Ngày làm việc thứ Bảy, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII

08:10, 31/10/2011

Tiếp tục thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và kế hoạch năm 2012

 

* Thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2012

Ngày 28-10, ngày làm việc thứ bảy, kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII. Buổi sáng các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012. Buổi chiều, QH thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2012.

Cần đề ra tiêu chí của một nước công nghiệp

Tiếp tục thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, các ý kiến phát biểu đều cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp này của QH và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH về báo cáo của Chính phủ. Không lặp lại việc đánh giá những thành tựu đã đạt được, các ý kiến phát biểu tập trung kiến nghị các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 và năm 2012. Ðại biểu Ðào Văn Bình (Hà Nội) cho rằng, không nên đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là chính và ủng hộ mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 là 6 - 6,5%; trong giai đoạn 2011- 2015 là khoảng 6,5 - 7%. Theo đại biểu này, để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp thì cần đề ra tiêu chí của một nước công nghiệp, tiêu chí của một tỉnh công nghiệp. Ðại biểu Ðào Văn Bình nhất trí việc cắt giảm đầu tư công nhưng đề nghị không cào bằng, mà cần rà soát kỹ, lĩnh vực nào, nơi nào nên cắt giảm. Ðại biểu Nguyễn Thúy Anh (Phú Thọ) đề nghị cần đánh giá nguyên nhân của ba chỉ tiêu năm 2011 không đạt kế hoạch là: Giảm tỷ lệ hộ nghèo, số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh để có giải pháp khắc phục. Ðại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) tán thành nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần tập trung đầu tư cho nền nông nghiệp sạch, để từ đó giảm chi phí trong lĩnh vực y tế.

Đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) phát biểu tham luận tại hội trường.
Đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định)
phát biểu tham luận tại hội trường.

 Nhiều ý kiến cũng đề cập tình hình đời sống cán bộ, công chức, đồng bào vùng miền núi, dân tộc thiểu số, người có công (Ðinh Công Sỹ - Sơn La; Nguyễn Lâm Thành - Lạng Sơn; Huỳnh Văn Tính - Tiền Giang) và kiến nghị cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số.

 Bốn bộ trưởng tiếp thu, giải trình những vấn đề liên quan

Trong phiên thảo luận này, bốn vị Bộ trưởng đã phát biểu ý kiến, tiếp thu, giải trình về những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của bộ mình được nhiều đại biểu QH quan tâm thảo luận tại các phiên họp ở tổ và ở hội trường ngày 27 và sáng 28-10.

Mở đầu, Bộ trưởng Tài chính Vương Ðình Huệ giải trình về vấn đề nợ công, nợ Chính phủ; quản lý, sử dụng vốn ODA. Về nợ công, tính đến ngày 31-12-2010 tỷ lệ nợ Chính phủ là 45,7% GDP, nợ nước ngoài là 42,2% và nợ công là 57,3%. Trong kế hoạch trình Quốc hội là ước đến ngày 31-12-2011 nợ công 54,6%, đến hết ngày 31-12-2012 nợ công ước tính là 58,4%. Chỉ số này tính trên cơ sở dự kiến kịch bản tăng trưởng 6%, nếu như kịch bản tăng trưởng đạt được 6,5% thì tỷ lệ nợ công này sẽ giảm thấp hơn đáng kể. Về cơ cấu nợ công trong tổng nợ công của Việt Nam, nợ ODA chiếm 75%, vay ưu đãi khác là 19%, vay thương mại là 7%. Trong 75% nợ ODA thời gian vay khá dài, lãi suất ưu đãi. Vì vậy, khi so với các nước cần chú ý cơ cấu này, nhất là đối với nợ công ở các nước đã phát triển và các nước đã thoát khỏi ngưỡng nghèo. Không giống Việt Nam, nợ công của họ phần vay thương mại rất nhiều. Mặt khác, về phương pháp tính cũng có khác nhau. Ðối với nợ Chính phủ: nợ nước ngoài chiếm 58% và đang có xu hướng giảm trong cơ cấu, còn nợ trong nước là 42% và xu hướng này đang tăng lên. Ðây là xu hướng tốt, chúng ta giảm được sự lệ thuộc vào nước ngoài và chủ động hơn trong việc vay nợ. Về quản lý và sử dụng ODA, Bộ trưởng cho biết, hầu hết vốn ODA và vốn vay, nợ công tập trung cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Về quản lý, chúng ta đã có Luật Nợ công và Chính phủ cũng đã chỉ đạo, Bộ Tài chính đã xây dựng xong chiến lược quản lý và phát triển nợ công đến năm 2020 và đang trình Chính phủ để trình các cơ quan có liên quan xem xét và thông qua. Bộ Tài chính đang chủ động xây dựng các kế hoạch trung hạn và các đề án hành động cụ thể để thực hiện chiến lược này sau khi được phê duyệt.

