Ngày 22-9-2011, Đoàn công tác của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội do đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn đã về làm việc với tỉnh ta và khảo sát tình hình thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi, bổ sung). Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Đức Long, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Thường trực HĐND tỉnh; Uỷ ban MTTQ tỉnh; các Sở: LĐ-TB và XH, Tài chính, GD và ĐT, Y tế, Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội CCB tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh và Hội Cựu TNXP tỉnh.
Đồng chí Bùi Đức Long, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tiếp Đoàn công tác của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. |
Đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tình hình công tác thực hiện các chế độ chính sách ưu đãi người có công tại huyện Hải Hậu. Đoàn cũng đã nghe Sở LĐ-TB và XH báo cáo, ý kiến của các ngành hữu quan về tình hình thực hiện công tác chăm sóc người có công của tỉnh, những vướng mắc trong quá trình thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan. Tỉnh ta có trên 3,6 vạn liệt sỹ (trong đó có gần 14 nghìn thân nhân liệt sỹ đang hưởng trợ cấp tuất); 1.240 Bà mẹ VNAH, 2,5 vạn thương binh, 1,4 vạn bệnh binh, 530 cán bộ lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa; gần 1.500 người hoạt động cách mạng bị địch bắt, tù đày; trên 10 nghìn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (trong đó có gần 9.500 người còn sống đang hưởng trợ cấp); 170 nghìn người tham gia hoạt động kháng chiến - giải phóng dân tộc đã được giải quyết trợ cấp 1 lần. Sở LĐ-TB và XH hiện đang quản lý chi trả trợ cấp thường xuyên hằng tháng cho gần 53 nghìn đối tượng với số kinh phí 57,5 tỷ đồng/tháng. Thực hiện các pháp lệnh, nghị định và văn bản chỉ đạo về công tác ưu đãi, chăm sóc người có công, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ chính sách; công tác chỉ đạo, hướng dẫn bằng văn bản bảo đảm kịp thời, đầy đủ. Công tác xét duyệt hồ sơ, từ khi thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công năm 2005 và Nghị định số 54 năm 2006, toàn tỉnh đã xét duyệt hồ sơ và giải quyết chế độ cho trên 146 nghìn lượt người có công và thân nhân. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã tôn tạo, tu sửa nghĩa trang liệt sỹ địa phương; tham gia xây dựng, tôn tạo nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, Điện Biên; thăm hỏi người có công và thân nhân, cấp thẻ BHYT, chế độ điều dưỡng, cấp dụng cụ chỉnh hình, hỗ trợ tu sửa, xây mới, cải thiện nhà ở cho người có công. Ngành LĐ-TB và XH, các ngành liên quan kiến nghị với đoàn công tác một số vướng mắc như: một số văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ, kịp thời như Nghị định số 54/2006, Nghị định số 89/2007 ban hành hơn 1 năm sau khi pháp lệnh có hiệu lực; một số quy định chồng chéo khó thực hiện như Nghị định số 49/2010 và Thông tư số 29/2010 về chế độ ưu đãi học sinh, sinh viên là con người có công. Một số quy định chưa rõ về tiêu chuẩn giải quyết chính sách, điều kiện xác nhận; có văn bản hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp trên chưa thống nhất với văn bản quy phạm pháp luật như hướng dẫn của Cục Người có công về chính sách đối tượng nhiễm chất độc hóa học; chính sách đối với con thương, bệnh binh và con người nhiễm chất độc hóa học chưa bình đẳng; một số bộ, ngành chưa quan tâm hướng dẫn xử lý các vấn đề phát sinh như Bộ Y tế trong việc quy định tiêu chí giám định các bệnh do nhiễm chất độc hóa học, Bộ Quốc phòng trong việc xác nhận phiên hiệu các đơn vị quân đội trong chiến tranh và hiện tại, Bộ GD và ĐT trong hướng dẫn các trường thực hiện chính sách ưu đãi người có công… Nhiều quy định về thủ tục hành chính trong xét duyệt đối tượng người có công rườm rà, khó thực hiện; chế độ tuất cho thân nhân liệt sỹ, thương binh còn bất cập. Mức trợ cấp hiện nay cho một số đối tượng như chế độ tuất cho 2 liệt sỹ, chế độ điều dưỡng tập trung thấp. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu, thân nhân liệt sỹ phải tự thực hiện vừa tốn kém, kết quả lại không bảo đảm. Tỉnh đề nghị sửa đổi, bổ sung một số chính sách: tiếp tục cho thực hiện giám định lại thương tật cho thương binh khi vết thương tái phát, về chính sách đối với người hoạt động kháng chiến ở vùng bị nhiễm chất độc hóa học có con bị dị tật, quy định rõ độ tuổi con của người có công được hưởng chính sách ưu đãi về giáo dục; cần quy định rõ chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công…
Qua khảo sát thực tế và nghe báo cáo tại hội nghị, đoàn công tác khẳng định, mặc dù tỉnh còn khó khăn song cách làm của tỉnh trong công tác chăm sóc người có công hiệu quả, kịp thời. Đoàn công tác tiếp thu toàn bộ những đề nghị, kiến nghị của tỉnh để báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong lần bổ sung, sửa đổi pháp lệnh tới đây./.
Tin, ảnh: Vân Anh