh việc lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật, không có căn cứ, gây phức tạp, mất đoàn kết nội bộ.  Tuy nhiên, các đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình), Nguyễn Thanh Nam (Cà Mau) và một số đại biểu khác cho rằng, nên xem xét đơn tố cáo nặc danh vì đây có thể là những thông tin chính xác giúp các cơ quan chức năng điều tra sai phạm. Vì vậy, dự thảo luật cần bổ sung: Nếu tố cáo nặc danh có nội dung rõ ràng, có căn cứ, chứng cứ thì cần được xem xét, xác minh.

Về việc một số đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định như Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành là chỉ có hình thức tố cáo trực tiếp và gửi đơn tố cáo. Tuy nhiên, các đại biểu Nguyễn Hữu Ðức (Ðồng Tháp), Trần Xuân Hùng (Hà Nam), Ðinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) cho rằng, cần bổ sung các hình thức tố cáo để tăng cường hiệu quả của tố cáo sai phạm.

Ðiều 48 của dự thảo luật quy định về trách nhiệm của các cơ quan thông tin, báo chí được một số đại biểu quan tâm đóng góp ý kiến. Các đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) khẳng định  vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí trong việc tham gia tố cáo những sai phạm. Tuy nhiên, đề nghị luật cần quy định cụ thể trách nhiệm của tổng biên tập và phóng viên các cơ quan báo chí trong việc kiểm tra, xác minh độ chính xác của thông tin tố cáo trước khi đăng tải.

Ðiều 27 quy định về tố cáo tiếp, các đại biểu Phạm Ðức Châu (Quảng Trị), Phạm Văn Hà (Nghệ An) cho rằng, cần có những quy định cụ thể hơn, trong đó nên quy định người tố cáo sau khi nhận được kết luận của người giải quyết tố cáo, nếu muốn tiếp tục tố cáo cần có thời hạn cụ thể, tránh để sự việc kéo dài, không kiểm soát được. Ðối với người giải quyết tố cáo, không được từ chối xem xét khi có yêu cầu tố cáo tiếp mà cần giải quyết và trả lời thấu đáo...

Hoạt động tư pháp có nhiều cải tiến

Mở đầu phiên họp buổi chiều, các đại biểu QH đã nghe Bộ trưởng Công an Trần Ðại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2011. Theo báo cáo, năm 2011, lực lượng Công an đã làm tốt vai trò nòng cốt, phối hợp các ngành, đoàn thể tăng cường các biện pháp phòng ngừa, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, mở nhiều đợt cao điểm tiến công, trấn áp tội phạm. Vì vậy, đã giữ vững ổn định chính trị của đất nước, kiềm chế tốc độ gia tăng tội phạm, bảo vệ tuyệt đối an toàn Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI, bầu cử Ðại biểu Quốc hội khóa XIII và Ðại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016; góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn trong khu vực và thế giới. Quá trình điều tra, xử lý các đối tượng, Công an các cấp đã chấp hành đúng quy định của pháp luật, có sự phối hợp chặt chẽ với Viện KSNDTC và TANDTC trong việc xác định tội danh, đề xuất hình thức xử lý, đưa ra truy tố, xét xử nhiều vụ án kịp thời. Chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, phục vụ cho đấu tranh ngoại giao, ngăn chặn hoạt động can thiệp, tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai, khoáng sản.

Viện trưởng KSNDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo về công tác của ngành KSND. Báo cáo nêu rõ, năm 2011, mặc dù công việc của ngành KSND tăng khoảng 10% so với năm 2010, nhưng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp tiếp tục có chuyển biến tốt. Chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm sát ở các lĩnh vực được nâng cao. Công tác phối hợp các cơ quan tố tụng ở T.Ư và địa phương được tăng cường, các cấp kiểm sát đã xây dựng quy định phối hợp liên ngành trong nhiều lĩnh vực, tập trung giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp được dư luận nhân dân quan tâm. Công tác xây dựng ngành có nhiều tiến bộ; thực hiện nghiêm các chủ trương của Ðảng và Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, ngành KSND còn một số hạn chế, yếu kém. Ðó là, một số VKSND địa phương chưa chủ động thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong công tác kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm; chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp ở một số nơi chưa cao. Chất lượng tranh tụng tại một số phiên tòa chưa đáp ứng yêu cầu...

Tiếp đó, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo về công tác của ngành TAND. Theo báo cáo, thời gian qua, ngành TAND đã tăng cường phối hợp các cơ quan tiến hành tố tụng khẩn trương đưa ra xét xử, trong đó có nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng. Hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, qua đó góp phần đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm theo tinh thần Chỉ thị số 48-CT/T.Ư của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Trong công tác xét xử các vụ việc dân sự và các vụ án hành chính, về cơ bản, TAND các cấp đã thực hiện đúng quy định của pháp luật; quan tâm làm tốt công tác hòa giải trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự. Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tiếp tục được thực hiện theo hướng nâng cao chất lượng. Công tác kiểm tra của TAND cấp trên đối với TAND cấp dưới được duy trì thường xuyên và nghiêm túc. Bên cạnh những kết quả đạt được thời gian qua, ngành TAND còn một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới. Ðó là, một số tòa án địa phương chưa khắc phục triệt để việc để các vụ án dân sự quá thời hạn xét xử theo quy định của pháp luật. Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mặc dù có chuyển biến tích cực, nhưng số lượng đơn chưa được giải quyết còn khá lớn.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án (THA) và công tác đặc xá năm 2011. Theo báo cáo, trong năm qua bộ máy tổ chức thi hành án hình sự được quan tâm củng cố, kiện toàn và từng bước hoàn thiện. Công tác chấp hành pháp luật, giam giữ, quản lý, giáo dục, dạy nghề, thực hiện chế độ chính sách tha, giảm án, đặc xá cho người phạm tội đã được thực hiện đúng quy định. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác thi hành án hình sự ngày càng chặt chẽ và đạt hiệu quả tốt hơn.

Về công tác đặc xá, Chính phủ đã phối hợp VKSNDTC và TANDTC, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thực hiện tốt các công việc về đặc xá năm 2011. Chủ tịch nước đã ký Quyết định đặc xá cho 10 nghìn 535 người. Phần lớn người được giảm án, đặc xá tha tù trước thời hạn trở về địa phương tìm được việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Thông qua chủ trương đặc xá, giảm thời hạn phạt tù đã động viên người phạm tội tin tưởng vào đường lối, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu thi đua chấp hành án phạt tù và thực hiện hình phạt bổ sung và các nghĩa vụ dân sự khác. Kết quả công tác đặc xá năm 2011 đã được các phương tiện thông tin, truyền thông trong và ngoài nước đăng tải, đánh giá cao, góp phần tích cực vào việc chống lại luận điểm sai trái vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền.

Sau khi nghe các báo cáo nói trên, các đại biểu QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH về các báo cáo đó. Ủy ban Tư pháp của QH cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ, VKSNDTC và TANDTC về những kết quả trong công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác truy tố, xét xử và thi hành án năm 2011. Các loại tội phạm, vi phạm pháp luật có xu hướng giảm; nhiều vụ án nghiêm trọng được khẩn trương điều tra, thụ lý và đưa ra xét xử nghiêm minh, nhận được sự đồng tình của dư luận nhân dân. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com