Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII

07:10, 21/10/2011

* Các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh, Trương Tấn Sang, Trần Ðức Lương, Nguyễn Văn An, Huỳnh Ðảm dự
* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến khai mạc kỳ họp
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ

Hôm qua 20-10, tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội. Ðúng 9 giờ 30 phút, Quốc hội (QH) khóa XIII đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ hai. Ðến dự, có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Ðảm và nhiều đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; nhiều vị lão thành cách mạng; đại diện các Ðoàn Ngoại giao và tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Trước khi vào họp phiên khai mạc, theo truyền thống, các vị đại biểu QH đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp đó, QH họp phiên trù bị, thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình làm việc của kỳ họp. 

Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: PV
Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII.
Ảnh: PV

Ðúng 9 giờ 30 phút, QH làm lễ chào cờ, Quân nhạc cử Quốc thiều, các vị đại biểu QH hát quốc ca.

Khai mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị đại biểu QH, các vị khách quý, các vị trong Ðoàn Ngoại giao, các tổ chức quốc tế đã đến dự phiên khai mạc kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII. Ðồng chí đã nêu rõ nội dung của kỳ họp này và đề nghị các vị đại biểu QH nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp (Toàn văn bài phát biểu đăng trên số báo hôm nay).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và năm năm 2011 - 2015. Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh đầy biến động, mặc dù còn có những yếu kém, bất cập trong quản lý, điều hành nhưng sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc, năng động sáng tạo của toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng và sự quản lý điều hành có hiệu quả của Nhà nước, chúng ta đã vượt qua khó khăn, thách thức, ứng phó có kết quả với diễn biến phức tạp của tình hình, đạt được những thành tựu quan trọng. Kinh tế tăng trưởng khá cao, bình quân đạt 7%/năm; quy mô nền kinh tế tăng lên, các ngành kinh tế - xã hội đều có bước phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu thiên niên kỷ; dân chủ trong xã hội có nhiều tiến bộ, khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được tăng cường. Chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia được giữ vững; hội nhập quốc tế và hoạt động đối ngoại đạt được những kết quả tích cực. Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, tạo được môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Thủ tướng cũng nêu lên những hạn chế, yếu kém, những khó khăn, thách thức đang đặt ra và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. (Toàn văn báo cáo đăng trên số báo hôm nay).

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Ðảm nêu rõ, để chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII, Ðoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phối hợp Ủy ban Thường vụ QH đến nay tập hợp được 1.026 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới QH.

Ðồng chí cho biết, năm 2011, cử tri và nhân dân cả nước phấn khởi trước thành công của Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng, thắng lợi của cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIII và bầu cử đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016. Trong bối cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân và sự điều hành của Chính phủ, kinh tế tiếp tục phát triển; xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được mở rộng, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng về sự phát triển chưa vững chắc của nền kinh tế; lạm phát, giá cả, lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao; nhập siêu còn lớn; sản xuất, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn; còn tiềm ẩn những yếu tố tác động đến ổn định chính trị - xã hội; tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm, tệ nạn xã hội không giảm; thiên tai, dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa tốt; cải cách thủ tục hành chính còn chậm, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi.

Tại kỳ họp này của Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước kiến nghị tập trung vào một số vấn đề chủ yếu dưới đây:

Một là, về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Cử tri và nhân dân phấn khởi trước việc QH ban hành nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, mong muốn việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Cử tri và nhân dân kiến nghị Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và các cơ quan hữu quan cần thật sự phát huy dân chủ, huy động tối đa sự đóng góp trí tuệ của các tầng lớp nhân dân vào việc tổng kết, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Hai là, về sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Tình hình kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn; giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao, lãi suất ngân hàng tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao đã tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, đến đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, người về hưu, cán bộ, công chức, viên chức và ảnh hưởng đến niềm tin của cử tri và nhân dân đối với việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và những năm tiếp theo.

Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời có biện pháp cụ thể, hữu hiệu để bình ổn giá cả trong những tháng cuối năm và có giải pháp ngăn ngừa lạm phát cao trở lại, nhằm bảo đảm và nâng cao đời sống của người dân; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa các chương trình an sinh xã hội; tập trung triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo vừa có những giải pháp quyết liệt, kịp thời, vừa có những giải pháp đồng bộ, lâu dài để giảm thiểu đến mức thấp nhất tác hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra...

Ba là, về giáo dục và đào tạo. Cử tri và nhân dân phản ánh tình trạng thiếu trầm trọng các trường mầm non công lập ở nhiều nơi, kể cả ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khiến nhiều gia đình phải gửi con tại các cơ sở giữ trẻ tư, thiếu an toàn và không bảo đảm chất lượng. Tình trạng lạm thu, dạy thêm, học thêm của nhiều trường phổ thông, nhất là ở khu vực đô thị gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường học đặt ra nhiều quy định gây khó khăn cho các gia đình học sinh; đồng thời kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa đến đời sống, thu nhập của giáo viên để đội ngũ nhà giáo yên tâm với sự nghiệp "trồng người".