Về trả nợ, Bộ trưởng thừa nhận nhiều đại biểu QH đã nói rất đúng là không quan trọng vay bao nhiêu mà quan trọng là trả nợ như thế nào. Chúng ta không lạc quan, nhưng cũng không nên quá lo lắng về nợ công. Bộ trưởng đề nghị QH cho giữ tỷ lệ nợ công đã trình theo kế hoạch 5 năm, đối với nợ quốc gia là không quá 50%, nợ Chính phủ không quá 53% và nợ công ở khoảng 60-65%. Bộ trưởng Tài chính cũng đề cập vấn đề tỷ lệ động viên bội chi ngân sách.

Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh giải trình về việc cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Bộ trưởng nêu rõ, thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, chúng ta đã tạo ra được hiệu quả rất rõ rệt như nhiều đại biểu đã đánh giá. Ðến hết tháng 10 này, tình hình kinh tế vĩ mô đang từng bước đi dần vào ổn định bằng một loạt các chỉ tiêu và đặc biệt là chỉ số lạm phát của tháng 10. Bộ trưởng nói, khi nghiên cứu kỹ Nghị quyết 11, các đại biểu cần thấy rằng, dùng từ "cắt giảm đầu tư công" nhưng trong thực tế Nghị quyết 11 không yêu cầu thu hồi vốn đầu tư đã bố trí của năm 2011 của các bộ, ngành và các địa phương về Trung ương. Ðây là điểm mà có thể nhiều vị đại biểu Quốc hội chưa xem xét kỹ. Thực tế đến phút này Chính phủ chưa thu hồi, chưa cắt một đồng nào về kế hoạch đã bố trí bằng số lượng cụ thể giao cho các bộ, ngành và địa phương.

Từ "cắt giảm" chỉ dùng ở những chỗ như trong Nghị quyết 11 nêu bốn vấn đề: Thứ nhất là, không được kéo dài việc thực hiện các khoản vốn đầu tư đã cấp cho năm 2010. Thứ hai là, không cho ứng trước ngân sách của năm 2012, kể cả trái phiếu Chính phủ và ngân sách Nhà nước. Thứ ba là, không cho phép khởi công mới các công trình. Ðây cũng là điểm gây khó khăn cho các địa phương và các bộ, ngành. Thứ tư là, vốn đã bố trí cho dự án, các địa phương, các bộ, ngành cần soát xét lại các dự án theo tính cấp thiết để dồn cho những dự án có thể hoàn thành trong năm 2011. Ðó là ưu tiên số 1 của Nghị quyết 11. Như vậy chủ yếu là sắp xếp lại để tập trung hơn, hiệu quả hơn, còn việc cắt giảm thu về Trung ương thì không có chuyện đó.

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình giải trình về chính sách liên quan đội ngũ cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, thôn, ấp mà các đại biểu rất quan tâm. Bộ trưởng cho biết, Nghị định 92 được ban hành vào cuối năm 2009, tính đến nay đã thực hiện được khoảng hai năm. Kết hợp với triển khai Nghị định 114 về công chức của xã, phường, thị trấn và một số văn bản quy phạm pháp luật về công an, về dân quân tự vệ của xã, phường, thị trấn. Về cơ bản, tổ chức bộ máy, biên chế đội ngũ cán bộ, công chức đã đi dần vào thế ổn định. Tổng số đội ngũ cán bộ, công chức của xã, phường, thị trấn khoảng 233 nghìn người.

