Bảo đảm quyền lợi của người lao động

02:10, 06/10/2011

Ngày 5-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) khóa XIII đã góp ý kiến vào dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi).

Buổi sáng, các đại biểu đóng góp ý kiến vào dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó tập trung thảo luận một số nội dung nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, như: Mức lương tối thiểu; giới hạn thời gian làm thêm; tăng thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nữ; hoàn chỉnh khung pháp lý về đình công...

Ða số ý kiến phát biểu tán thành việc ban hành Bộ luật  Lao động (sửa đổi) nhằm phù hợp với tình hình của thực tế. Tuy nhiên, do tầm quan trọng của Bộ luật Lao động liên quan đến hàng chục triệu người lao động cả nước, nên các thành viên của Ủy ban TVQH đề nghị Ban soạn thảo cần thận trọng, đánh giá, tổng hợp kỹ nội dung để bảo đảm bộ luật có tính khả thi cao nhất.

Các đại biểu cho rằng, quy định về tiền lương tối thiểu trong Bộ luật Lao động phải hướng đến mục tiêu bảo vệ người lao động, nhất là người lao  động  dễ bị  tổn  thương.  Tiền lương phải đánh giá chính xác giá trị sức lao động và phải bảo đảm người lao động sống đủ bằng tiền lương của mình. Ðối với quy định làm thêm giờ, hầu hết các đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định theo hướng chỉ cho phép làm thêm giờ đối với một số ngành, nghề cụ thể, theo độ tuổi nhất định và phải quy định tiền lương làm thêm giờ cao hơn mức hiện hành; cần có sự phân biệt giữa làm thêm ban ngày, làm thêm ban đêm, làm thêm vào ngày nghỉ, nhằm khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật về giờ làm thêm.

Về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, các đại biểu đề nghị, nên quy định theo hướng khung, theo đó mức nghỉ thai sản tối thiểu là bốn tháng, tối đa là sáu tháng và tạo điều kiện để lao động nữ có thể lựa chọn, quyết định thời gian nghỉ cho phù hợp với công việc, cuộc sống của mình.

Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, tập trung góp ý kiến là các vấn đề liên quan đến đình công. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho rằng, hiện nay, tình trạng đình công xảy ra ở nhiều nơi, nhưng thực tế chưa có cuộc đình công nào do Công đoàn tổ chức. Có thể nguyên nhân là do, khung pháp luật quy định về vấn đề này không thỏa đáng, khiến người lao động phải vi phạm pháp luật để đòi hỏi quyền lợi của mình. Xác định vai trò của tổ chức công đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển đề nghị, trong giải quyết tranh chấp lao động, đình công, tổ chức công đoàn phải có mặt ngay từ đầu và tham gia đầy đủ vào việc giải quyết, nhằm  bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, cũng như hướng dẫn để người lao động không vi phạm pháp luật. Xét đến tính chất nhạy cảm, phức tạp của đình công, nhiều đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tổng hợp, phân tích kỹ, có báo cáo, đánh giá tổng kết trước khi cụ thể hóa, đồng thời xem xét ban hành quy định nhằm bảo vệ người lao động đình công hợp pháp và  cấm đình công trái pháp luật hoặc đình công bất hợp pháp.

Buổi chiều, Ủy ban TVQH thảo luận cho ý kiến dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Ða số đại biểu tán thành việc sớm ban hành Luật Công đoàn (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Ðảng về hoàn thiện, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/T.Ư ngày 28-1-2008 của Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Ðảng lần thứ 6 (khóa X) về: "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Về địa vị pháp lý của Công đoàn, dự thảo luật khẳng định, Công đoàn không chỉ là tổ chức có chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động mà còn phải cùng với cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhiều đại biểu quan tâm vai trò của tổ chức công đoàn trong việc tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật. Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH đề nghị Ban soạn thảo làm rõ tính khả thi của quy định quyền và trách nhiệm của Công đoàn trong việc tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.

Về vấn đề đại diện cho tập thể lao động ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, hầu hết các đại biểu tán thành với việc không thành lập tổ chức đại diện của người lao động (có chức năng như tổ chức công đoàn) ở các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, cũng không  nên quy định ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn thì Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở sẽ đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động như dự thảo luật. Vì Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không phải do người lao động ở doanh nghiệp đó bầu ra.

Một vấn đề mới quy định trong dự luật được nhiều đại biểu góp ý kiến là quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài. Ða số ý kiến phát biểu tán thành quy định về quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài ở Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc quy định này vì liên quan đến việc bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.

Cùng với các nội dung trên, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến đối với cơ chế để bảo vệ cán bộ công đoàn, tài chính công đoàn...

* Cùng ngày, tại Hà Nội, Ủy ban Ðối ngoại của QH khóa XIII tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ hai. Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Bộ Ngoại giao trình bày khái quát những vấn đề lớn về dự thảo Luật Biển Việt Nam và thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Quy chế hoạt động của Ủy ban Ðối ngoại của QH.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com