Thảo luận các báo cáo về tình hình thực hiện, phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

07:10, 03/10/2011

Ngày 1-10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) nghe và cho ý kiến nhiều văn bản quan trọng liên quan tình hình thực hiện, phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từ nay đến năm 2015.

Buổi sáng, Ủy ban TVQH nghe các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội năm 2011, dự kiến kế hoạch năm 2012; tình hình kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, cùng một số báo cáo khác.

Năm 2012, ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Về tài chính và thu chi ngân sách Nhà nước năm 2011, Báo cáo cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ, các cấp, các ngành và đơn vị cơ sở đã triển khai các biện pháp tăng thu, chống gian lận thương mại và chống thất thu. Thực hiện nghiêm túc chủ trương tiết kiệm chi tiêu, cắt giảm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản lương và có tính chất lương) với tổng số tiền cắt giảm 3.857,7 tỷ đồng.

Ngừng mua sắm ô-tô, trang thiết bị có giá trị lớn, giảm hội, họp... Tổng chi ngân sách Nhà nước chín tháng đầu năm 2011 đạt 543,35 nghìn tỷ đồng, bằng 74,9% dự toán năm. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện chín tháng năm 2011 ước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2010. Tổng kim ngạch xuất khẩu chín tháng đầu năm 2011 ước đạt hơn 70 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước và gấp 3,5 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua (10%). Ðến hết tháng 9-2011, đã có 15 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch hơn 1 tỷ USD, tăng năm mặt hàng so với cùng kỳ năm trước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Phiên họp thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Phiên họp thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII.
Ảnh: TTXVN

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân chín tháng năm 2011 tăng 18,16% so với cùng kỳ năm 2010. Dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2011 tăng khoảng 18% so với tháng 12-2010. Về lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, Báo cáo của Chính phủ cho biết, trong chín tháng đầu năm 2011, ước tạo việc làm khoảng 1.127,1 nghìn người, đạt 70,45% kế hoạch năm, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 67,13 nghìn người, đạt 77,16% kế hoạch năm.

Như vậy, trong tổng số 22 chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch 2011, có 14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Hai chỉ tiêu đạt xấp xỉ kế hoạch là tạo việc làm và tỷ lệ dân số ở đô thị được sử dụng nước sạch. Sáu chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra là tốc độ tăng trưởng kinh tế; chỉ số giá tiêu dùng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội; số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo và chỉ tiêu tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ một số hạn chế yếu kém cần phải tiếp tục khắc phục: Kinh tế vĩ mô chưa ổn định; lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, trong bối cảnh tiếp tục chịu ảnh hưởng do giá các vật tư đầu vào, lương thực, thực phẩm tăng cao. Nền kinh tế tăng trưởng chậm, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện nguồn vốn tín dụng hạn hẹp, lãi suất đã bắt đầu giảm xuống nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với khả năng chịu đựng được của doanh nghiệp. Ðời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, công nhân ở các khu công nghiệp, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Tình hình tội phạm và các tệ nạn xã hội và trật tự xã hội,... còn nhiều bức xúc.

Trên cơ sở phân tích đánh giá tình hình năm 2011, Chính phủ đề ra mục tiêu tổng quát của năm 2012 là: Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Ủy ban Kinh tế của QH nhất trí với mục tiêu tổng quát được trình bày trong Báo cáo của Chính phủ, đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Một số ý kiến cho rằng kinh tế thế giới và trong nước sẽ diễn biến theo chiều hướng xấu hơn, vì vậy cần xây dựng Kế hoạch năm 2012 theo kịch bản không thuận lợi, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp.

Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015:

Duy trì tăng trưởng hợp lý gắn với tái cơ cấu nền kinh tế

Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm năm 2006 - 2010 nêu rõ, nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn thách thức, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân năm năm 2006-2010 ước đạt 7% so với kế hoạch đề ra là 7,5-8%, cao hơn mức bình quân các nước trong khu vực. Dư nợ Chính phủ đến cuối năm 2010 khoảng 45,7% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,2% GDP... ở mức an toàn cho phép.

Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội năm năm huy động gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2001-2005, đạt 42,7% GDP (vốn trong nước 67%, vốn ngoài nước 33%). Hằng năm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tạo ra 90% chỗ làm việc mới. Trong năm năm qua đã tạo việc làm cho hơn tám triệu lượt lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm xuống còn 4,29% và tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 9,45% (theo chuẩn cũ). Hơn 5.000 thủ tục hành chính được đơn giản hóa, trong đó sửa đổi bổ sung 4.163 thủ tục; bãi bỏ, thay thế 892 thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, nền kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và yêu cầu phát triển của đất nước; một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt kế hoạch; kinh tế vĩ mô chưa vững chắc. Kết cấu hạ tầng tuy có bước phát triển nhưng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu và đang cản trở sự phát triển của nền kinh tế.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2011 - 2015, Chính phủ đưa ra mục tiêu tổng quát là: Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì tăng trưởng hợp lý gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và trật tự an toàn xã hội. Tư tưởng chỉ đạo trong thực hiện kế hoạch năm năm là: Những năm đầu kế hoạch năm năm ưu tiên kiềm chế lạm phát, tăng trưởng ở mức độ vừa phải, hợp lý và phù hợp với tình hình thế giới và trong nước, tạo sự ổn định vững chắc vào năm 2013. Những năm cuối, nếu có điều kiện thuận lợi sẽ phát triển ở mức độ cao hơn.

Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2006-2010 của Ủy ban Kinh tế của QH nêu rõ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm năm đạt 7%, mặc dù thấp hơn so với kế hoạch đề ra nhưng vẫn là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh bị tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Ðối với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2011-2015, Báo cáo thẩm tra nêu rõ: Kế hoạch được triển khai trong bối cảnh tình hình kinh tế - tài chính thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp và khó lường; nợ công, lạm phát, thất nghiệp, bất ổn về chính trị - xã hội trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Trong quan hệ quốc tế, xu thế chính những năm tới đây vẫn là hợp tác và phát triển nhưng cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia. Bối cảnh đó đang đặt nền kinh tế nước ta trước những khó khăn, thách thức nghiêm trọng hơn so với những dự báo hồi đầu năm 2011.

Ý kiến chung của Ủy ban Kinh tế cho rằng, Kế hoạch năm năm (2011-2015) cần cụ thể hóa và tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược, bám sát 12 định hướng lớn trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Ðể phù hợp với diễn biến mới của tình hình, việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch năm năm cần được tập trung quyết liệt hơn và có bước đi phù hợp. Trong hai, ba năm đầu kế hoạch, quan điểm chỉ đạo là thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý và tiến hành bước khởi động mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; hai, ba năm tiếp theo, quan điểm chỉ đạo là phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

Chú trọng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân

Buổi chiều, Ủy ban TVQH thảo luận cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ.

Hầu hết ý kiến phát biểu cơ bản đồng tình với các báo cáo của Chính phủ, nhất là đối với kịch bản phát triển trong năm năm tới mà Chính phủ đề xuất theo hướng tăng trưởng kinh tế ở mức vừa phải nhưng bền vững và tăng cường đầu tư nhằm nâng cao chất lượng đời sống nhân nhân. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần xem xét kỹ những chỉ tiêu phát triển và chất lượng cụ thể của từng chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra.

Ðại biểu Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH đồng tình với mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) trong năm năm tới trung bình 7%/năm như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nói trên phải có giải pháp hữu hiệu và mang tính đột phá. Thực tế mức tăng trưởng 7%/năm là con số thấp, do vậy nếu thấp hơn sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Ðại biểu này đề nghị, cần xem xét đánh giá lại chiến lược phát triển nhanh và bền vững, vì chưa đủ điều kiện để đạt hai mục tiêu nói trên cùng một lúc, nhất là trong thời điểm kinh tế thế giới suy thoái, ảnh hưởng đến kinh tế trong nước. Ðồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, tình hình thế giới đang bất ổn, nợ công ở các nước châu Âu đang ở mức đáng lo ngại, do vậy cần lựa chọn kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm năm tới ở mức vừa phải nhưng bền vững, chú trọng các chỉ tiêu bảo đảm an sinh xã hội.

Ðề cập các chính sách đầu tư cho phát triển, đại biểu Ðào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH cho rằng, việc đầu tư cho phát triển trong những năm tới cần có sự điều chỉnh nhằm cân đối giữa đầu tư cho phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, giáo dục. Nhiều năm qua, tỷ trọng đầu tư giữa kinh tế và văn hóa, giáo dục không cân đối, trong đó quá chú trọng đến phát triển kinh tế, dẫn đến kinh tế tăng trưởng cao nhưng chất lượng đời sống nhân dân chưa được cải thiện nhiều. Theo đại biểu Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH, việc nâng cao chất lượng đời sống người dân phải được đặc biệt coi trọng. Dự báo cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2011 có thể tăng từ 17% đến 18%, chắc chắn ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là các hộ nghèo. Do vậy, trước mắt Chính phủ cần đánh giá chính xác và tiếp tục có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với những hộ nghèo. Về lâu dài, cần có chiến lược giảm chỉ số CPI bền vững, vì đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng cuộc sống người dân. Cùng với đó, cần tăng cường củng cố mạng lưới an sinh xã hội. Rà soát đánh giá lại toàn bộ chính sách an sinh xã hội nhằm giải quyết những bất cập hiện nay. Về phát hành trái phiếu Chính phủ, nhiều đại biểu cho rằng, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm tới phải tính toán để điều chỉnh cho phù hợp, tăng cường đầu tư cho giáo dục, văn hóa, xã hội. Ðại biểu Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH đề nghị chú trọng đến Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ðây là Chương trình tổng thể trong đó có tất cả các chỉ tiêu liên quan đến nâng cao đời sống người dân.

Cùng với giải pháp nhằm nâng cao đời sống nhân dân, một số đại biểu đề nghị cần có giải pháp nhằm bảo đảm công tác quốc phòng, an ninh; ngăn chặn tình hình tội phạm và tai nạn giao thông đang có dấu hiệu gia tăng. Do vậy, Chính phủ cần tăng cường các biện pháp để bảo đảm an ninh, trật tự.

Tại phiên họp, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Vương Ðình Huệ và Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu ý kiến làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến các chính sách nhằm nâng cao đời sống nhân dân, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng, bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững.

Phát biểu ý kiến bế mạc phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm năm tới rất quan trọng, liên quan đến việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng. Do vậy, Chính phủ cần chuẩn bị chu đáo, trong đó chú trọng đánh giá nhận định tình hình, những yếu tố chủ quan trong điều hành, thực hiện để đưa ra giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, cần đưa ra giải pháp để tranh thủ những thuận lợi từ nội lực cũng như khách quan mang lại nhằm thực hiện thành công kế hoạch. Chính phủ cần có dự báo dài hơi và định hình tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2015 và năm 2020 để chủ động trong điều hành và thực hiện. Chủ tịch QH đề nghị, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện bản kế hoạch trình QH xem xét trong kỳ họp thứ ba, QH khóa XIII, sẽ diễn ra cuối năm 2011.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com