Về đội ngũ cán bộ không chuyên trách, theo Nghị định 92 mỗi xã, phường, thị trấn có từ 19 đến 22 cán bộ, công chức không chuyên trách. Tính đến thời điểm này, tổng cán bộ không chuyên trách khoảng 200 nghìn người. Ðội ngũ cán bộ không chuyên trách ở nông thôn, ở ấp, theo quy định là mỗi thôn, ấp khoảng ba cán bộ. Tính đến nay thì đội ngũ cán bộ này khoảng 350 nghìn người. Bộ trưởng khẳng định, bước đầu đã chuẩn hóa được đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Ðảng và năng lực chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng đã giải trình khá kỹ về chế độ phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách.

Giải trình về vấn đề tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông mà nhiều đại biểu QH và cử tri cả nước quan tâm, Bộ trưởng Giao thông vận tải Ðinh La Thăng cho biết, hiện nay bộ đang phối hợp các bộ, ngành liên quan và với các địa phương, nhất là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh triển khai các giải pháp mà trong các nghị quyết của Chính phủ đã nêu.

Một là, về cơ bản và lâu dài thì giải pháp là phải hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính chế tài cao để pháp luật được thực thi một cách nghiêm chỉnh trong thực tế cuộc sống. Hai là, triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ các quy hoạch có chiến lược về giao thông vận tải đã được Chính phủ phê duyệt và phải thường xuyên cập nhật lại cho phù hợp tình hình. Ba là, phải tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và phương tiện vận tải. Bốn là, tổ chức khai thác hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông một cách tốt nhất, tức là làm sao chúng ta phải khai thác được hiệu quả hợp lý các hạ tầng sẵn có. Năm là, phải nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ. Sáu là, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân.

Tăng chi đầu tư các dự án bảo đảm an sinh xã hội

Ðánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011, phần lớn ý kiến phát biểu cho rằng, mặc dù năm 2011 có nhiều khó khăn tác động xấu đến nền kinh tế nói chung và công tác thu chi ngân sách nói riêng, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự thực hiện đồng bộ của các cấp, ngành và địa phương, công tác thực hiện dự toán NSNN có nhiều cải tiến, thu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, việc thực hiện dự toán NSNN thời gian qua vẫn bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém, khiến cơ cấu thu chưa vững chắc.

Về thu nội địa, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù Chính phủ báo cáo thu vượt 11,3% so với dự toán, nhưng tình trạng gian lận thương mại, trốn lậu thuế vẫn diễn ra khá phổ biến, dẫn đến thất thu thuế. Ðại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, tình trạng chuyển giá trong sản xuất kinh doanh, nhất là khu vực đầu tư nước ngoài vẫn diễn ra nhiều, dẫn đến thất thu khá lớn, trong khi công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế còn nhiều hạn chế, đại biểu này đề nghị cần có cơ chế giám sát hữu hiệu để các doanh nghiệp chấp hành nghiêm Luật Ngân sách nhà nước. Ðại biểu Lê Phước Thanh (Quảng Nam) cho rằng, mặc dù doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo nhưng tốc độ tăng thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp nhà nước chậm hơn so với doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Ðiều này cho thấy cần đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước và có lộ trình tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước.

Cơ cấu thu NSNN được nhiều đại biểu quan tâm. Một số đại biểu cho rằng, cơ cấu thu NSNN đã có sự chuyển biến theo hướng dựa vào sản xuất kinh doanh trong nước, nhưng chưa cao, cơ cấu thu chưa vững chắc và phần lớn vẫn dựa vào nguồn thu từ tiền sử dụng đất, thu từ xuất khẩu khoáng sản thô.