Bốn là, về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cử tri và nhân dân cho rằng, tuy có tiến bộ, nhưng tình trạng tham nhũng, lãng phí hiện nay vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn nhiều hạn chế và chưa thực hiện được mục tiêu đề ra. Một số vụ án tham nhũng xử lý chậm, kéo dài, gây tâm lý hoài nghi, giảm sút lòng tin trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật. Tình trạng lãng phí trong đầu tư công, mua sắm tài sản công, quản lý, sử dụng đất công còn diễn ra ở nhiều nơi... Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao có các giải pháp đồng bộ để xử lý và khắc phục có hiệu quả tình trạng nói trên.

Thay mặt Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2011 - 2015; báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012.

Ðánh giá kết quả năm năm qua, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành báo cáo của Chính phủ trình trước QH tại kỳ họp này. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm ngoài những đánh giá tồn tại, yếu kém, cần đánh giá những hạn chế của nền kinh tế đã bộc lộ rõ hơn, nhất là dưới sự tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, đó là: nước ta nằm ở vị trí của nhóm 40% các nền kinh tế có sức cạnh tranh thấp; trình độ công nghệ của ta đi sau từ ba đến bốn thế hệ so các nước công nghiệp phát triển. Hàng xuất khẩu công nghệ cao mới chiếm 8,2%, thấp hơn các nước trong khu vực.

Về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, Ủy ban Kinh tế cũng cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về những kết quả đạt được năm 2011. Ủy ban này cũng nhất trí cao với mục tiêu tổng quát được trình bày trong báo cáo của Chính phủ, đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu ưu tiên "Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng".

Buổi chiều, QH đã nghe Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về kế hoạch sử dụng đất năm năm giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020. Theo Tờ trình, kết quả thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử sụng đất tính đến hết tháng 12-2010 về cơ bản đã đạt được các chỉ tiêu mà QH quyết định. Về phương án sử dụng đất đến năm 2020, Tờ trình nhấn mạnh: Nội dung sử dụng đất lần này đã đổi mới trong việc xác định chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của từng cấp.

Trình bày Báo cáo thẩm tra về kế hoạch sử dụng đất năm năm giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu, cho biết: Ủy ban Kinh tế nhất trí cơ bản với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, đánh giá tổng quát về những mặt được, những mặt tồn tại. Về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án cũng như việc đổi mới về nội dung Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015. Chung quanh việc quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia Chính phủ trình QH có 13 chỉ tiêu, Ủy ban Kinh tế cho rằng, QH nên quyết định các chỉ tiêu lớn, quan trọng, mang tính định hướng. Ðây là các chỉ tiêu cần xác định để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm QP, AN, an ninh lương thực quốc gia. Trên cơ sở đó, Chính phủ tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cả nước. Ủy ban Kinh tế của QH nhất trí với mục tiêu giữ diện tích đất trồng lúa ở mức hơn 3,8 triệu ha để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong dài hạn và một phần dành cho xuất khẩu.

Tiếp theo, Bộ trưởng Tài chính Vương Ðình Huệ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2011; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2012. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển, thay mặt Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2011; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2012. Theo đó, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, dự toán NSNN năm 2011, và cho rằng, Chính phủ đã ban hành kịp thời Nghị quyết số 11/NQ-CP, với các giải pháp đúng đắn, kịp thời, nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Qua chín tháng thực hiện, nền kinh tế tuy tăng trưởng chậm lại, nhưng lạm phát đã giảm. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn chưa ra khỏi khó khăn, kinh tế vĩ mô còn bấp bênh, chưa vững chắc, nhập siêu lớn, lạm phát còn cao, sản xuất kinh doanh chưa thuận lợi... Về dự toán NSNN năm 2012, để dự toán NSNN phản ánh đúng thực trạng và bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH đề nghị việc xây dựng dự toán cần quán triệt một số nguyên tắc; trong đó tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt; chấp hành nghiêm quy định của Luật NSNN; tuân thủ đúng thẩm quyền quyết định NSNN của QH và Ủy ban Thường vụ QH, bảo đảm sự thống nhất, công bằng, công khai và minh bạch.

Cuối phiên họp buổi chiều, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Bùi Quang Vinh trình bày Báo cáo về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) năm năm 2011 - 2015; Báo cáo về Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ (TPCP) năm năm 2011 - 2015. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra về Chương trình MTQG năm năm 2011-2015; Báo cáo thẩm tra về Chương trình sử dụng TPCP năm năm 2011-2015. Ðể thực hiện mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế và đầu tư công, bảo đảm an ninh tài chính, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị QH ban hành Nghị quyết quy định mức phát hành TPCP giai đoạn 2011-2015 là 225 nghìn tỷ đồng và giao Chính phủ xây dựng nguyên tắc, tiêu chí vốn TPCP giai đoạn 2011-2015 để rà soát, điều chỉnh lại danh mục các công trình, dự án trình Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com