Về thực hiện dự toán chi NSNN năm 2011, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu công, tiết kiệm 10% chi thường xuyên, nhưng tổng số chi NSNN vẫn vượt dự toán 9,7%. Mức tăng này tương đối lớn, thể hiện việc thực hiện chính sách tài khóa trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thật sự hiệu quả, thực hiện nguyên tắc tài chính chưa nghiêm. Ðại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, mặc dù Chính phủ có chính sách cắt giảm chi tiêu công, nhưng nhiều bộ, ngành, địa phương thực hiện không nghiêm, cá biệt có đơn vị không thực hiện, điều này khiến mức bội chi NSNN tăng cao. Tuy nhiên chưa thấy có đơn vị, cá nhân người đứng đầu nào bị xử lý kỷ luật.

Liên quan bội chi NSNN năm 2011, phần lớn các đại biểu tán thành với Chính phủ dự kiến bố trí 9.100 tỷ đồng từ nguồn tăng thu NSNN để giảm bội chi NSNN năm 2011.

Góp ý kiến về dự toán NSNN năm 2012, phần lớn đại biểu đồng tình với dự kiến của Chính phủ trình QH theo hướng tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt; cơ cấu lại chi NSNN, trọng tâm là cơ cấu lại chi đầu tư cho phát triển, bảo đảm bố trí có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên chi đầu tư cho con người và chi để bảo đảm an sinh xã hội, khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Nhiều đại biểu đề nghị trong năm 2012, Chính phủ cần rà soát lại các nguồn thu, có kế hoạch thanh tra, kiểm tra tăng cường chống chuyển giá, chống thất thu trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, tránh tăng thu từ tiền sử dụng đất và thu từ khoáng sản thô. Ðại biểu Hoàng Ðăng Quang (Quảng Bình) cho rằng, nguồn thu từ tiền sử dụng đất và xuất khẩu khoáng sản hiện nay chiếm tới 46% tổng nguồn thu là quá cao, thể hiện cơ cấu thu thiếu bền vững.

Liên quan công tác phân bổ NSNN, đại biểu Lê Trọng Sang (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2012 tăng chi cho các lĩnh vực nhằm bảo đảm an sinh xã hội là đúng hướng, nhưng cần có kế hoạch cụ thể, trong đó chú trọng chi cho các đề án giảm nghèo và đề án dạy nghề cho người dân nhằm giảm nghèo bền vững. Ðại biểu Mã Ðiền Cư (Quảng Ngãi) và đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cho rằng, cần quan tâm các tỉnh nghèo, khó khăn ở ba vùng trọng điểm: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và 62 huyện nghèo, đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, bố trí đầu tư phát triển ưu tiên các dự án công trình hoàn thành năm 2012, các dự án giao thông, thủy lợi cấp bách; đầu tư cho các vùng kinh tế động lực có khả năng thu ngân sách lớn.

Một số đại biểu đề nghị cần tiếp tục chú trọng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Thực tế những năm qua, trong khi kinh tế thế giới khủng hoảng, ngành nông nghiệp đã góp phần rất lớn giúp chúng ta vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, đầu tư cho khu vực này chưa tương xứng, đời sống nông dân chưa được nâng cao, chưa khuyến khích phát triển nông nghiệp. Ðại biểu Phạm Văn Cường (Lào Cai) đề nghị, cần đẩy mạnh đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới và  thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia mang tính lồng ghép, nhằm tăng hiệu quả trong chi đầu tư cho phát triển.

Về chi tiền lương, nhiều đại biểu nhất trí phương án của Chính phủ tăng lương tối thiểu lên mức 1.050 nghìn đồng và phụ cấp công vụ ở mức 25%. Ðại biểu Ðặng Xuân Huy (Ðồng Tháp) đề nghị, cùng với tăng lương, cần thực hiện nghiêm tinh giản biên chế, đưa những người không làm được việc ra khỏi biên chế, nhằm giảm chi NSNN. Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ có chính sách hữu hiệu nhằm kiểm soát tốt nợ công. Cần thiết quy định ngưỡng giới hạn trần nợ công trong trung hạn, tránh cho nền tài chính quốc gia lâm vào tình trạng khó khăn trước những nguy cơ biến động khó lường của kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, Chính phủ cần quản lý tốt các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh vay vốn.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com